Thứ 5, 06/02/2025, 01:00[GMT+7]

Tiếp vốn cho nông dân phát triển kinh tế

Chủ nhật, 26/01/2025 | 09:16:15
4,582 lượt xem
Những năm qua, Hội Nông dân huyện Kiến Xương luôn nỗ lực làm tốt vai trò cầu nối với các ngân hàng trên địa bàn huyện đưa các nguồn vốn ưu đãi về với hội viên, tiếp sức cho hội viên đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiến Xương giải quyết hồ sơ cho khách hàng.

Theo chân cán bộ Hội Nông dân huyện Kiến Xương đến thăm mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng cho hiệu quả cao tại xã Minh Quang, chúng tôi được anh Trần Văn Trình chủ mô hình giới thiệu: Giữa năm 2023, được sự hướng dẫn, kết nối của Hội Nông dân xã gia đình tôi đã mạnh dạn làm hồ sơ vay 1 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh huyện, đầu tư xây 20 bể xi măng và mua lươn giống về nuôi. Tôi chọn nuôi lươn không bùn vì tốn ít diện tích, ít công chăm sóc, dễ vệ sinh bể và thay nước cho lươn, năng suất nuôi cao hơn; đầu ra và giá cả đều ổn định. 

Sau 11 tháng chăm sóc đúng kỹ thuật, lươn có thể xuất bán, bình quân 1 lứa anh Trình thu được trên 10 tấn lươn, trừ chi phí còn lãi 500 - 600 triệu đồng/năm. Nhờ nguồn vốn tiếp sức kịp thời, gia đình anh Trình đã có nguồn thu cao, ổn định từ mô hình nuôi lươn không bùn.

Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Trần Văn Trình, xã Minh Quang cho hiệu quả kinh tế cao.

Giữa năm 2024, anh Hoàng Văn Vang, xã Bình Định cũng được Hội Nông dân xã kết nối với Agribank chi nhánh Kiến Xương để vay trên 1 tỷ đồng mở thêm 1 cửa hàng kinh doanh kính mắt, đồng hồ. Với phương châm luôn đặt chữ tín, chất lượng lên hàng đầu, cửa hàng luôn đông khách mua hàng. Anh Vang chia sẻ: Trừ chi phí gia đình thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng. Gia đình dự kiến sẽ mở rộng cửa hàng, mong ngân hàng tiếp tục cho vay vốn bổ sung để triển khai. 

Ông Nguyễn Tiến Du, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Định cho biết: Xã hiện có 225 hội viên được kết nối với các ngân hàng trên địa bàn vay vốn với số dư đến nay là trên 13 tỷ đồng. Hội cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, khuyến khích, định hướng hội viên đưa cây, con có giá trị kinh tế cao vào phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mở rộng kinh doanh buôn bán để phát huy hiệu quả nguồn vốn. Đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/năm như anh Hoàng Văn Vang buôn bán kính mắt, đồng hồ; anh Phạm Văn Tính nuôi cá bán nổi; chị Nguyễn Thị Thanh Tâm chăn nuôi lợn khép kín… Tuy nhiên, đa số hội viên, nông dân trên địa bàn xã còn thiếu vốn để đầu tư phát triển sản xuất lớn, đề nghị các ngân hàng tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện để ngày càng có nhiều nông dân được vay vốn ưu đãi, mở rộng quy mô, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh làm giàu hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Chuyên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kiến Xương cho biết: Đồng hành, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế luôn được Hội Nông dân huyện luôn xác định là nhiệm vụ quan trọng. Hội chủ động, tích cực tìm nguồn, đa dạng hóa kênh vay để tiếp vốn cho nông dân mở rộng sản xuất kinh doanh, xây dựng mô hình kinh tế mới, vươn lên làm giàu. Một trong những kênh đó là thực hiện chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Agribank chi nhánh huyện cùng các ngân hàng thương mại trên địa bàn; thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả trên 270 tổ tiết kiệm và vay vốn với gần 6.500 thành viên. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế, các cấp hội rà soát, nắm bắt nhu cầu vốn, tiếp cận thông tin, hướng dẫn hội viên hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn, thu nợ theo lịch. Hết năm 2024, tổng dư nợ các cấp hội nông dân trong huyện nhận ủy thác của các ngân hàng gần 645 tỷ đồng, cho trên 11.500 hộ vay. Trong đó, Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện là 219,5 tỷ đồng cho 4.600 hộ vay; Agribank chi nhánh huyện là 175,46 tỷ đồng cho 1.923 hộ vay; các ngân hàng thương mại khác là 250 tỷ đồng cho 5.007 hộ vay. Qua kiểm tra, theo dõi, các nguồn vốn được các hộ sử dụng đúng mục đích, sinh lời. Thông qua đó từng bước khẳng định vị thế, vai trò của hội, tạo niềm tin, gắn bó của hội viên với tổ chức hội.

Đưa vốn về cho nông dân là một việc làm thiết thực, đáp ứng đúng nhu cầu, giúp nông dân kịp thời đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm mới cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình... Đây cũng là nhiệm vụ của Hội Nông dân huyện chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.   

Trung Nghĩa