Chủ nhật, 28/07/2024, 15:23[GMT+7]

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) ở Tiền Hải Kịp thời hỗ trợ, tiếp sức cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn

Thứ 2, 30/09/2013 | 09:41:22
1,069 lượt xem
Nghị quyết Trung ương 7, khóa X (TW 7) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn ra đời, được Tiền Hải tiếp thu, triển khai nhanh chóng, hiệu quả đã kịp thời hỗ trợ, tiếp sức cho nông dân, để họ yên tâm gắn bó hơn với đồng ruộng, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Chính sách hỗ trợ mua máy gặt đập liên hoàn góp phần giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, giải phóng sức lao động.

Tiếp thu Nghị quyết TW 7, ban hành cơ chế huyện hỗ trợ giống lúa năng suất chất lượng cao cấy thành vùng sản xuất hàng hóa và cánh đồng mẫu để nhân rộng ra các xã và dần thay thế giống lúa lai đã cấy nhiều năm ở địa phương. Cùng với đó là hàng loạt các chính sách hỗ trợ khác như: thuốc BVTV trừ rầy trên mạ trước khi đưa ra ruộng cấy ở cả 2 vụ lúa; thuốc diệt chuột cho 100% diện tích lúa và màu cả năm; hỗ trợ kinh phí cho các xã thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng (50 triệu đồng/xã), quy hoạch khu trung tâm (30 triệu đồng/xã)...

Đặc biệt,  Tiền Hải hỗ trợ cho 7 xã xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 - 2015 mỗi xã 1 máy làm đất đa năng; các xã khác được hỗ trợ 25 triệu đồng/máy làm đất đa năng đã qua sử dụng của Nhật Bản, Hàn Quốc với công suất máy từ 24CV trở lên và hỗ trợ 20 triệu đồng/máy có công suất 22CV (không được hỗ trợ theo Quyết định 1643 của UBND tỉnh). Theo số liệu của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, tổng kinh phí đã hỗ trợ hơn 12 tỷ đồng, với 161 máy, trong đó gồm 52 máy làm đất đa năng, 109 máy gặt đập liên hợp. Do vậy từ vụ xuân 2013, Tiền Hải đã chấm dứt được tình trạng chậm lịch thời vụ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa và quỹ đất trồng cây vụ đông.

Cùng với nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, các xã, thị trấn ở Tiền Hải huy động, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2008 - 2013 là 1.390 tỷ đồng. Chỉ tính riêng kinh phí hỗ trợ ngành nông nghiệp, huyện đã đầu tư gần 50,5 tỷ đồng. Thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới, Tiền Hải đầu tư 170.204 triệu đồng xây dựng mới 64,1 km đường đá láng nhựa và đường bê tông; hỗ trợ 63.306 triệu đồng cải tạo và nâng cấp 31,025 km  đường giao thông nông thôn. Cùng với đó đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho công tác thủy lợi, hệ thống lưới điện hạ áp, trường học, trạm xá...

Sự đúng đắn của Nghị quyết  TW 7, sự lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Tiền Hải trong 5 năm (2008 - 2012), tạo đà cho phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, theo hướng hàng hóa. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2012 đạt 1.090 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2008 (785 tỷ đồng), trong đó mặc dù diện tích cấy lúa cả năm giảm 592 ha nhưng  giá trị sản xuất từ trồng trọt vẫn đạt 394 tỷ đồng (giảm 1,75%). Đặc biệt, diện tích màu xuân, hè đạt 3.320 ha, tăng 1.249 ha; cây màu vụ đông đạt gần 3.500 ha, tăng 31,6% so với năm 2008. Chăn nuôi phát triển ổn định với tổng số 2.047 trang trại, gia trại, đặc biệt có 21 trang trại sản xuất theo quy mô lớn, công nghệ cao.

Kinh tế biển được xác định là mũi nhọn của Tiền Hải có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, trong cả nuôi trồng và khai thác. Với 4.530 ha nuôi trồng, 904 tàu thuyền đánh bắt các loại, giá trị sản xuất thủy sản năm 2012 đạt 417 tỷ đồng tăng hơn 2 lần so với năm 2008. Bộ mặt nông thôn đổi mới, huyện có 27 làng nghề ở 20 xã và một số xã còn lại đang du nhập nghề mới giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động có thu nhập ổn định;  4.300 hộ kinh doanh cá thể, 22/32 chợ đạt tiêu chí nông thôn mới.  Sau 5  năm thực hiện đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thu nhập bình quân đầu người đạt 17,9 triệu đồng/năm, gấp 1,6 lần; số hộ nghèo là 7,03%, giảm 11%; 67% người dân tham gia bảo hiểm y tế, tăng 21%; 48,6% lao động có việc làm thường xuyên.

Trong thời gian tới, cùng với thực hiện Nghị quyết TW 7, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tiền Hải chủ trương huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Tập trung phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo; đào tạo lao động gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường, mở rộng phạm vi, đổi mới phương thức hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp, bảo đảm sản xuất kinh doanh có hiệu quả góp phần nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng nông thôn mới. Liên kết thành lập các tổ dịch vụ: làm đất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ...

Bài, ảnh: Phan Lợi


  • Từ khóa