Chủ nhật, 05/01/2025, 00:28[GMT+7]

Bứt phá để phát triển

Thứ 4, 01/01/2025 | 07:47:19
2,684 lượt xem
Năm 2024 khép lại với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là bão số 3 và mưa lũ sau bão đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân cũng như việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bám sát các chủ trương, định hướng của Trung ương, Thái Bình đã nỗ lực, quyết tâm triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đưa kinh tế của tỉnh phát triển toàn diện, vững chắc.

Nhà máy sản xuất Amon Nitrat - Công ty Hóa chất mỏ Thái Bình duy trì sản xuất an toàn, hiệu quả và đang chuẩn bị đầu tư mở rộng quy mô dự án. Ảnh: Khắc Duẩn

Tăng tốc các giải pháp 

Ngay từ đầu năm, công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tăng tốc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị để có thể về đích một cách tốt nhất. Cùng với việc triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức triển khai kịp thời quy định pháp luật mới của nhà nước; ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong năm 2024, các cấp, các ngành luôn đồng hành, sát cánh cùng nhà đầu tư, lắng nghe, trân trọng ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, các hiệp hội đầu tư trong và ngoài nước, tạo nên sự gắn kết, tin tưởng của các nhà đầu tư; nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành. Với mục tiêu kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc; UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố hành động quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, nói đi đôi với làm, lấy công việc chung, vì sự phát triển của tỉnh, đặt lợi ích của nhà nước, của nhân dân lên trên hết. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các “điểm nghẽn” để khơi thông nguồn lực, khai thác các dư địa và thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực; chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm như: dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG, dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại trung tâm y tế, dự án xây dựng Bảo tàng tỉnh, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Thái Bình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án giao thông kết nối quan trọng như: tuyến đường trục kết nối trong Khu kinh tế, đường vành đai phía Nam, đường thành phố Thái Bình đi Sa Cao... 

Bức tranh kinh tế với nhiều điểm sáng 

Triển khai quyết liệt các giải pháp nên kinh tế của Thái Bình có sự tăng trưởng, đồng đều ở cả ba khu vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 71.326 tỷ đồng, tăng 7,01% so với năm 2023, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,76%, khu vực dịch vụ tăng 6,62%; tổng giá trị sản xuất ước đạt 210.455 tỷ đồng, tăng 6,92% so với năm 2023. Sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ vững vai trò là đầu tàu của nền kinh tế với mức tăng trưởng 9,19%, tổng giá trị sản xuất ước đạt 106.449 tỷ đồng, trong đó nhiều lĩnh vực có giá trị tăng cao như: chế biến, chế tạo ước đạt 94.136 tỷ đồng, tăng 6,7%; sản xuất truyền tải và phân phối điện đạt 11.657 tỷ đồng, tăng 35%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt 369 tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2023... Công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được tập trung chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện. Năm 2024, toàn tỉnh dự kiến công nhận 13 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, từ đó nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến nay là 40 xã và 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài ra, tỉnh còn công nhận 18 xã hình thành sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.

 Sản xuất ở Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam Chi nhánh Thái Bình (khu công nghiệp Sông Trà). Ảnh: Khắc Duẩn 

Công tác thu hút đầu tư cũng đạt nhiều khởi sắc. Năm 2024, tổng thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt hơn 38.088 tỷ đồng, trong đó có 154 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đăng ký 26.444 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm 2023; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 1 tỷ USD. Với kết quả đó, đây là năm thứ 2 liên tiếp, Thái Bình đạt thu hút vốn FDI trên 1 tỷ USD. Trong năm, tỉnh tổ chức thành công nhiều đoàn công tác của tỉnh đi kết nối, xúc tiến đầu tư tại Đức, Thụy Sỹ, Hungary, Hà Lan, Pháp, Bỉ, Nga...; tổ chức các cuộc làm việc với các đoàn công tác, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, nghiên cứu, khảo sát tại tỉnh như: Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Tập đoàn Heraeus, Trung tâm quảng bá Kyushu Nhật Bản, Tập đoàn Zenith Hàn Quốc, Tập đoàn Tokyo Gas, Tập đoàn Trường Thành, Tập đoàn T&T và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản), Tập đoàn Kamkiu Trung Quốc, Công ty HVR International - Cộng hòa liên bang Đức, đoàn công tác của Hiệp hội Kyushu và Liên đoàn Kyushu (Nhật Bản), Tập đoàn Trinasolar (Singapore)...; từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Thái Bình với các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, Thái Bình còn tiếp tục duy trì là năm thứ ba liên tiếp có trên 1.000 doanh nghiệp thành lập mới/ năm. Đến nay, toàn tỉnh có 7.634 doanh nghiệp và 3.143 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 120,4 nghìn tỷ đồng. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, chính vì thế, tỉnh tiếp tục nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước về giải ngân vốn đầu tư công; năm 2024, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 169,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 96% kế hoạch địa phương phân bổ. Công tác thu ngân sách duy trì thành tích là năm thứ ba có số thu nội địa vượt mốc 10.000 tỷ đồng với tổng thu hơn 11.400 tỷ đồng, đạt 132,9% dự toán, tăng 16,5% so với năm 2023. Ngoài ra, các công trình trọng điểm cũng được tỉnh tập trung nguồn lực và chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh như: dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Bình - Phố Nối, đoạn qua tỉnh Thái Bình với 39km qua 4 huyện và 22 xã; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh kết nối các huyện... 

Năm 2025 được dự báo là năm nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức đồng thời là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Nhưng với những kết quả đạt được của năm 2024 và sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị chính là cơ sở, tiền đề quan trọng để Thái Bình bước vào giai đoạn bứt phá, tăng tốc, hướng tới những mục tiêu cao hơn trong năm 2025, sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 


Nhóm phóng viên