Thứ 3, 03/09/2024, 11:20[GMT+7]

Thái Thụy: Khai thác tiềm năng kinh tế biển

Thứ 3, 03/09/2024 | 08:08:17
372 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX về phát triển kinh tế biển, những năm qua, huyện Thái Thụy đã khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng, từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tạo động lực trong phát triển kinh tế của địa phương.

Huyện Thái Thụy đầu tư, nâng cấp nhiều tuyến giao thông quan trọng, tạo kết nối vùng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.

Phát triển toàn diện kinh tế thủy sản

Trời chưa sáng nhưng không khí tại cảng cá Tân Sơn đã rất nhộn nhịp. Người khẩn trương mua bán hải sản, người bận rộn chuẩn bị thực phẩm, nhiên liệu để kịp vươn khơi bám biển. Sau hơn 3 ngày ra khơi, anh Tạ Duy Hiếu, chủ tàu cá TB90081TS phấn khởi vì chuyến đi biển trúng đậm. Anh chia sẻ: Phát huy nghề truyền thống, cách đây hơn 10 năm tôi mạnh dạn đầu tư mua sắm đôi tàu 280CV để đánh bắt thủy hải sản. Chuyến đi biển này tôi đánh bắt được hơn 1,5 tấn cá thu, cá chim, cá mực..., thu về 60 – 70 triệu đồng, trừ chi phí còn khoảng 30 triệu đồng. Những năm gần đây, ngư dân chúng tôi gặp nhiều bất lợi do ngư trường ngày càng khan hiếm cá, thời tiết diễn biến phức tạp, giá nhiên liệu tăng, nguồn nhân lực trẻ chưa có tay nghề... Tuy nhiên, tôi và người dân địa phương vẫn ngày ngày kiên trì bám biển bởi đây không chỉ là nghề mưu sinh, giúp cải thiện cuộc sống mà còn là nghề truyền thống của cha ông cần lưu giữ và phát huy.

Ông Lê Xuân Quy, Chủ tịch UBND thị trấn Diêm Điền cho biết: Thị trấn hiện có 144 tàu cá, trong đó 70 tàu có chiều dài trên 15m. Sản lượng khai thác đạt trên 15.000 tấn/năm. Từ đầu năm 2024 đến nay, giá trị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản ước đạt hơn 100 tỷ đồng. Nguồn nguyên liệu dồi dào là điều kiện để nghề chế biến, kinh doanh thủy sản phát triển, địa phương có 4 doanh nghiệp và 18 cơ sở chế biến thủy sản, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động địa phương với thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, người dân còn phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá và nuôi trồng thủy sản. Từ phát triển kinh tế biển, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Ngoài thị trấn Diêm Điền, các địa phương ven biển đã tận dụng tiềm năng của địa phương phát triển toàn diện các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản. 

Ông Lê Văn Hoan, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Thái Thụy hơn 4.300ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt hơn 23.300 tấn; giá trị sản xuất ngành thủy sản ước đạt hơn 930 tỷ đồng, tăng 2,36% so với cùng kỳ. Hiện toàn huyện đã có 5 sản phẩm chế biến thủy hải sản được đánh giá, xếp hạng và công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Trong năm 2024, phấn đấu giá trị sản xuất thủy sản đạt 2.282 tỷ đồng, huyện tập trung chỉ đạo nuôi thủy hải sản tại các vùng chuyển đổi, vùng ven sông, ven biển; tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng con giống, thức ăn tốt ở các cơ sở cung ứng có uy tín và đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để tăng năng suất và hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nuôi theo hướng thâm canh mang lại lợi nhuận cao trên đơn vị diện tích đầm nuôi, bảo đảm phát triển theo hướng bền vững; quyết liệt rà soát, quản lý tàu cá thực hiện tốt các quy định trong khai thác thủy hải sản; rà soát, đôn đốc 100% doanh nghiệp chế biến xây dựng các điều kiện bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện Thái Thụy hơn 4.300ha.

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng gắn với thu hút đầu tư

Xác định phát triển kinh tế biển là bước đột phá trong phát triển kinh tế của huyện, Thái Thụy tập trung phối hợp cùng Ban Quản lý dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực hoàn thành các bước đầu tư xây dựng cảng cá Thụy Tân (Thụy Trường, An Tân) theo Quyết định số 592/QĐ-TTg, ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, hoàn thiện các bước của dự án đầu tư nâng cấp cảng cá Tân Sơn và các bến cá theo quy hoạch để vừa tạo ra hệ thống hậu cần nghề cá vững chắc đồng thời cũng thực hiện tốt các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; quy hoạch lại hệ thống chế biến hải sản, hình thành các trung tâm tiêu thụ sản phẩm lớn của các vùng nuôi tập trung và các trung tâm đô thị. Bên cạnh đó, huyện được đầu tư, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông quan trọng, tạo kết nối vùng như dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 và cầu sông Hóa, dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc CT.08 đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình... tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư.

Ông Phạm Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại đã tạo điều kiện thu hút đầu tư trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Huyện đã thành lập 4 cụm công nghiệp, thu hút được 15 dự án thứ cấp với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện đã thu hút được 9 dự án lĩnh vực công nghiệp, trong đó 7 dự án đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp Liên Hà Thái, 1 dự án đăng ký đầu tư vào cụm công nghiệp Thụy Sơn, 1 dự án Amonitrat. Huyện đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi về giải quyết thủ tục hành chính; chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt các dự án trọng điểm như dự án khu công nghiệp Liên Hà Thái, các tuyến đường kết nối trong Khu kinh tế Thái Bình, dự án phát triển nhà ở khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Thụy Bình, dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình, dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình; đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân nhằm mục tiêu đưa Thái Thụy sớm trở thành một đô thị xanh, đô thị ven biển hiện đại trong tương lai.

Nguyễn Thắm