Chủ nhật, 28/07/2024, 15:22[GMT+7]

Sản xuất vụ đông trên vùng đất Đông Hoàng

Thứ 4, 25/09/2013 | 09:13:28
1,234 lượt xem
Công khai, minh bạch kịp thời tất cả các khoản hỗ trợ của tỉnh, của huyện về sản xuất vụ đông. HTX đang phối hợp với các thôn, xây dựng kế hoạch huy động cơ giới để thu hoạch lúa mùa sau đó lật đất trồng vụ đông thay thế ngay

Mô hình cánh đồng mẫu xã Đông Hoàng (Tiền Hải) sau thu hoạch lúa mùa sẽ trồng cây vụ đông.

Do nhiều nguyên nhân, cách đây chưa lâu, phong trào sản xuất vụ đông ở Tiền Hải còn nhiều khó khăn, thường bị xếp vào hàng “chậm phát triển” của tỉnh. Vậy mà chỉ sau ít năm, khi phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống và công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp thành hiện thực, giao thông - thủy lợi nội đồng dần được hoàn thiện thì phong trào sản xuất vụ đông ở Tiền Hải như được tiếp thêm sức sống, lan tỏa đến tận các vùng khó khăn ven biển, trong đó có xã Đông Hoàng, một điển hình vượt khó, phát triển sản xuất vụ đông.

Đông Hoàng có hơn 2.000 hộ, với trên 50% là đồng bào theo đạo Thiên chúa, vốn là xã có nhiều khó khăn. Toàn xã có tổng diện tích đất canh tác 373,5 ha, do nằm sát bãi biển nên đất đai không bằng phẳng, đồng đều như các xã nội đồng. Không những thế, tỷ lệ ruộng đất nhiễm chua mặn khá cao, nên năng suất cây trồng chỉ đứng ở vị trí trung bình của huyện.

Về mùa khô, cũng là thời điểm trồng vụ đông, nhiều năm Đông Hoàng và các xã ven biển thiếu cả nước sinh hoạt, chứ chưa nói đến nước tưới cho cây trồng... Khó khăn là vậy, nhưng bà con Đông Hoàng vẫn coi trọng “tấc đất, tấc vàng”, tận dụng tối đa đất có thể trồng cấy được để sản xuất vụ thứ 3 trong năm. Mặc dù vậy, diện tích trồng cây vụ đông chỉ dừng ở con số 35 – 40 ha, năm nào thuận lợi thì đạt hơn 50 ha. Cây trồng chính của vụ đông những năm trước đây chỉ là rau màu thông thường,  chủ yếu “tự cung, tự cấp”, chưa mang tính sản xuất hàng hóa.

Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, quy hoạch lại các vùng sản xuất, nhiều cánh đồng mẫu được hình thành, thuận lợi cho đầu tư thâm canh, phong trào sản xuất vụ đông của Đông Hoàng bật dậy với sức sống mới. Năm 2011, diện tích vụ đông toàn xã đạt trên 100 ha. Năm 2012, mặc dù gặp khó khăn do bão số 8 (10/2012) gây thiệt hại cho cây vụ đông ưa ấm, bà con tiếp tục bù lại bằng cây ưa lạnh, nên tổng diện tích vụ đông của Đông Hoàng không hề suy giảm so với năm trước.

Nhiều diện tích cây ưa lạnh còn mang về giá trị thu nhập cao hơn. Dù phong trào sản xuất vụ đông mới được khởi sắc, nhưng tại Đông Hoàng cũng đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến làm giàu từ sản phẩm vụ đông. Ông Bùi Hướng (thôn Tân Lạc), năm 2012 trồng tới 1,5 mẫu khoai tây, do tiếp thu tốt kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ, giá bán tại ruộng 12.000 đồng/kg nên ông Hướng đã có một khoản thu kha khá. Ông Trần Xuân Đãng (thôn Hải Long) cũng là hộ sản xuất vụ đông giỏi của Đông Hoàng.

Kết thúc vụ đông 2012, ông Đãng thu về số lãi hơn 40 triệu đồng. Khác với ông Hướng và ông Đãng, ông Đỗ Xuân Năng (thôn Hải Long) có nhận thức khá sớm về lợi ích “canh viên”. Toàn bộ 2 sào thổ canh của gia đình ông quanh năm phủ màu xanh của các rau màu như ớt tươi, cà chua, dưa... Ông Năng coi vụ đông là thời điểm thuận lợi nhất của cả năm để tăng thu nhập cho gia đình, tính ra mỗi năm thu về hàng chục triệu đồng/sào... Ngoài những hộ nêu trên, ở Đông Hoàng đoàn thể nào cũng có điển hình sản xuất vụ đông đang được nhân lên thành phong trào chung của xã. Sau khi đã thăm cánh đồng mẫu, cấy cùng một giống lúa ĐS1 xuất khẩu, sau thu hoạch trồng cây vụ đông ưa lạnh, ông Nguyễn Quốc Đỉnh, Chủ nhiệm HTX DVNN Đông Hoàng cho biết, vụ đông 2013 toàn xã sẽ mở rộng diện tích lên 142 ha, trong đó có 68 ha trên chân đất 2 lúa.

Thực hiện cơ cấu: cây ưa ấm 30 ha, gồm dưa, bí 6 ha, đậu tương 7 ha, ngô 6 ha, khoai lang 2 ha và rau màu đầu vụ; cây ưa lạnh chiếm hơn 100 ha, với các cây trồng chính là khoai tây, cà chua, đậu đỗ. Để đạt được mục tiêu sản xuất vụ đông 2013, từ kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến, Đông Hoàng đã đổi mới cơ cấu mùa vụ của cả 2 vụ lúa để tạo ra quỹ đất và quỹ thời vụ hợp lý cho sản xuất vụ đông. Tổ chức thăm đồng, dự kiến thu hoạch lúa mùa đại trà vào 5/10.

Cùng với diện tích đất thổ canh của các hộ, chắc chắn cơ cấu cây trồng ưa ấm và ưa lạnh sẽ đạt kế hoạch. Đề cao công tác tuyên truyền, vận động, HTX DVNN Đông Hoàng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tập trung sự chỉ đạo các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh mở đợt tuyên truyền tại các cuộc sinh hoạt đoàn thể. Công khai, minh bạch kịp thời tất cả các khoản hỗ trợ của tỉnh, của huyện về sản xuất vụ đông. HTX đang phối hợp với các thôn, xây dựng kế hoạch huy động cơ giới để thu hoạch lúa mùa sau đó lật đất trồng vụ đông thay thế ngay. Ban quản trị HTX cũng chỉ đạo các bộ phận dịch vụ cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vật tư sản xuất như giống, phân bón, thuốc BVTV cho các hộ xã viên.

Bài, ảnh: Phan Anh

  • Từ khóa