Thứ 5, 31/10/2024, 19:17[GMT+7]

Đông Hưng: Nỗ lực khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất sau bão

Thứ 3, 10/09/2024 | 18:27:52
15,288 lượt xem
Bão số 3 với gió mạnh và mưa lớn khiến nhiều diện tích cây trồng và ao nuôi thủy sản của bà con nông dân trên địa bàn huyện Đông Hưng bị thiệt hại, trong đó nhiều diện tích bắt đầu vào kỳ thu hoạch. Nén nỗi xót xa, bà con nông dân đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão để ổn định phát triển sản xuất.

Để cứu ao cá rô của gia đình, chị Phạm Thị Quế, xã Đông Cường giảm lương thức ăn, diệt khuẩn trong nước, tăng đề kháng cho cá.

Có mặt tại cánh đồng chuyên màu, bãi ven đê của bà con nông dân xã Hồng Bạch, chúng tôi không khỏi bất ngờ, xót xa bởi sự tiêu điều, xơ xác của những giàn bí đang đến kỳ thu hoạch và những vườn chuối bị gió bão quật đổ gục. 

Bà Nguyễn Thị Xuyến, xã Hồng Bạch chia sẻ: Gia đình tôi trồng 6 sào bí xanh, thời điểm này bí bắt đầu cho thu hoạch. Tôi mới bán được khoảng 2 triệu đồng thì bão số 3 đổ bộ khiến 50% diện tích giàn bị đổ sập, bí bị ngập nước, quả thối hỏng hoàn toàn. 3 sào còn lại lá và ngọn đều bị bão quật gãy, xác xơ. Gia đình đang tập trung gia cố lại giàn, chăm sóc bí để thu thêm quả thì tốt còn không thì phá đi, làm đất chuẩn bị trồng cây vụ đông. Kiến nghị chính quyền hỗ trợ giống cho chúng tôi trồng vụ mới để bù lại thiệt hại của vụ bí hè thu này.

Đứng chết lặng trước vườn chuối bị bão số 3 đánh đổ gục hết, ông Đỗ Thành Trung, xã Hồng Bạch ngậm ngùi cho biết: Gió to làm 4.000 gốc chuối dự kiến sẽ cho thu hoạch vào dịp tết đổ hoàn toàn. Chờ tạnh, nước rút hết, gia đình tổ chức cắt bỏ chuối đổ, hỏng, làm đất, trồng lứa chuối mới. Thiệt hại của gia đình lên tới gần 500 triệu đồng, vì vậy chúng tôi mong tỉnh, huyện có biện pháp hỗ trợ để nông dân chúng tôi giảm thiệt hại.

Vụ hè thu năm nay, bà con nông dân xã Hồng Bạch trồng 55ha cây màu, một số diện tích dưa lê, dưa chuột và cây màu đã thu hoạch xong; 20ha bí xanh bắt đầu được thu hoạch, 20ha chuối đang ra quả. Ảnh hưởng của bão số 3 làm 50% diện tích giàn bí bị sập, cây bí bị dập và chết, 90% diện tích chuối bị gãy đổ. 

Để hỗ trợ bà con nông dân khắc phục thiệt hại, HTX DVNN Bạch Đằng, xã Hồng Bạch đã tổ chức khơi thông dòng chảy, bơm tiêu nước chống úng cho rau màu, vận động, hướng dẫn bà con củng cố giàn bí, tập trung chăm bón diện tích cây màu còn có thể cứu để sớm phục hồi. HTX cũng đã tổ chức cho bà con đăng ký giống cây trồng mới để chủ động trồng vụ tiếp theo, đồng thời kiến nghị với cấp trên hỗ trợ giống cho bà con sản xuất.

Trở lại mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Phạm Văn Tài, xã Phong Châu, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi vườn dưa chuột xanh ngát, trĩu quả trước đây giờ hóa tiêu điều. 

Anh Tài nén lòng chia sẻ: Trong nhà màng, tôi trồng 3.500 cây dưa chuột, mỗi ngày thu được 1,5 triệu đồng nhưng bão gió lớn đã thổi bay 200m2 nóc áo mưa, khung, giàn bị đổ gãy nhiều chỗ. Gia đình đang mua nguyên vật liệu, thuê thợ mắc lại giàn, làm lại khung nhà màng, phá toàn bộ dưa hỏng đi, xử lý đất bằng cách trộn đất cùng với tro trấu, xơ dừa, phân lân hữu cơ để đất tơi xốp, nhiều dinh dưỡng, chuẩn bị hạt giống chất lượng để trồng vụ dưa khác. Tôi mong các cấp, các ngành tạo điều kiện về vốn để gia đình có điều kiện sớm khôi phục sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Xuyến, xã Hồng Bạch cố tìm những quả bí còn sót lại dưới giàn bị bão làm sập.

Bão số 3 không chỉ gây thiệt hại cho các hộ trồng rau màu mà nhiều vùng nuôi thủy sản của bà con cũng bị ngập, thiệt hại nhiều tỷ đồng. 

Chị Phạm Thị Quế, xã Đông Cường cho biết: 13 tấn cá rô, 10 tấn ếch thịt, 2 vạn ếch con đang phát triển tốt, dù gia đình đã chủ động các biện pháp phòng, chống nhưng bão số 3 gây mưa to đã làm ngập hết ao, một lượng lớn cá và ếch tràn ra ngoài. Nước mưa có nhiều axit lại mất điện khiến cá và ếch thiếu oxy bị chết khoảng 1,5 tạ/ngày. Để cứu ếch và cá, tôi phải thuê 5 lao động múc nước ở sông vào thay thế cho nước trong ao; giảm lượng thức ăn; diệt vi khuẩn có hại bằng men vi sinh để giảm khí độc ở ao; cho ếch ăn men tỏi, kháng sinh để phòng bệnh tiêu chảy… Gia đình muốn xuất ếch và cá đi song khó vì giờ nhiều người bán, ít người mua.

Nông dân đang gia cố lại khung nhà màng bị bão làm hỏng để chuẩn bị trồng vụ dưa chuột mới.

Do ảnh hưởng của bão khiến 6.500/11.000ha lúa mùa bị nghiêng, đổ, trong đó đổ ệp khoảng 500ha; gây thiệt hại 100ha rau màu, trên 80ha nuôi thủy sản, trên 5.600 con gia cầm… 

Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, UBND huyện chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị, địa phương tập trung khắc phục thiệt hại, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lũ trên sông nhằm hỗ trợ bà con giảm thiểu thiệt hại, nhanh chóng phục hồi sản xuất. Tổ chức vận hành trạm bơm Hậu Thượng, trạm bơm Cống Lấp tiêu úng cho lúa và rau màu, vùng nuôi thủy sản. Huy động lực lượng, phương tiện tổ chức khơi thông dòng chảy nhằm tiêu nước nhanh nhất, ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích lúa, rau màu, ao nuôi thủy sản bị ngập úng nặng, khó tiêu thoát nước. Động viên bà con dựng buộc những diện tích lúa bị đổ; bỏ diện tích cây màu bị hỏng; chăm sóc, chống úng, phòng, trừ sâu bệnh cho diện tích cây, con còn lại theo đúng hướng dẫn của các ngành chức năng cho cây nhanh phục hồi. Ngành nông nghiệp có phương án để kịp thời hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản khi cần; chuẩn bị giống cây, con phục vụ bà con nông dân nuôi, trồng vụ mới. Các địa phương tăng cường quản lý, không để xảy ra tình trạng thiếu vật tư nông nghiệp, bảo đảm chất lượng vật tư nông nghiệp phục vụ bà con nông dân sản xuất.

Thu Hiền