Thứ 4, 11/09/2024, 23:19[GMT+7]

Tham quan mô hình canh tác lúa phát thải thấp

Thứ 4, 11/09/2024 | 19:16:52
616 lượt xem
Trong khuôn khổ diễn đàn khu vực về canh tác lúa giảm phát thải thấp – hiện thực hóa tầm nhìn trên quy mô cảnh quan do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Chương trình Tác động đến Hệ thống lương thực thực phẩm, sử dụng đất và phục hồi (FOLUR) thuộc Ngân hàng Thế giới tổ chức, ngày 11/9, các đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia thành viên Chương trình FOLUR (Anh, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Nhật, Pakistan, Pháp, Philippines, Trung Quốc, Thái Lan, Úc, Việt Nam…) đã tham quan mô hình canh tác lúa phát thải thấp tại xã Bình Thanh (Kiến Xương).

Đại diện HTX SXKD DVNN xã Bình Thanh giới thiệu tới các đại biểu về hiệu quả áp dụng quy trình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính.

Từ năm 2019, HTX SXKD DVNN xã Bình Thanh đã tham gia canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính với công nghệ của hai đơn vị, 1.250 hộ nông dân tham gia, diện tích 150ha, trong đó có công nghệ của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. HTX đã liên kiết tiêu thụ sản phẩm từ năm 2012 đến nay, diện tích bình quân từ 90 - 125ha, sản lượng tiêu thụ từ 800 - 1.200 tấn/năm.

Các đại biểu tìm hiểu về sản phẩm gạo canh tác theo quy trình giảm phát thải khí nhà kính của HTX.

Tại buổi tham quan, đại diện HTX SXKD DVNN xã Bình Thanh đã giới thiệu với các đại biểu về gói quy trình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính của ThaiBinh Seed mà nông dân đã và đang áp dụng. Gói công nghệ được nông dân đánh giá là đơn giản, dễ áp dụng; bón phân 2 lần/vụ (quy trình cũ là 4 lần/vụ) giúp giảm công lao động, giảm chi phí; cấy thưa giam 10kg giống/ha; xiết nước 3 lần/vụ giúp giảm nước tưới, lúa cứng cây, hạn chế sâu bệnh và tăn khả năng chống đổ. Gói công nghệ sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí mê tan. Năng suất lúa tăng từ 12 – 33% so với canh tác truyền thống. Tham gia mô hình, nông dân được ThaiBinh Seed thu mua sản phẩm. Thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng quy mô liên kết sản xuất cho người nông dân trực tiếp sản xuất lúa gạo để hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng giảm phát thải nhà kính; cơ bản toàn bộ diện tích sản xuất lúa của địa phương sẽ từng bước ứng dụng các quy trình kỹ thuật canh tác lúa theo tiến bộ khoa học kỹ thuật dần hướng tiêu chuẩn trong nước và xuất khẩu.

Các đại biểu thăm, làm việc với Tập đoàn ThaiBinh Seed.

Cùng ngày, các đại biểu cũng đã thăm, tìm hiểu quy trình, công nghệ sản xuất lúa giống tại nhà máy chế biến hạt giống của ThaiBinh Seed, xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình). Tiếp và làm việc với đoàn, đại diện Tập đoàn ThaiBinh Seed khẳng định, ThaiBinh Seed là đơn vị đi tiên phong tại Thái Bình triển khai thực hiện mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính. Từ năm 2019, tập đoàn đã triển khai mỗi năm 1.500ha lúa áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính. Gói công nghệ của ThaiBinh Seed giúp giảm phát thải khí các bon từ 0,34 – 1,31 tấn/ha. Hiện ThaiBinh Seed đang tiếp tục thực hiện dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 1.000ha tại 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. ThaiBinh Seed cam kết đồng hành cùng nông dân chuyển đổi phương pháp canh tác theo hướng hiện đại, bền vững.

Ngân Huyền