Thứ 3, 23/07/2024, 14:25[GMT+7]

Nét mới trong sản xuất vụ đông ở Tiền Hải

Thứ 3, 29/10/2013 | 09:37:54
2,236 lượt xem
Những năm gần đây, Tiền Hải đã từng bước khắc phục yếu kém trong sản xuất cây vụ đông. Không những diện tích tăng mà với cơ cấu cây trồng hợp lý nên đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện cùng với sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp đã thay đổi tư duy của người nông dân trong gieo trồng cây vụ đông.

Cánh đồng củ đậu ở thôn Trình Trung Tây, xã An Ninh (Tiền Hải) phát triển tốt, hứa hẹn cho thu nhập cao.

Vụ đông 2013, Tiền Hải tiếp tục mở rộng diện tích theo hướng tăng nhanh diện tích ớt, dưa, bí, rau màu có giá trị kinh tế cao, tạo đột phá về diện tích, giá trị, hiệu quả. Đặc biệt, huyện đã bố trí được hai cánh đồng mẫu vụ đông, tạo tiền đề nhân rộng ra toàn huyện trong quy vùng sản xuất hàng hóa đối với cây trồng vụ đông.

Bước vào vụ đông năm nay, Tiền Hải đã chỉ rõ những hạn chế của các vụ đông trước. Đó là, một số địa phương thiếu sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp giữa cấp ủy đảng, chính quyền và HTX DVNN; công tác tham mưu, điều chỉnh cơ cấu cây trồng còn chậm. Từ bài học kinh nghiệm này, Tiền Hải phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng địa phương, ban, ngành trong tổ chức thực hiện sản xuất vụ đông năm 2013.

Theo đó, căn cứ Đề án sản xuất của huyện, UBND các xã, thị trấn xây dựng đề án sản xuất chi tiết với mục tiêu và chủ trương, giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các phòng liên quan xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ vụ đông. Các đoàn thể chính trị - xã hội và cơ quan truyền thông đại chúng, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên và nông dân toàn huyện thực hiện tốt nội dung Đề án sản xuất vụ đông năm 2013 của huyện...

Nhờ những giải pháp đồng bộ, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, phong trào trồng cây vụ đông của Tiền Hải đã có chuyển biến tốt, kết quả khả quan. Đến 18/10, cùng với thu hoạch trên 50% diện tích lúa mùa và 1.400 ha đậu tương, rau màu vụ hè thu, toàn huyện đã gieo trồng được 2.030 ha cây vụ đông, đạt hơn 50% kế hoạch đề ra.

Cũng nhằm khắc phục hạn chế của các vụ đông trước, vụ đông năm nay Tiền Hải xác định rõ chủng loại cây có ưu thế của địa phương, gắn kết với xây dựng nông thôn mới; quy hoạch mở rộng và xây dựng “cánh đồng mẫu” và vùng sản xuất hàng hóa (vùng sản xuất khoai tây, ngô, dưa, bí các loại...) trên cơ sở phù hợp về giống cây trồng, đất đai, thời vụ, bảo đảm tưới tiêu, chăm sóc và bảo vệ hiệu quả. Gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao tỷ trọng hàng hóa nông sản được tiêu thụ thông qua hợp đồng, từng bước thực hiện tốt mối liên kết 4 nhà, bảo đảm ổn định sản xuất lâu dài, bền vững môi trường.

Hạ tuần tháng 10 chúng tôi về xã Vũ Lăng, địa phương vừa hoàn thành thực hiện cánh đồng mẫu trồng 110 ha bí xanh. Chủ nhiệm HTX DVNN Lê Duy Tân cho biết, trong tổng diện tích vụ đông phấn đấu là 186,34 ha, ngoài cánh đồng mẫu đã trồng xong, xã còn hoàn thành 6,45 ha ớt xuất khẩu và hơn 20 ha rau màu các loại, diện tích còn lại đã trồng xong trước ngày 25/10. Coi vụ đông là vụ chính nên nhiều thôn mở rộng sản xuất 65 - 70% diện tích trên đất hai lúa, nhiều hộ luân canh: dưa lê - dưa chuột - bí xanh - rau/năm), trừ chi phí lãi 11 triệu đồng/sào.

Xã Vân Trường là địa phương thứ hai của Tiền Hải có cánh đồng mẫu trồng 60 ha khoai tây, là loại cây chủ lực của Vân Trường, cũng là tận dụng ưu thế xã có kho bảo quản lạnh. Chủ nhiệm HTX DVNN Nguyễn Quốc Khánh cho biết, căn cứ vào thời điểm từ 15 - 30/1 (tức 10 - 25/12 âm lịch) khoai tây dễ tiêu thụ, vận dụng vào đặc điểm đồng đất, sinh trưởng của khoai, Vân Trường bố trí thời vụ trồng khoai tây trên đất hai lúa từ ngày 20/10 đến ngày 5/11. Đối với 45 ha cây vụ đông ưa ấm, xã bố trí luân canh cây trồng: dưa, bí, đậu tương, cà rốt, rau màu trên quỹ đất màu và đất hai lúa trà sớm. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, từ ngày 20/9, các hộ xã viên làm bầu để trồng bí, bầu, đến 30/9 toàn bộ những cây này được chuyển ra trồng trên đất hai lúa trà sớm.

Ngoài ra, sử dụng phương pháp làm đất tối thiểu đối với cây khoai tây cũng góp phần giải quyết được yêu cầu khắt khe của thời vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng diện tích cây vụ đông. Theo kỹ sư Trần Minh Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, việc giao cho từng địa phương tìm kiếm cơ cấu cây trồng phù hợp tạo điều kiện cho địa phương chủ động, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.

Chẳng hạn, như xã Nam Cường, một xã thiếu nước ngọt, đất nhiễm chua mặn, để hoàn thành 50 ha cây vụ đông, Nam Cường bố trí trồng ngô trên đất chân thổ và chuyên màu; khoai tây trên đất chân thổ và đất bãi Lân 1; cây khoai lang, cây đậu tương trên bãi Lân 2... Hoặc như xã An Ninh lại là vùng duy nhất của huyện trồng cây củ đậu, cho thu nhập cao gấp 3 lần so với cấy lúa. Bác Điều, một nông dân thôn Trình Trung Tây (An Ninh) phấn khởi khoe 3 sào củ đậu chuẩn bị cho thu hoạch, với năng suất như mọi năm sẽ đạt 1,5 tấn/sào, tính giá 4.000 đồng/kg, bác thu được 6 triệu đồng. Bác cho biết thêm, khi bắt đầu trồng củ đậu, gia đình đồng thời gieo rau cải thìa trên mặt luống, đã cho thu hoạch, tiền bán rau đưa vào chi phí, còn tiền bán củ đậu là toàn bộ tiền lãi. 

Với chủ trương giải pháp đúng đắn của huyện, của xã cùng với sự nỗ lực của bà con nông dân, tin rằng Tiền Hải sẽ gieo trồng 4.000 ha cây vụ đông, thắng lợi cả về năng suất, hiệu quả kinh tế, bù lại thiệt hại của vụ đông năm 2012.

Phan Lợi

  • Từ khóa