Chủ nhật, 28/07/2024, 13:22[GMT+7]

Đông Hưng Dẫn đầu về cơ giới hóa nông nghiệp

Thứ 2, 04/11/2013 | 08:45:15
2,465 lượt xem
Cùng với kết quả năng suất lúa dẫn đầu toàn tỉnh, nhiều năm nay Đông Hưng là huyện có tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp cao nhất. Đây là bước tiến trong sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị, năng suất cây trồng, giải phóng sức lao động và giảm chi phí sản xuất cho nông dân.

Máy gặt đập liên hợp trên đồng đất Đông Hưng.

Hiện nay toàn huyện có 354 máy cày đa năng, 1.127 máy cày tay và 97 máy gặt đập liên hợp, gần 400 công cụ gieo sạ. Để có được kết quả này, Đông Hưng đã chú trọng tới công tác tuyên truyền, nhất là về cơ chế hỗ trợ của tỉnh và huyện. Tổ chức hội nghị chủ tịch UBND các xã, chủ nhiệm HTX DVNN và trưởng thôn để nêu rõ về lợi ích khi sử dụng máy móc hiện đại vào sản xuất. Điển hình như thuê máy gặt chỉ mất từ 120.000 - 130.000 đồng/sào làm trong vòng 10 phút trong khi gặt tay phải mất 1 ngày/sào với giá từ 200.000 - 250.000 đồng/sào, lại mất thêm chi phí tuốt lúa và công phục vụ người gặt. Hay như máy làm đất đa năng, ngoài việc giảm công sức, thời gian của con người thì máy còn cày sâu từ 15 - 20 cm vừa cải tạo đất vừa vùi lấp được gốc và thân rạ.

Công tác tuyên truyền còn phổ biến sâu rộng tới thôn xóm thông qua hệ thống phát thanh, phát tờ rơi và các buổi hội họp của các ban, ngành, đoàn thể. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn còn tận tình hướng dẫn người mua máy làm thủ tục, nhận tiền hỗ trợ nhanh chóng, tạo điều kiện tốt nhất để các chủ máy không mất nhiều công và thời gian đi lại. Hơn nữa huyện cũng như các xã thường xuyên tổ chức các đoàn đi tham quan các mô hình trình diễn cơ giới hóa nông nghiệp ở trong và ngoài tỉnh. Từ đó nhiều hộ đã nhận thức được lợi thế của các loại máy, đầu tư mua cả máy làm đất và máy gặt. Với số lượng máy móc ở Đông Hưng như hiện nay, bình quân  một chủ máy sẽ gặt từ 60 - 80 mẫu/vụ và làm đất từ 50 - 60 mẫu/vụ.

Phú Châu là một trong những xã dẫn đầu về năng suất lúa và phong trào trồng cây vụ đông ở huyện Đông Hưng. Ông Phạm Văn Phi, Chủ nhiệm HTX DVNN cho biết: Trước đây, người dân vẫn chủ yếu cấy, gặt bằng tay, cày bằng trâu hoặc máy công suất nhỏ nhưng từ năm 2012 tới nay đã có 5 hộ mua máy gặt đập liên hợp, 12 máy cày cỡ trung thì đã có tới 70% diện tích lúa gặt bằng máy và 100% diện tích được cày bằng máy đa năng. Đặc biệt, 8 năm qua Phú Châu có kho lạnh bảo quản khoai tây giống cho bà con, hàng năm thu hút 1.300 hộ gửi trung bình từ 30 - 35 tấn. Diện tích cây khoai tây hàng năm của xã thường chiếm 15 - 20% diện tích đất nông nghiệp, đem lại thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/sào.

Sản xuất bánh lồng máy làm đất phục vụ sản xuất nông nghiệp của một hộ nông dân xã Ðông La (Ðông Hưng). Ảnh: Ngọc Linh

Đông Xuân cũng được đánh giá là xã đưa cơ giới hóa khá nhanh vào đồng ruộng. Đặc thù của địa phương này có nhiều ngành nghề phụ, gần các khu, cụm công nghiệp nên lực lượng lao động làm nông nghiệp ít. Nắm bắt được xu hướng đó, từ năm 2010 các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư mua máy về phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, toàn xã có 6 máy gặt đập liên hợp, 8 máy cày cỡ trung và 6 máy cày nhỏ. Hàng năm, trung bình có tới 80% diện tích lúa vụ xuân, 60% diện tích lúa  vụ mùa được người dân thuê gặt máy và 100% diện tích đều được làm đất bằng máy đa năng.

Ông Đặng Xuân Nghiệp, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Đông Xuân cho biết: Từ khi đưa máy móc cỡ lớn vào đồng ruộng đã giải phóng được lực lượng lao động làm nông nghiệp trên địa bàn, người dân vừa làm được các ngành nghề khác vừa duy trì cấy lúa đồng thời đẩy nhanh tiến độ mùa vụ. Với tổng diện tích 247 ha đất nông nghiệp chỉ trong vòng một tuần Đông Xuân có thể hoàn thành khâu làm đất và thu hoạch.

Ông Vũ Văn Huấn chủ máy gặt, máy làm đất ở thôn Trung cho biết: “Xác định mua máy gặt và máy làm đất là để tạo nguồn thu nhập chính cho gia đình nên từ năm 2010 tôi đã mua máy làm đất đa năng và máy gặt trị giá gần 1 tỷ đồng. Do trên địa bàn xã xuất hiện nhiều máy nên ngoài làm vài chục mẫu/vụ tôi còn tranh thủ đem máy gặt vào Thanh Hóa trước mùa gặt để kiếm thêm thu nhập. Cho tới thời điểm này, nhà tôi đã thu hồi được vốn và bắt đầu có lãi”.

Còn đối với những người thuê máy như ông Đặng Văn Thu, thôn Trung cũng rất hứng khởi khi thấy sản xuất nông nghiệp ngày càng hiện đại, ông nói: “Kể từ khi trong xã có máy, năm nào nhà tôi cũng thuê từ “A đến Z”, trước đây cứ tới thời vụ cả nhà đều phải đi làm đầu tắt mặt tối ở ngoài đồng, còn bây giờ nhàn và cần ít người làm hơn, chi phí thuê máy cũng giảm hơn so với công thuê mượn người”.

Hay đối với hộ ông Đặng Văn Hùng cấy 7 sào lúa cũng cho biết: “Trước đây, cứ bước vào thời vụ cả gia đình tôi phải thu hoạch mất 1 tuần rất vất vả, có năm còn phải thuê người gặt với giá 200.000 đồng/sào nhưng nay đã có máy thì chỉ việc đứng đầu bờ đợi lấy thóc đưa về nhà phơi và ruộng cũng thuê luôn máy cày, nhàn hơn trước rất nhiều”.

Với tốc độ cơ giới hóa như hiện nay đã phần nào giải quyết được những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Đông Hưng, nhất là về lực lượng lao động và tiến độ thời vụ,  góp phần đưa nông nghiệp của huyện ngày càng hiện đại hóa.

Thu Thủy

  • Từ khóa