Chủ nhật, 28/07/2024, 13:17[GMT+7]

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở Tiền Hải

Thứ 5, 24/10/2013 | 08:25:44
2,853 lượt xem
Cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều cánh đồng chuyên canh hàng hóa, xác định cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quyết định đến việc bảo đảm thời vụ và tăng hệ số sử dụng ruộng đất, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích, Tiền Hải đã tập trung chỉ đạo các địa phương tích cực đưa máy móc vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Máy gặt đập liên hoàn của gia đình anh Nguyễn Ngọc Duy (Tây Ninh, Tiền Hải) giúp tăng thu nhập gia đình, đồng thời góp phần thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp Tiền Hải.

Để khuyến khích các hộ đưa cơ giới vào sản xuất, ngoài chính sách chung của tỉnh, từ năm 2009, huyện Tiền Hải có cơ chế hỗ trợ cho các tập thể, cá nhân mua máy làm đất đa năng có công suất 22 CV trở lên với mức 20 triệu đồng/máy.  Ông Nguyễn Quân Y, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Tây An cho biết, với diện tích canh tác vụ mùa 242,3 ha, xã sử dụng 3 máy làm đất đa năng, 34 máy cày tay, 4 máy gặt đập liên hợp đáp ứng được yêu cầu sản xuất và tất cả các máy thuộc diện hỗ trợ đều được thanh toán tiền hỗ trợ đầy đủ, nhanh chóng.

Nhờ vậy, Tây An  bảo đảm lịch thời vụ, năng suất lúa mùa ước đạt hơn 54 tạ/ha. Theo kỹ sư Phạm Văn Mấn, cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đến nay, huyện đã hỗ trợ cho 109 máy gặt đập liên hợp, 52 máy làm đất đa năng; đã nghiệm thu và đang tiếp tục đề nghị tỉnh hỗ trợ cho 44 máy gặt, 13 máy làm đất và 1 máy cấy.

Cùng với hỗ trợ, huyện phối hợp với Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh, các doanh nghiệp tổ chức trình diễn các loại máy nông nghiệp; tư vấn hướng dẫn cho nông dân các xã, thị trấn chọn lựa máy nông nghiệp phù hợp với khả năng tài chính, điều kiện thổ nhưỡng và truyền thống thâm canh của địa phương. Vụ xuân 2013, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Công ty TNHH Vĩnh Thái trình diễn và tập huấn máy cấy tại 3 xã: Nam Hồng, Đông Hoàng và Đông Cơ. Tuy chưa được sử dụng rộng rãi, nhưng đây là tiền đề để huyện đẩy mạnh cơ giới hóa khâu cấy, tiến tới hoàn thiện cơ giới hóa toàn bộ các khâu từ sản xuất đến thu hoạch.

Đến nay, toàn huyện đã có 140 máy làm đất đa năng (75 máy không thuộc diện hỗ trợ), 1.154 máy cày tay, 2 máy cấy, 3 máy phun thuốc trừ sâu, 153 máy gặt đập liên hợp và nhiều hộ đầu tư các phương tiện vận tải lớn tham gia vận chuyển tiêu thụ nông sản cho nông dân. Các địa phương tiêu biểu trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là: Nam Hưng (9 máy gặt đập liên hợp, 8 máy làm đất đa năng, 1 máy cấy); Vân Trường (8 máy gặt đập liên hợp, 11 máy làm đất đa năng); Đông Hoàng (7 gặt đập liên hợp, 11 máy làm đất đa năng)...

Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn giúp huyện Tiền Hải hoàn thành sớm việc thu hoạch lúa xuân, đẩy nhanh tiến độ làm đất sớm hơn từ 15 - 20 ngày so với cùng kỳ năm 2012, góp phần hoàn thành việc cấy lúa mùa đúng lịch thời vụ, tạo quỹ đất mở rộng diện tích trồng cây vụ đông. Kỹ sư Trần Minh Tiến, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, một trong những nguyên nhân khiến trước kia Tiền Hải chậm lịch thời vụ là do thiếu máy làm đất.

