Thứ 3, 23/07/2024, 10:26[GMT+7]

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm Luật Đê điều ở Thái Thụy

Thứ 6, 04/10/2013 | 09:30:51
1,416 lượt xem
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Thái Thụy, tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ đê để xây dựng công trình, tập kết và kinh doanh vật liệu, sử dụng bến bãi không phép có chiều hướng gia tăng, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão (PCLB), Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Việc xử lý không kiên quyết của chính quyền các xã, thị trấn là nguyên nhân chính gây nên tình trạng trên.

Tuyến đê biển Thái Thụy được đầu tư xây dựng kiên cố. Ảnh: Minh Đức

Từ tháng 6 đến tháng 8/2013, UBND huyện Thái Thụy đã thành lập tổ công tác đi kiểm tra, đánh giá thực trạng tại 11 xã với 41/44 bến bãi, 3 cơ sở sản xuất kinh doanh, qua đó đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm các quy định của Luật Đê điều. Điển hình tại Thị trấn Diêm Điền, 2 hộ xây dựng nhà ở, công trình phụ trợ như: bể nước, cột điện, giếng khoan, mở xưởng sửa chữa, bảo dưỡng tàu cá ngay trong hành lang bảo vệ đê.

Ở xã Thụy Ninh, 1 hộ xây dựng nhà tạm để chăn nuôi ngay sát chân đê; 3 hộ cắm vây lưới để nuôi vịt đã làm cản trở dòng chảy của sông Sinh. Xã Thụy Hưng có 1 trang trại chăn nuôi tuy không nằm trong hành lang bảo vệ đê nhưng lại nằm ở bãi ven sông, trong hành lang thoát lũ và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điều đáng lo ngại nữa là: trong số 45 bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện, hiện tại chỉ có duy nhất 1 bến bãi được UBND tỉnh cấp phép, 26 bến bãi được cấp phép từ năm 1996 đến nay đã hết hiệu lực, 18 bến bãi hoạt động không có phép.

Trong đó, có nhiều bến bãi nằm trong hành lang bảo vệ đê hoặc hành lang thoát lũ như: Thụy Ninh 7 bến, Thái Phúc 7 bến, Thụy Dũng 3 bến, Thái Thọ 3 bến, Thái Hà 4 bến, Thụy Việt 6 bến, Mỹ Lộc 2 bến. Không chỉ sử dụng trái phép hành lang bảo vệ đê, bãi ven sông làm nơi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng, một số chủ bến còn xây dựng nhà kiên cố cho công nhân ở, thậm chí nhà ở cho bản thân và gia đình: Thái Thọ 2 hộ, Mỹ Lộc 1 hộ, Thụy Ninh 2 hộ, Thụy Việt 4 hộ, đặc biệt ở xã Thụy Quỳnh tất cả các chủ bến bãi đều xây dựng nhà ở tại bãi ngoài ven sông.

Cũng do một lượng lớn vật liệu chất trên các bãi ven sông, dưới  sông tàu thuyền hoạt động liên tục cộng với tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở bờ sông và một số đoạn kè; nhiều xe cơ giới hàng ngày đi lại liên tục vận chuyển vật liệu xây dựng đã làm hư hỏng, sụt lún mặt đê, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của các công trình đê điều và việc tiêu, thoát lũ vào mùa mưa bão.

Theo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện: Thái Thụy hiện tồn tại 62 vụ việc vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh PCLB, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi thuộc 18/23 xã có đê. Điều đáng nói là nhiều vụ việc tồn tại trong một thời gian dài nhưng vẫn chưa được xử lý kiên quyết, dứt điểm. Một số vụ lập biên bản xử lý nhiều lần nhưng vẫn tái phạm.

Nguyên nhân trước hết là do người dân chưa nhận thức đầy đủ việc vi phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của đê điều và các công trình PCLB. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý, chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật, coi việc quản lý đê điều, các công trình PCLB là của huyện, của tỉnh nên ngăn chặn, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết, dứt điểm từ khi mới phát sinh hoặc lúng túng trong quá trình xử lý vi phạm.

Thậm chí, nhiều trường hợp lực lượng quản lý đê điều đã thông báo các vụ vi phạm nhiều lần với chính quyền địa phương nhưng không được xử lý bởi chính những địa phương này đã giao và cho thuê đất, nhất là đất bãi ven sông, ven đê không đúng thẩm quyền, quá thời hạn cho phép. Điều này cũng lý giải nguyên nhân tại sao một số vụ vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB trên địa bàn huyện được các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, kiến nghị nhưng lại bị “chìm xuống” hoặc chỉ xử lý qua loa, chiếu lệ, sau đó lại tái phạm.

Để khắc phục tình trạng trên, trước hết Thái Thụy cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành Luật Đê điều, Pháp lệnh PCLB, Pháp lệnh Bảo vệ và khai thác các công trình thủy lợi. Tăng cường kiểm tra, rà soát trên các tuyến đê, giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm tồn đọng; kiên quyết giải tỏa các công trình xây dựng trái phép, bãi kinh doanh vật liệu trong hành lang bảo vệ đê, hành lang bảo vệ dòng chảy, ngăn chặn những vi phạm mới phát sinh.

Rà soát, đánh giá lại thực trạng toàn bộ các điểm tập kết, bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng hiện tại, kiến nghị với tỉnh rà soát, lập quy hoạch lại toàn bộ các bến bãi ven sông, thực hiện nghiêm việc cấp phép sử dụng bến bãi cho các tổ chức, cá nhân phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời bảo đảm các yêu cầu về an toàn đê điều và hành lang thoát lũ. Ngoài ra, Thái Thụy cần kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh lại toàn bộ việc giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền với những diện tích trong phạm vi hành lang bảo vệ đê điều, bãi ven sông của các địa phương theo đúng quy định của pháp luật.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa