Chủ nhật, 28/07/2024, 15:14[GMT+7]

Độc Lập Phát triển kinh tế từ vùng chăn nuôi tập trung

Thứ 3, 24/09/2013 | 14:46:17
1,038 lượt xem
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, những năm gần đây, một số gia đình nông dân ở xã Độc Lập (Hưng Hà) đã tiến hành chuyển đổi diện tích đất thấp, trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư nhằm bảo vệ môi trường và thuận lợi cho việc kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Hầu hết các mô hình đều đem lại thu nhập cao cho người nông dân, giúp họ từng bước vươn lên làm giàu.

Anh Trần Trọng Tình, thôn Đồng Phú, xã Độc Lập (Hưng Hà) cho cá ăn.

Khu chăn nuôi tập trung trước kia vốn là những mảnh ruộng thấp, trũng người dân chỉ canh tác được một vụ lúa nên thu nhập bấp bênh, đời sống gặp nhiều khó khăn. Được  chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và hỗ trợ; cùng quyết tâm vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất của mình, một số gia đình đã đầu tư chuyển đổi thành khu chăn nuôi tập trung và nuôi trồng thủy sản nhằm tạo ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Bắt đầu từ năm 2005, một số hộ đầu tư chuyển đổi.

Sau vài năm, thấy được hiệu quả từ mô hình này nên ngày càng có nhiều hộ gia đình tham gia. Đến nay, đã có 33 gia đình đăng ký với UBND xã nhận đấu thầu đất và đầu tư đào ao, xây dựng chuồng trại kiên cố phục vụ chăn nuôi. Trên vùng diện tích chuyển đổi, các gia đình đã tổ chức sản xuất trồng trọt, chăn nuôi những cây, con có giá trị kinh tế cao như: nuôi cá, lợn rừng, lợn thịt, chim bồ câu…; trồng các loại cây cảnh, chuối tiêu hồng, hòe và các loại rau ngắn ngày.

Đến thăm gia đình anh Trần Trọng Tình, thôn Đồng Phú, một trong những người đi đầu trong phong trào chuyển đổi từ cấy lúa sang nuôi trồng thủy sản, anh cho biết: “Năm 2005, thực hiện chủ trương chuyển đổi vùng sản xuất, gia đình tôi mạnh dạn đăng ký với UBND xã chuyển đổi diện tích đất canh tác và đấu thầu thêm để mở rộng diện tích chăn nuôi.

Hiện nay gia đình tôi có 3,2 mẫu đất; trong đó 2,5 mẫu đào 3 ao thả cá, hàng năm cho thu hoạch hàng chục tấn cá, diện tích còn lại tôi xây dựng chuồng trại nuôi từ 50 – 70 con lợn thịt, 300 con vịt đẻ, hàng nghìn con vịt thịt; trên bờ gia đình tôi trồng cây sanh cảnh và cây ăn quả nhằm tạo cảnh quan, bóng mát và giữ vững bờ ao”. Những năm trước, do chưa nắm được kỹ thuật chăn nuôi nên gặp nhiều rủi ro, thua lỗ nhưng 3 năm trở lại đây mô hình chăn nuôi này đã giúp gia đình anh Tình có thu nhập ổn định, khoảng 200 triệu đồng/năm. Cũng nhờ mạnh dạn xây dựng mô hình chăn nuôi, đến nay anh đã xây được ngôi nhà khang trang, có điều kiện nuôi con cái học hành đầy đủ.

Xây dựng thành công khu chăn nuôi tập trung đã tạo điều kiện cho các gia đình cùng nhau phát triển kinh tế, học hỏi trao đổi kinh nghiệm. Việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh tại khu chăn nuôi này khá hiệu quả, dễ khoanh vùng bao vây dập dịch. Ông Nguyễn Xuân Biên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Độc Lập cho biết: “Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xã đã mạnh dạn cho các gia đình có điều kiện đấu thầu để xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung, phát triển kinh tế. Từ vài hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, toàn xã đã có hàng chục hộ tham gia mô hình với tổng diện tích chuyển đổi trên 50 ha”. Để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình này, hằng năm, Hội Nông dân  xã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nhằm giúp các hộ ứng dụng khoa học kỹ thuật một cách có hiệu quả vào chăn nuôi và trồng trọt.

Trong thời gian tới, xã tiếp tục nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả giúp người nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Bài, ảnh: Phạm Hưng

  • Từ khóa