Thứ 7, 23/11/2024, 09:25[GMT+7]

Sản xuất lúa, gạo theo hướng bền vững

Thứ 2, 02/09/2024 | 21:32:00
10,859 lượt xem
Trước tác động của biến đổi khí hậu, biến chuyển của xu thế tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu, ngành nông nghiệp đã đổi mới tư duy, phương thức tổ chức sản xuất lúa, gạo theo hướng bền vững nhằm bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Diện tích sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật ngày càng được mở rộng, qua đó giảm phát thải khí nhà kính.

Là xã duyên giang của huyện Kiến Xương với hơn 3km chiều dài bãi bồi ven sông Trà Lý, xã Trà Giang đã quy hoạch gần 60ha vùng bãi gieo cấy lúa hữu cơ kết hợp khai thác rươi nhằm xây dựng thương hiệu gạo, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. 

Ông Bùi Hữu Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Việc cấy lúa trên đất khai thác rươi góp phần nhân đôi hiệu quả sản xuất, không chỉ tăng sản lượng rươi hơn mà còn tạo môi trường trong lành cho vùng đất bãi cũng như mang lại hạt gạo sạch, xây dựng được thương hiệu chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ nâng cao.

Những năm gần đây, phát triển nông nghiệp bền vững là vấn đề được tỉnh quan tâm, đã đặt ra định hướng với các giải pháp phù hợp nhằm đạt mục tiêu chung trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 2840/ QĐ-UBND, ngày 18/11/2021 của UBND tỉnh. Là tỉnh có diện tích gieo cấy lúa lớn thứ hai khu vực đồng bằng sông Hồng với 140.000ha/năm, Thái Bình luôn đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, năng suất lúa nhiều năm trở lại đây đều đạt trên 130 tạ/ha/năm, sản lượng hàng năm ước đạt khoảng 1 triệu tấn, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Việc tập trung đất đai tổ chức sản xuất lúa, gạo quy mô lớn theo chuỗi giá trị đã được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm thực hiện, góp phần làm gia tăng giá trị trong sản xuất lúa, gạo. Sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh thời gian qua có sự thay đổi đáng kể từ chuyển dịch cơ cấu giống. Lúa chất lượng đang dần được mở rộng, chiếm trên 40% cơ cấu giống lúa. Hướng đi này giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng, góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất lúa, gạo chất lượng cao.

Vụ mùa năm 2024, xã Phú Lương (Đông Hưng) tham gia mô hình tăng cường sản xuất lúa gạo thông minh với khí hậu hướng tới sản xuất lúa bền vững và an ninh lương thực vùng thông qua ứng dụng kỹ thuật hạt nhân.

Xác định kinh tế các-bon thấp là hướng đi mới, là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành nông nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản bền vững toàn cầu, nhiều địa phương trong tỉnh đã quan tâm triển khai, hình thành các mô hình áp dụng khoa học công nghệ, quy trình kỹ thuật canh tác tiết kiệm nhiên liệu vận hành máy nông nghiệp, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. 

Xã Phú Lương (Đông Hưng) là địa phương đi đầu áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa như: SRI (kỹ thuật canh tác lúa cải tiến), hàng rộng hàng hẹp, giảm phát thải khí nhà kính... Mới đây, vụ xuân năm 2024, địa phương tham gia mô hình thí điểm canh tác lúa tưới ngập – khô xen kẽ, hiệu chỉnh và kiểm định mô hình giải đoán ảnh vệ tinh để xác định mực nước trên ruộng lúa phục vụ tính toán, kiểm kê khí nhà kính hướng tới giao dịch bán tín chỉ các-bon với quy mô hơn 60ha, 800 hộ nông dân tham gia. Ở vụ mùa, HTX tiếp tục tham gia mô hình “Trình diễn tăng cường sản xuất lúa gạo thông minh với khí hậu hướng tới sản xuất lúa bền vững và an ninh lương thực vùng, thông qua ứng dụng kỹ thuật hạt nhân” do Viện Môi trường nông nghiệp thực hiện. 

Ông Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Phú Lương cho biết: Bên cạnh hiệu quả kinh tế, tham gia các dự án, mô hình, nông dân được tập huấn từ đó ý thức nâng lên rõ rệt, “nói không” với rác thải nhựa trên đồng ruộng, đồng thời sản xuất có trách nhiệm hơn với môi trường, thị trường.

Với mục tiêu giảm thiểu nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, an toàn thực phẩm, ngày càng nhiều mô hình sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ, sử dụng các loại phân bón có chứa vi sinh vật hữu hiệu, NPK tổng hợp đa yếu tố và các chất hỗ trợ... theo hướng thâm canh tổng hợp, sản xuất lúa theo hướng bền vững, không sử dụng phân đạm đơn bón cho lúa. 

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thái Bình tự hào là địa phương đầu tiên có 100% HTX được hướng dẫn áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) ngay từ những năm 2000. Tỉnh đã có tư duy “nông - lộ - phơi” để quản lý mức nước phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Tư duy này đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt trong nhiều năm.

Để phát huy lợi thế, hướng đến phát triển ngành lúa, gạo bền vững, hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa trong tình hình mới, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai thí điểm các mô hình sản xuất lúa theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, bền vững, sinh thái đa tầng và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất lúa cho vùng lúa cấy giống đặc sản, lúa chất lượng cao, lúa xuất khẩu.

Ngân Huyền