Chủ nhật, 22/12/2024, 10:11[GMT+7]

Động lực từ kinh tế nông nghiệp trong phát triển bền vững

Thứ 5, 05/12/2024 | 08:29:43
10,165 lượt xem
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là trụ cột để bảo đảm sự phát triển bền vững, nâng cao đời sống nông dân và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường.

Mô hình sản xuất ngưu tất an toàn, phát triển sản phẩm OCOP tại xã Thống Nhất (Hưng Hà).

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, từ năm 2021 đến năm 2023, tỉnh đã xây dựng và triển khai 33 mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tại 7 huyện. Các mô hình này không chỉ là động lực thúc đẩy sản xuất mà còn định vị thương hiệu nông sản Thái Bình trên thị trường trong nước và quốc tế. Các mô hình tập trung vào đa dạng lĩnh vực như nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, rau màu, dược liệu, trồng cây bản địa, sản xuất hoa cây cảnh, muối thủ công và nuôi trồng thủy sản. Với cách tiếp cận đồng bộ, toàn diện, những mô hình này đã mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Thái Bình, góp phần nâng cao đời sống nông dân. 

Trong các mô hình phát triển kinh tế, việc nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo nhận được sự quan tâm đặc biệt với 16 mô hình, còn lại là các mô hình nâng cao giá trị về cây rau màu, cây dược liệu, cây cảnh... Tiêu biểu là mô hình sản xuất lúa nếp thơm truyền thống Vũ Tây tại xã Tây Sơn (Kiến Xương). Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại và tổ chức lại sản xuất, vùng trồng đã mở rộng từ 30ha năm 2021 lên 70ha trong vụ mùa năm 2024. Sản phẩm gạo nếp thơm Vũ Tây đã đạt chuẩn OCOP 3 sao, được người tiêu dùng đánh giá cao nhờ chất lượng vượt trội. Cơ sở hạ tầng phục vụ sơ chế, chế biến gạo cũng được đầu tư bài bản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. 

Thành viên Hợp tác xã Hoa sen Vân Đài thu hoạch hoa sen.

Đó còn là mô hình của HTX Hoa sen Vân Đài, xã Chí Hòa (Hưng Hà). Được thành lập năm 2021 với mục tiêu đưa cây sen trở thành cây trồng chủ lực, phát triển theo chuỗi giá trị và gắn với du lịch sinh thái. Sau 4 năm chuyển đổi 5,6ha đất cấy lúa kém hiệu quả, HTX đã thực hiện phương án quy hoạch và tiến hành cải tạo để trồng sen. Đến nay, HTX đã xây dựng thành công 3 sản phẩm OCOP 3 sao: trà lá sen, trà ướp hoa sen và hạt sen khô. 

Bà Nguyễn Thị Chiến, Phó Giám đốc HTX Hoa sen Vân Đài cho biết: Mô hình trồng 15 giống hoa sen, 8 giống hoa súng. Mỗi giống cây lại cho hiệu quả và năng suất riêng, tính hiệu quả kinh tế thì lãi gấp 3 - 4 lần cấy lúa. Trồng sen với diện tích lớn, thế nhưng đầu ra cho sản phẩm ở HTX rất thuận lợi do khách hàng biết đến nhiều thông qua trang web, facebook để đến tham quan, mua và đặt mua các sản phẩm của HTX. Sau vụ sen, hiện HTX trồng 2ha hoa lay ơn, 7.000 cây đỗ quyên, 5.000 cây trà, 1.000 cây mai vàng... phục vụ thị trường tết. Việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi không chỉ mang lại thu nhập cao cho các thành viên HTX mà còn tạo việc làm ổn định cho trên 20 lao động địa phương. 

Sau vụ sen, HTX Hoa sen Vân Đài trồng hoa phục vụ thị trường tết.

Từ các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, Thái Bình đã thành lập 14 HTX mới, giúp nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các mô hình này đã tổ chức lại sản xuất ngành trồng trọt, thay đổi tư duy của người sản xuất, đặc biệt là định vị lại ngành sản xuất lúa gạo, tạo hình ảnh mới cho nông sản Thái Bình. Việc xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm từ khâu tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản, nhất là áp dụng công nghệ số trong sản xuất và tiếp thị đã giúp nông sản Thái Bình dễ dàng tiếp cận khách hàng. Đây là yếu tố quan trọng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt, khi người tiêu dùng ngày càng chú trọng chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. 

Dù đạt được nhiều thành công, các mô hình vẫn đối mặt với không ít thách thức, bao gồm biến đổi khí hậu, chi phí đầu vào tăng cao, khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Để vượt qua những thách thức này, thời gian tới Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Phát triển chuỗi giá trị, tăng cường liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng thương hiệu nông sản, đẩy mạnh quảng bá, đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi về vốn, đất đai và các chính sách ưu đãi để thúc đẩy doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào sản xuất. 

Kinh tế nông nghiệp không chỉ là trụ cột mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thái Bình. Với hướng đi đúng và sự nỗ lực không ngừng, tỉnh đã và đang khẳng định vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững. Việc triển khai các mô hình nông nghiệp hiệu quả, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh liên kết sản xuất là những bước đi chiến lược để Thái Bình tiếp tục vươn xa, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà.

Minh Nguyệt