Thứ 3, 19/11/2024, 19:36[GMT+7]

Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề

Chủ nhật, 20/10/2024 | 07:57:22
15,894 lượt xem
Sản phẩm của các làng nghề có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển thành sản phẩm OCOP, qua đó nâng tầm nghề truyền thống, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, số sản phẩm OCOP của làng nghề trên địa bàn tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Chiếu cói của gia đình ông Nguyễn Văn Xanh, khu Vân Nam, thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023.

Vươn cao nhờ OCOP

Hưng Hà là huyện có nhiều nghề và làng nghề phát triển với 54 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, những năm qua huyện đã có nhiều cơ chế khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho các làng nghề, đặc biệt là những hộ có tâm huyết với nghề truyền thống được vay vốn để đầu tư máy móc, thiết bị, mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Với quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống, ông Nguyễn Văn Xanh - một trong những người “giữ nghề” dệt chiếu cói có thâm niên tại khu Vân Nam, thị trấn Hưng Nhân cho biết: Những năm gần đây, do phải cạnh tranh với chiếu nhựa nên nghề dệt chiếu cói gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sản phẩm chiếu cói vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Chiếu cói được sản xuất từ 2 nguyên liệu chính là cây cói và sợi đay. Đây là nguồn nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường nên an toàn đối với người sử dụng và phù hợp với thời tiết nhiệt đới gió mùa tại Việt Nam, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Nguyên liệu sản xuất chiếu tôi lấy từ các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Thanh Hóa. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ cùng sự hỗ trợ của huyện trong khôi phục, phát triển nghề truyền thống, gia đình tôi đầu tư 10 máy dệt chiếu cói, hiện, mỗi ngày sản xuất khoảng 200 lá chiếu cói. Cơ sở của tôi sản xuất chiếu dệt với nhiều loại: khổ rộng, khổ hẹp, chiếu trơn và chiếu hoa. Giá chiếu dao động từ 300.000 - 350.000 đồng/ một đôi tùy kích cỡ. Năm 2023, sản phẩm chiếu cói của gia đình tôi được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao qua đó giúp thương hiệu được quảng bá rộng rãi, việc tiêu thụ thuận lợi hơn.

Ngoài sản xuất chiếu cói, ông Nguyễn Văn Xanh, khu Vân Nam, thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà) còn đầu tư máy móc sản xuất chiếu nhựa, tạo việc làm cho khoảng 60 lao động. 

Bánh đa Quỳnh Côi đã có từ lâu đời, được lưu truyền trở thành đặc sản mà đi đâu người ta cũng nhắc đến. Đây cũng là một trong những sản phẩm đầu tiên của huyện Quỳnh Phụ được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020. 

Anh Hoàng Phó Nam, chủ thể sản phẩm OCOP bánh đa Quỳnh Côi cho biết: Mọi công đoạn sản xuất bánh đa Quỳnh Côi của cơ sở đều được thực hiện một cách nghiêm ngặt, kỹ lưỡng từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chế biến. Nhờ áp dụng máy móc, công nghệ hiện đại, cơ sở của gia đình tôi đã thay đổi cách sản xuất từ phơi bánh ngoài trời, vo gạo làm thủ công sang máy móc, thay sức người bằng sức máy hiện đại hơn. Sau khi bánh thái xong sẽ được đưa vào cuộn, gấp rồi đưa vào sấy trong phòng sấy tách ẩm. Quá trình sấy khô ở nhiệt độ cao giúp cho bánh không bị bám bụi bẩn và giữ nguyên được hương vị đậm đà của gạo. Cách làm này thay thế hoàn toàn công đoạn phơi thủ công bằng ánh nắng mặt trời theo truyền thống. Cuối cùng, sau khi sấy khô, bánh đa sẽ được chuyển ra ngoài và đưa vào đóng gói bằng túi nilon chuyên dụng để sản phẩm luôn được an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, bánh đa Quỳnh Côi không chứa các chất phụ gia, chất bảo quản nên rất an toàn cho người sử dụng. Nhờ tự động hóa nhiều khâu trong sản xuất nên năng suất sản phẩm được nâng lên đáng kể, từ quy mô vừa và nhỏ đã phát triển lên quy mô lớn, tiêu thụ hơn 120.000 tấn gạo/năm. Có 3 cái được khi sản phẩm được “gắn sao” OCOP: Thứ nhất là tiêu thụ thuận lợi hơn, thứ hai là giải quyết được việc làm cho người dân, từ đó nâng cao thu nhập và thứ ba là mang tính xã hội lớn - có sự lan tỏa về giá trị sản phẩm sau khi được công nhận OCOP, tạo được niềm tin, thu hút người tiêu dùng hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại không phải là sản phẩm OCOP.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 22 sản phẩm OCOP của các làng nghề đạt chứng nhận 3 sao, 4 sao. Hầu hết các sản phẩm làng nghề sau khi gắn sao OCOP đều phát triển tốt, với mức bình quân tăng từ 20 - 25% so với trước khi tham gia chương trình. Trong đó, có một số sản phẩm phát triển thị trường rất khả quan, có mặt tại nhiều chuỗi hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu thành công tại những thị trường khó tính.

Bánh đa Quỳnh Côi là một trong bốn sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao đầu tiên của huyện Quỳnh Phụ.

Phát triển sản phẩm - trọng tâm phát triển làng nghề

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 141 làng nghề, trong đó: 22 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 4 làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ; 4 làng nghề xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề; 107 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát; 4 làng nghề phục vụ đời sống dân cư nông thôn. Ngoài phát triển ổn định các nghề truyền thống đã du nhập thêm một số nghề mới: dệt chiếu nilon, móc sợi, làm lông mi giả... góp phần giải quyết việc làm cho trên 50.000 lao động, doanh thu bình quân của làng nghề đạt 40.652 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân 13.971 triệu đồng/ năm. Ngoài ra, toàn tỉnh có 106 làng có nghề nhưng chưa được công nhận. 22 sản phẩm OCOP từ các làng nghề đều là những “tinh hoa” mang thương hiệu, đặc trưng của mỗi địa phương. Tuy nhiên, con số này so với 141 làng nghề, gần 200 sản phẩm OCOP hiện có còn khá khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng.

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Qua rà soát, trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm làng nghề chưa xây dựng được thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, bị cạnh tranh mạnh bởi các sản phẩm công nghiệp. Quy mô làng nghề nhỏ, sản xuất phân tán trong khu dân cư của các vùng nông thôn; hầu hết các cơ sở ngành nghề nông thôn đều hoạt động dưới mô hình hộ gia đình, một số ít là cơ sở ngành nghề quy mô nhỏ; chỉ có 31/141 làng nghề có cơ sở ngành nghề là doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố hỗ trợ các làng nghề, làng nghề truyền thống trong đó chú trọng tổ chức sản xuất tại các làng nghề theo hướng sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, hiệu quả kinh tế cao, xây dựng sản phẩm OCOP từ sản phẩm làng nghề góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, phấn đấu mỗi năm có từ 1 - 2 sản phẩm làng nghề được công nhận sản phẩm OCOP.

Không phải tất cả sản phẩm từ những làng nghề đều cần trở thành sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, nếu cùng một sản phẩm được sản xuất ở nhiều nơi, người tiêu dùng sẽ ưu tiên chọn mua ở làng nghề, tương tự, sản phẩm OCOP được người tiêu dùng tin tưởng hơn sản phẩm cùng loại sản xuất đại trà. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, việc “gắn sao” OCOP cho sản phẩm truyền thống được nhìn nhận là hướng đi mới, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển bền vững và vươn ra thị trường lớn hơn.


Ngân Huyền