Chủ nhật, 28/07/2024, 15:25[GMT+7]

Kinh tế vĩ mô của Việt Nam có dấu hiệu phục hồi

Thứ 3, 01/10/2013 | 10:31:51
963 lượt xem
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2013 ước tính tăng 5,14% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng GDP liên tục tăng theo từng quý, cụ thể: quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5,00%; quý III tăng 5,54%. Điều này cho thấy, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi.

Mức tồn kho cao là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt thấp

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất, ở mức 6,25%, đóng góp 2,71 điểm phần trăm. Khu vực công nghiệp và xây dựng cũng có mức tăng trưởng khá, ở mức 5,20%, đóng góp 1,99 điểm phần trăm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm.
 
Từ những số liệu trên cho thấy, khu vực dịch vụ tiếp tục là khu vực đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế với mức tăng của một số ngành chiếm tỷ trọng lớn như ngành bán buôn và bán lẻ tăng 5,92%; ngành kinh doanh bất động sản tăng 1,91%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,66%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,69%; giáo dục và đào tạo tăng 7,98%; vận tải kho bãi tăng 5,65%.

 

Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và khu vực công nghiệp và xây dựng là hai khu vực có mức tăng thấp hơn. Nguyên nhân chính dẫn tới khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản có mức tăng thấp là do thời tiết không thuận lợi; giá bán sản phẩm ở mức thấp trong khi chi phí đầu vào ở mức cao. Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng, với khó khăn về vốn, tiêu thụ sản phẩm và mức tồn kho cao là nguyên nhân chủ yếu tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của khu vực này. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến chế tạo - ngành chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế đã có chuyển biến tích cực với tốc độ tăng ngày càng cao hơn trong năm, với quý I tăng 4,60%; quý II tăng 6,90%; quý III tăng 8,57%.

 

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô tổng sản phẩm trong nước 9 tháng năm nay theo giá hiện hành ước tính đạt 2420,9 nghìn tỷ đồng, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 17,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,86%; khu vực dịch vụ chiếm 44,29%.

 

Nhìn chung, nền kinh tế thế giới và kinh tế trong nước năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng đã có một số dấu hiệu khả quan. Để đối phó với tình trạng tăng trưởng chậm, một số nền kinh tế mới nổi thực hiện những biện pháp tích cực để tăng cầu trong nước. Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã có tín hiệu tích cực với số đơn đặt hàng gia tăng trong những tháng gần đây. Mặc dù vậy, tình hình kinh tế thế giới nhìn chung chưa có nhiều cải thiện rõ nét. Thất nghiệp vẫn đang là mối quan tâm lớn tại các nền kinh tế đang phát triển. Sản xuất kinh doanh trong nước mặc dù đã có chuyển biến tích cực nhưng tốc độ vẫn chậm. Mức tiêu thụ sản phẩm hàng hóa chưa cao, nhất là khu vực sản xuất trong nước.

 

Tình hình kinh tế - xã hội nước ta 9 tháng năm nay có chuyển biến tích cực. Tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng, trong đó khu vực dịch vụ giữ ổn định và tăng khá. Lạm phát ở mức được kiểm soát. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng rõ rệt. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nợ xấu vẫn chưa được giải quyết. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm và chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết xấu. Sản xuất, kinh doanh trong nước tuy đã có cải thiện, sức mua có dấu hiệu tăng nhưng vẫn còn ở mức thấp. Trong những tháng cuối năm, để tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, các ngành, các cấp và địa phương cần tập trung làm tốt một số vấn đề trọng tâm sau:

 

Một là, tiếp tục quá trình giải quyết vấn đề nợ xấu ngân hàng. Thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt có kiểm soát, bảo đảm mức lạm phát và mức tăng trưởng hợp lý nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Đổi mới cơ chế, chính sách tín dụng theo nguyên tắc thị trường. Tập trung nguồn lực nhằm hỗ trợ tài chính cũng như xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

 

Hai là, tiếp tục ban hành và thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cùng các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thúc đẩy nhanh hơn tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này. Nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, nhất là sản phẩm xuất khẩu. Kích cầu tiêu dùng nội địa để tăng tổng cầu nhằm đẩy nhanh quá trình tiêu thụ hàng tồn kho, góp phần phát triển sản xuất của doanh nghiệp.

 

Ba là, quan tâm thường xuyên và hiệu quả đến đời sống và việc làm của người lao động, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp để ổn định cuộc sống và tạo điều kiện tốt cho nguồn nhân lực trẻ được đào tạo và tiếp cận kiến thức tiên tiến. Nghiên cứu xây dựng đồng bộ cơ chế, chính sách quy định trong công tác an sinh xã hội để giảm khó khăn và cải thiện hơn nữa đời sống cho các đối tượng được thụ hưởng. Các địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc triển khai các chương trình, đề án và chính sách mới về bảo trợ xã hội, trợ cấp khó khăn cho hộ nghèo.

Nguồn dangcongsan.vn

  • Từ khóa