Chủ nhật, 28/07/2024, 15:18[GMT+7]

An Ninh Điểm sáng phát triển cây vụ đông

Thứ 5, 03/10/2013 | 10:37:11
1,377 lượt xem
Không chỉ là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, xã An Ninh (Tiền Hải) còn là nơi có truyền thống thâm canh cây trồng. Năm 1966, An Ninh là một trong những địa phương đạt năng suất lúa 5 tấn/ha đầu tiên của tỉnh và cũng từ những năm đánh Mỹ, An Ninh là một trong số điển hình thâm canh cây vụ đông. Từ đó đến nay, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất vụ đông của An Ninh tiếp tục được phát huy trên cả 2 phương diện: Diện tích mỗi năm một mở rộng và giá trị sản xuất ngày càng

Nông dân xã An Ninh (Tiền Hải) chăm sóc cây củ đậu vụ đông 2013.

Sản xuất vụ đông ở An Ninh có những thuận lợi đang được HTX DVNN và bà con xã viên ở đây tích cực khai thác. Toàn xã có tổng diện tích đất canh tác 376 ha, tỷ lệ đất vàn cao và vàn trung bình chiếm tới 50 - 60%. Có những vùng cao có thể chuyên canh rau màu một năm 4 - 5 vụ, có vùng chuyên canh cây củ đậu nổi tiếng trong huyện và tỉnh. Một thuận lợi nữa, đó là địa phương có đường 39B chạy qua lại tiếp giáp với Thị trấn Tiền Hải - một thị trường lớn của huyện và Khu công nghiệp Tiền Hải, giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thuận lợi, dễ dàng.

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất vụ đông nói riêng, An Ninh cũng có những khó khăn, đó là lực lượng lao động đang bị hút vào các nhà máy, xí nghiệp, vào các ngành sản xuất - kinh doanh khác có thu nhập khá hơn. Song không vì thế mà An Ninh rời bỏ sản xuất vụ đông, thậm chí còn xuất hiện các điển hình làm ăn hiệu quả cao so với truyền thống. Gia đình ông Đỗ Văn Khoa, thôn Trình Nhì thật sự coi vụ đông là thời cơ để đạt thu nhập cao nhất trong năm. Thường mỗi vụ đông đến, ông Khoa trồng từ 1,8 – 2 mẫu khoai tây.

Vụ đông năm 2012, trừ chi phí thu lãi hàng chục triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Hữu là điển hình của thôn Trình Tây, mỗi vụ đông trồng tới 4 sào khoai tây và khá nhiều rau màu khác, thu nhập cao tốp đầu của thôn. Có kinh nghiệm, lại được tiếp thu khoa học kỹ thuật, nên ông Hữu chuyên thâm canh khoai tây xuân để làm giống cho vụ đông năm sau, thu nhập về dịch vụ giống cũng khá. Đồng chí Phạm Văn Trọng, Chủ nhiệm HTX DVNN An Ninh, mặc dù vừa lo công tác quản lý, điều hành sản xuất cho hơn 1.700 hộ nông dân của xã, cũng rất say sưa với sản xuất vụ đông của gia đình.

Mỗi vụ, gia đình trồng tới 1,2 mẫu khoai tây, trừ chi phí, thu lãi 30 triệu đồng... Ngoài các gia đình thâm canh cây vụ đông chính vụ, ở An Ninh còn phát triển cây củ đậu thu đông đạt hiệu quả khá cao. Từ trung tuần tháng 10, củ đậu vào kỳ thu hoạch rộ. Trên đoạn đường 39B, qua xã An Bồi (Kiến Xương) vào đất An Ninh thật đông vui, nhộn nhịp trong khung cảnh người thu dỡ, kẻ bán, người mua, ô tô từ các tỉnh cũng tấp nập về chở củ đậu An Ninh vào tận miền Nam.

Vụ đông 2013, An Ninh xây dựng mục tiêu gieo trồng 150 ha, ngoài ra nhân dân còn tận dụng các diện tích đất xen kẹp, thổ canh để thâm canh rau đậu. Ước tính cây vụ đông phủ kín gần 70% tổng diện tích canh tác toàn xã. Ngoài thuận lợi về kinh nghiệm và truyền thống, An Ninh cũng như các địa phương sản xuất vụ đông đang hy vọng vào thời tiết năm nay khá hơn. Thuận lợi khác nữa là kết quả dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất đã tạo điều kiện cho cơ giới vào làm đất, khắc phục được khó khăn về thiếu hụt lao động; thuận lợi cho việc tưới tiêu nước cho cây trồng vụ đông.

Vì vậy, An Ninh đã thực hiện việc đổi mới cơ cấu cây vụ đông. Trong đó bố trí cây vụ đông ưa ấm, gồm khoai lang, dưa hấu và dưa lê, cộng với một số giống rau màu phục vụ cho sinh hoạt giáp vụ, khoảng 50 ha. Cây màu ưa lạnh, An Ninh bố trí gieo trồng 80 ha khoai tây, còn lại là rau màu cao cấp phục vụ thị trường giáp Tết Nguyên đán. Để đưa mục tiêu thành hiện thực, trước khi vào vụ đông năm nay, An Ninh đã xây dựng cơ cấu lúa mùa bảo đảm đủ quỹ đất cho cây vụ đông ưa ấm. Riêng vùng thâm canh cây khoai tây của các thôn đều nằm trong các cánh đồng mẫu, sau thu hoạch lúa mùa đại trà, HTX DVNN sẽ bố trí lực lượng làm đất ngay để bà con xuống giống. Công tác tuyên truyền cho sản xuất vụ đông cũng được An Ninh chú trọng từ ngay sau khi triển khai đề án sản xuất vụ mùa và vụ đông 2013.

Từ đó đến nay, thời lượng tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh vẫn duy trì, tăng cường. Các đoàn thể như  Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh cũng tập trung tuyên truyền, cổ vũ sớm hơn các vụ đông trước. Nhằm kích thích phong trào sản xuất vụ đông, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện, An Ninh đã công khai cơ chế hỗ trợ của địa phương, như: hỗ trợ 50% giá tiền giống khoai tây nguyên chủng, hỗ trợ 1/3 giá bảo quản giống khoai tây ở các kho lạnh, hỗ trợ 100% thủy lợi phí.

 Ngoài ra, An Ninh còn tổ chức đăng ký đến từng hộ về sản xuất khoai tây xuân 2014. HTX DVNN cũng đã liên hệ với các đơn vị cung ứng rau màu giống vụ đông có uy tín về phục vụ trực tiếp tới hộ có nhu cầu. Bộ phận dịch vụ đầu ra cho sản phẩm vụ đông cùng đẩy mạnh hoạt động, chào hàng tới các đơn vị, cá nhân tiêu thụ trong và ngoài địa bàn. UBND xã cũng chỉ đạo mở rộng cửa để chào đón khách hàng vào tiêu thụ sản phẩm vụ đông 2013 cho nông dân.

Bài ảnh: Đức Lợi

  • Từ khóa