Vụ mùa năm 2011, để  bảo đảm tiến độ, huyện đã phải đi thuê 23 máy làm đất ở huyện Đông Hưng. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa còn giúp Tiền Hải giải được bài toán thiếu lao động do một bộ phận trẻ, khỏe thường xuyên đi làm ăn xa hoặc chuyển sang làm nghề khác. Bác Tô Thị Thanh, thôn Vĩnh Ninh (xã Tây Ninh) cho biết, con trai đi làm ở Công ty Sứ Hảo Cảnh, con dâu đi làm may, khi chưa có máy gặt đập hai vợ chồng già gặp rất nhiều khó khăn trong thu hoạch 3 sào ruộng vì thiếu nhân lực.

Cùng niềm vui thu hoạch lúa mùa bằng máy, cụ Bùi Thị Dậu, 80 tuổi, xóm 3 (Tây Ninh) tâm sự: Nhà cấy 3 sào, mỗi lần thu hoạch phải thuê người gặt với giá 160.000 đồng/công gặt chưa được 1 sào, lại mất thêm tiền dây buộc lúa khoảng 10.000 đồng/sào, tiền tuốt 35.000 đồng/sào. Nay thuê máy chỉ hết 120.000 đồng/sào. Anh Nguyễn Ngọc Duy (xã Tây Ninh) cho biết, nhờ có chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh, huyện mà anh là chủ sở hữu hai máy gặt. Một cái hiệu Long Châu (Trung Quốc) anh mua từ tháng 10/2012 với giá 235 triệu đồng, đã nhận được 97,5 triệu đồng tiền hỗ trợ. Một cái hiệu Suntec - 320 mới mua tháng 6/2013, giá 270 triệu đồng, đã làm xong thủ tục đang chờ được hỗ trợ.

Cũng theo anh Duy, giá gặt một sào lúa từ 120 - 130.000 đồng, để thu hồi vốn cần thời gian 3 - 4 vụ.  Qua nắm bắt thêm các chủ máy như ông Học (xã Nam Hà); các ông Lương Văn Nhu, Mai Văn Trương (xã Tây An)... thì thấy, chính sách hỗ trợ đã có tác dụng kích cầu, góp phần tạo chuyển biến trong tư duy, nhận thức của người nông dân, khuyến khích những người có vốn mạnh dạn đầu tư vào khu vực nông nghiệp - nông thôn. Cơ giới hóa nông nghiệp còn tạo tiền đề quan trọng cho các địa phương của Tiền Hải xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Từ 7 mô hình cánh đồng mẫu trong vụ xuân năm 2013, huyện tiếp tục mở rộng thêm 5 cánh đồng mẫu trong sản xuất vụ mùa với tổng diện tích 1.058 ha ở 12 xã, để thuận tiện cho cơ giới hóa nông nghiệp, tăng năng suất, giá trị kinh tế cao.

Cơ giới hóa đã đi vào đồng ruộng Tiền Hải và đạt được kết quả khả quan: khắc phục được trễ lịch thời vụ; tiết kiệm cho nông dân 3/4 thời gian làm đất và thu hoạch, 20% chi phí sản xuất; năng suất tăng 15 - 18%... Hiệu quả là vậy, tuy nhiên, tiến độ áp dụng cơ giới hóa ở Tiền Hải còn chậm và thiếu đồng bộ. Theo các nhà chuyên môn, hiểu theo nghĩa rộng, cơ giới hóa nông nghiệp đồng bộ bao gồm các loại máy móc vận hành thay thế sức lao động của con người trong nhiều khâu...

Trong khi máy móc chỉ hỗ trợ cho người trồng lúa Tiền Hải chủ yếu ở khâu làm đất và thu hoạch; cấy, phun thuốc không đáng kể (2 - 3 máy); các công đoạn bón phân, chế biến thì vẫn thực hiện bằng phương pháp thủ công. Điều này đòi hỏi trong thời gian tới, huyện Tiền Hải cần tăng cường đưa máy vào khâu cấy và phun thuốc trừ sâu, bổ sung máy gặt theo phân bổ của tỉnh (thiếu 58 cái) và thực hiện cơ giới hóa các khâu sau thu hoạch như phơi sấy, bảo quản, tạo sự đồng bộ trong cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, cần tìm kiếm và định hướng cho nông dân quan tâm đến máy nông nghiệp phù hợp được sản xuất trong nước, bởi hầu hết các loại máy được sử dụng trong huyện có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc..., chỉ khoảng 5% máy làm đất hiệu Bông Sen là của Việt Nam.

Phan Lợi

  • Từ khóa