Chủ nhật, 28/07/2024, 15:13[GMT+7]

Phát triển kinh tế 9 tháng năm 2013 Những dấu hiệu lạc quan

Thứ 4, 02/10/2013 | 09:28:19
988 lượt xem
Mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, lại chịu ảnh hưởng của thiên tai song tình hình kinh tế tỉnh ta 9 tháng năm vẫn duy trì ổn định. Điều đáng mừng là tăng trưởng quý sau luôn cao hơn quý trước. Đây là tín hiệu tích cực thể hiện sự phục hồi của các ngành kinh tế tạo đà cho tăng trưởng cao và bền vững trong thời gian tới.

Nông dân xã Vũ Phúc (Thành phố Thái Bình) chăm sóc cây vụ đông ưa ấm.

Kết thúc 3 quý đầu của năm 2013, tổng sản phẩm GDP toàn tỉnh ước đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng 7,45% so với cùng kỳ năm trước. Tuy thấp hơn kế hoạch nhưng tình hình kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục thể hiện qua việc tăng trưởng quý sau luôn cao hơn quý trước: quý I tăng 2,06%, quý II tăng 9,64% và đến quý III đạt mốc hai con số 10,57%. Sản xuất nông nghiệp do chịu ảnh hưởng của bão số 8 làm thiệt hại lớn về vụ đông, chăn nuôi và nuôi thả thủy sản nên chỉ đạt mức tăng trưởng nhẹ 1,21%.

Bù lại, cơ cấu giống và phương thức gieo cấy có sự chuyển biến tích cực. Diện tích nhóm giống lúa ngắn ngày vụ xuân chiếm khoảng 97%; lúa chất lượng cao chiếm 31,2%, tăng 1.253 ha; diện tích lúa gieo thẳng chiếm 27,6%, tăng hơn 4.000 ha so với vụ xuân năm trước. Đặc biệt sản xuất cây màu xuân và màu hè đạt kết quả khá tốt, góp phần bù thiệt hại cho vụ đông. Diện tích cây màu xuân đạt 12.522 ha, cây màu hè đạt 15.633 ha, tăng 3.738 ha so với năm trước.

 Lĩnh vực chăn nuôi mặc dù chưa hết khó khăn do chí phí đầu vào tăng và giá sản phẩm đầu ra xuống thấp nhưng cũng đang có dấu hiệu hồi phục, tỷ lệ tái đàn tăng dần, nhất là thời điểm chuẩn bị nguồn hàng dịp cuối năm. Trong 3 quý đầu năm có 12 dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô lớn được chấp thuận, trong đó 5 dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động ngay quý IV này. Lĩnh vực thủy sản phát triển ổn định cả về nuôi trồng và đánh bắt. Diện tích nuôi trồng đạt 14.861 ha, tăng 3,3%; sản lượng khai thác ước đạt 54.000 tấn, tăng 9,2%. Mô hình nuôi cá lồng trên sông tiếp tục được nhân rộng với 82 lồng nuôi, tăng 19 lồng so với năm 2012...

Đối với ngành Công nghiệp tuy chịu tác động kép của thiên tai và suy giảm kinh tế toàn cầu gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng nhà xưởng và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nhưng lại đang có dấu hiệu phục hồi khá ấn tượng. Nếu như quý I tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp chỉ ở mức 5% thì liên tiếp 2 quý sau đó đã cán mốc hai con số đạt 12,5% đưa tốc độ tăng trưởng chung 3 quý đạt 10,2% với tổng giá trị sản xuất khoảng 9.527 tỷ đồng.

Trong số 38 sản phẩm công nghiệp chủ lực, có tới 27 sản phẩm tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, trong đó 7 sản phẩm tăng trên 20% (bia các loại tăng 26,6%, xơ tổng hợp tăng 82,2%, áo sơ mi tăng 24,4%...). Các doanh nghiệp không chỉ khắc phục khó khăn duy trì sản xuất, một số còn tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nhà xưởng. 9 tháng qua đã có thêm 11 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư trên 1.400 tỷ đồng, nổi bật là dự án sản xuất nước giải khát của Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen và sản phẩm bia chai của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội...

Đặc biệt, sản phẩm tồn kho đang có dấu hiệu giảm dần, kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2013 ước đạt gần 700 triệu USD, tăng 21,2%; kim ngạch nhập khẩu đạt 662,4 triệu USD, tăng 22,6%. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể chạm ngưỡng 1 tỷ USD bỡi lẽ mặt hàng xuất khẩu chủ lực là quần áo may sẵn đã ký được hợp đồng xuất khẩu đến hết năm, một số doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu đến tháng 6/2014.

Kinh tế phục hồi còn thể hiện ở mức độ “hấp thụ” tín dụng và hoàn thành nghĩa vụ thuế. Tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng trên địa bàn tính đến hết quý III ước đạt 29.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách địa phương 9 tháng ước đạt 7.610 tỷ đồng, bằng 103,7% dự toán năm và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu nội địa đạt 2.238 tỷ đồng, bằng 101,7% dự toán và tăng 43,4%...

Mặc dù kết quả đạt được là rất tích cực và toàn diện, thể hiện hiệu quả, hiệu lực của công tác lãnh đạo điều hành và sự nỗ lực vượt khó của các thành phần kinh tế, tuy nhiên nhiệm vụ những tháng cuối năm vẫn rất nặng nề đòi hỏi các ngành, các cấp cần quyết liệt, linh hoạt hơn nữa trong công tác chỉ đạo điều hành và đề ra các giải pháp đồng bộ, kịp thời trên tất cả các lĩnh vực.

Xưởng sản xuất của Công ty Sứ Đông Lâm (Khu công  nghiệp Tiền Hải).

 

Trước mắt, chuẩn bị đầy đủ nhân lực và phương tiện thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa mùa trà sớm để tránh tác động bất thuận của thiên tai và tạo quỹ đất phục vụ mở rộng diện tích cây vụ đông ưa ấm; xây dựng cơ chế hỗ trợ kịp thời thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, nhất là cơ chế cho vụ đông, cánh đồng mẫu... Trong chăn nuôi, dự kiến sẽ tăng mạnh về tổng đàn nhằm chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán vì vậy cần đặc biệt chú trọng khâu phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là tại các ổ dịch cũ và địa bàn giáp ranh với tỉnh, thành phố khác.

Tạo điều kiện về cơ chế như thủ tục đất đai, vay vốn tín dụng, cấp giấy chứng nhận tiêu chí trang trại, kiểm dịch động vật... nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển gắn với tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ bằng xi măng để các xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số công trình hạ tầng nông thôn mới. Đối với ngành Công nghiệp, cần chú trọng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng, tiêu thụ sản phẩm... Ưu tiên hỗ trợ các mặt hàng có thế mạnh và thị trường tiêu thụ rộng. Chủ động phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp trọng điểm đang đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư và thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư tại Thái Bình nhằm tạo môi trường thông thoáng thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến hợp tác đầu tư...

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

  • Từ khóa