Thứ 7, 23/11/2024, 21:23[GMT+7]

Tìm hướng đi bền vững cho cây dược liệu

Thứ 4, 16/10/2024 | 08:41:59
15,966 lượt xem
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhiều nông dân đã mạnh dạn đưa các loại cây dược liệu có giá trị vào trồng. Tuy nhiên, điệp khúc “được mùa mất giá” khiến nhiều chủ vườn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm. Để giải quyết bài toán này, họ đã thực hiện liên kết vùng sản xuất, tìm hướng đi bền vững cho cây dược liệu.

Công nhân đóng gói sản phẩm tại Hợp tác xã Nam dược Hoàng Lương, xã Tây Ninh (Tiền Hải).

Trước đây, gia đình anh Đào Hữu Nghị, xã Thụy Văn (Thái Thụy) chủ yếu trồng dược liệu sạch để cung cấp cho các công ty dược phẩm và đơn vị thu mua. Do chủ yếu tập trung sản xuất, bán nguyên liệu thô đều phụ thuộc thương lái nên đầu ra không ổn định, giá trị mang lại chưa tương xứng. Với kinh nghiệm 7 năm gắn bó với cây dược liệu, anh Nghị quyết định nghiên cứu, sử dụng chính cây dược liệu trong vườn để làm ra các sản phẩm như dầu gội, xà phòng, trà túi lọc... đáp ứng nhu cầu của khách hàng. 

Theo anh Nghị, nhiều loại dược liệu chỉ qua một số công đoạn sơ chế đơn giản là đã có thể tạo thành những sản phẩm truyền thống, tiện dụng hơn và được nhiều người ưa chuộng. Tháng 6/2022, anh thành lập HTX Nông dược và thương mại dịch vụ Vavi với 7 thành viên, liên kết trồng khoảng 0,2ha cây tía tô, cà gai leo và 35ha sen...

“Hiện tại, HTX đã phát triển được 20 sản phẩm và có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Cùng với đó, chúng tôi có sản phẩm trà túi lọc tía tô được công nhận OCOP 3 sao. Thông qua bán sản phẩm làm từ dược liệu tôi có thu nhập khoảng 40 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với trước” - anh Nghị chia sẻ.

Giống như anh Nghị, thay vì cung cấp nguyên liệu thô cho các công ty sản xuất dược phẩm, anh Hoàng Văn Lương, xã Tây Ninh (Tiền Hải) quyết định đầu tư 500 triệu đồng mua máy móc sơ chế dược liệu, tinh chế thành những sản phẩm chăm sóc sức khỏe cung cấp cho thị trường. Nhờ sự hiểu biết về cây dược liệu và chịu khó nghiên cứu, học hỏi, các sản phẩm ngày càng được nhiều khách hàng tin tưởng, ủng hộ. 

Anh Lương cho biết: Tôi đã thành lập HTX Nam dược Hoàng Lương với 26 thành viên, duy trì sản xuất 63 sản phẩm từ dược liệu. Tôi hỗ trợ giống miễn phí và hướng dẫn bà con kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cây dược liệu tuân thủ đúng theo các bước để bảo đảm chất lượng khi thu hoạch.

Do sức khỏe yếu, bà Nguyễn Thị Huê, thôn Đại Hữu, xã Tây Ninh không thể quán xuyến, duy trì cấy lúa trên diện tích 3,7ha. Bà đã quyết định tham gia HTX, chuyển từ cấy lúa sang trồng cây dược liệu. Bà Huê cho biết: Việc trồng, chăm sóc cây dược liệu đơn giản hơn, không tốn nhiều công sức, thời gian. Tham gia HTX của anh Lương, chúng tôi không chỉ được bảo đảm đầu ra mà còn có thu nhập cao nhiều so với cấy lúa.

Cùng với đó, anh Lương giới thiệu các sản phẩm của HTX lên hầu hết các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. 

“Hiện tại, các sản phẩm trà linh chi, trà gạo lứt của tôi đã được công nhận OCOP 3 sao. Mỗi tháng tôi bán được trên 1.000 sản phẩm. Thời gian tới, tôi mong muốn sẽ tiếp tục tích tụ thêm ruộng đất, mở rộng diện tích vùng trồng dược liệu, nghiên cứu nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã sản phẩm phù hợp với xu hướng thị trường” - anh Lương cho biết.

Các sản phẩm làm từ dược liệu của anh Đào Hữu Nghị, xã Thụy Văn (Thái Thụy).

Mặc dù người nông dân đã có hướng đi mới cho cây dược liệu nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo anh Đào Hữu Nghị: Hiện nay chúng tôi rất muốn mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu và tiếp tục phát triển thêm sản phẩm làm từ cây dược liệu nhưng khó khăn về nguồn vốn; còn loay hoay khi tiếp cận và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Chúng tôi mong muốn sẽ nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của hội nông dân, hội làm vườn các cấp và các đơn vị liên quan giúp đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, nâng cao thu nhập.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh cho biết: Những năm qua, nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, đổi mới tư duy sản xuất, kinh doanh cây dược liệu. Hội Làm vườn tỉnh đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dược liệu an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm cho hội viên; hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản các loại cây dược liệu. Qua đó giúp hội viên, nông dân có kiến thức áp dụng vào sản xuất, chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, từng bước nâng cao thu nhập. Thời gian tới, Hội Làm vườn tỉnh sẽ tăng cường truyền thông giúp người dân và chính quyền các cấp hiểu về vai trò, lợi ích của cây dược liệu với sức khỏe con người; phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu; hỗ trợ chế biến sâu, tạo ra những thương hiệu dược liệu có giá trị cao gắn với phát triển du lịch; phối hợp với các đơn vị hỗ trợ bà con nông dân lập hồ sơ quản lý, cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc đối với các diện tích trồng cây dược liệu tập trung; tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư... Từ đó phát triển bền vững cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Triệu