Chủ nhật, 28/07/2024, 13:32[GMT+7]

Phát triển kinh tế VAC ở Hưng Hà Chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa

Thứ 3, 05/11/2013 | 08:24:51
1,029 lượt xem
Hiện nay, Hưng Hà có 424,83 ha đất vườn và 1.100 ha ao, hồ, đầm. Để cải tạo vườn tạp, ao hoang trở thành những mô hình VAC có hiệu quả kinh tế cao, trong những năm qua Hội Làm vườn Hưng Hà đã phát động nhiều phong trào thi đua về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Thông qua các phong trào thi đua, nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình kinh tế theo hướng chuyên cây, chuyên con, tạo ra sản phẩm hàng hóa cho giá trị kinh tế cao.

Nông dân xã Văn Cẩm (Hưng Hà) chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp. Ảnh: Thành Tâm

Sản xuất nông nghiệp ở Hưng Hà đang có bước chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Phát triển kinh tế VAC đã trở thành phong trào rộng khắp, toàn huyện có tới 97% diện tích vườn được các hộ nông dân cải tạo để trồng các loại cây có giá trị cao và tạo ra sản phẩm hàng hóa, như nhãn sớm Hương chi, nhãn muộn Hà Tây, cam đường canh, thanh long ruột tím, chuối tiêu hồng, mít Thái Lan… Đây là những loại cây trồng được các hộ nông dân tiếp thu thông qua các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội Làm vườn huyện tổ chức, như kỹ thuật ghép mắt nhãn Hương chi, nhãn Hà Tây vào gốc nhãn của địa phương; kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho tỷ lệ đậu quả cao, trái to.

Chính vì vậy, nhiều vườn hoang, đất tạp đã trở thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa, như vùng nhãn ở Hồng An, chuối ở Tiến Đức, thanh long ở Thống Nhất, cây cảnh Hồng Lĩnh, Minh Hòa… Ngoài các hộ có diện tích đất vườn lớn, nhiều gia đình đất chật hẹp cũng cải tạo trồng cây truyền thống có giá trị kinh tế, như bưởi Diễn, cam đường, quýt ngọt và trồng các loại rau màu ngắn ngày.

Từ việc chuyển đổi cây trồng, không chỉ giúp các hộ nông dân thoát nghèo, làm giàu mà còn xây dựng được thương hiệu đặc sản của vùng quê, điển hình như nhãn và mật ong hoa nhãn ở Hồng An. Ông Lê Nguyên Tân, Bí thư Đảng ủy xã Hồng An cho biết: Hồng An đã ban hành nghị quyết về trồng một cây, nuôi một con, đến nay nghị quyết đã đi vào cuộc sống, các loại cây trồng trước đây cho hiệu quả kinh tế thấp đều được thay thế bằng cây nhãn sớm Hương chi và nhãn muộn Hà Tây.

Sau khi các hộ dân chuyển đổi, kinh tế vườn đã đem lại hiệu quả rõ rệt, do nhãn ra sớm nên bán được giá, đến khi hết vụ Hồng An lại có nhãn muộn nên giá trị kinh tế rất cao; không chỉ lấy quả, các hộ dân còn tận dụng hoa nhãn để nuôi ong lấy mật. Một số hộ ở Hồng An thu nhập từ kinh tế vườn hàng trăm triệu đồng/năm, như gia đình ông Sơn, ông Đáng… Đối với ao, hồ, đầm (cả diện tích chuyển đổi), các hộ dân đã tiếp thu các loại giống tốt, chất lượng của các đơn vị có uy tín trong và ngoài tỉnh, như ở Hải Dương, Hòa Bình, Hưng Yên để về nuôi thả.

Trong quá trình nuôi thủy sản, việc áp dụng kỹ thuật cũng được các hộ dân nghiêm túc thực hiện, như nạo vét, xử lý nước ao, hồ, đầm. Năng suất bình quân đạt 40 - 45 tấn/ha/năm; tổng sản lượng hàng năm đạt 47.000 tấn/năm. Ngoài nuôi các loại tôm, cá truyền thống, nhiều hộ gia đình đã nghiên cứu, học hỏi nuôi các con đặc sản, như ba ba, lươn, ếch… cho thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như hộ ông Hòa ở Bắc Sơn, ông Kỳ, ông Nam ở Hồng Lĩnh, ông Cừ ở Thị trấn Hưng Hà… Toàn huyện hiện có gần 3.000 mô hình chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại.

Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, các cấp hội làm vườn ở Hưng Hà đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động hội viên chăn nuôi quy mô lớn, tạâp trung và thực hiện nghiêm Pháp lệnh chăn nuôi thú y. Do dịch bệnh được kiềm chế, nên ngày càng nhiều hộ gia đình yên tâm đầu tư mở rộng chuồng trại, tăng đàn lợn nái lên hàng trăm con, lợn thịt hàng nghìn con/trang trại, như hộ ông Trạm, ông Nhận ở Duyên Hải, ông Hùng ở Tiến Đức, ông Hanh ở Tân Lễ…

Đặc biệt, từ việc phát triển chăn nuôi đã hình thành được các câu lạc bộ chăn nuôi, với mục đích giúp đỡ nhau về vốn, kinh nghiệm, kiến thức sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao, như câu lạc bộ chăn nuôi ở xã Duyên Hải, Độc Lập… Hiện nay, tổng đàn trâu, bò trong toàn huyện có 13.658 con; đàn lợn giữ ổn định trên 150.000 con, trong đó lợn nái chiếm gần 30.000 con; đàn gia cầm duy trì thường xuyên trên 1,3 triệu con, sản lượng thịt ước đạt 1.900 tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Thừa, Chủ tịch Hội Làm vườn Hưng Hà cho biết: Toàn huyện hiện có 10.825 hội viên, sinh hoạt ở 189 chi hội; để giúp các hội viên phát triển kinh tế VAC, Hội đã đặt nhiệm vụ tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật lên hàng đầu; 5 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức 195 lớp tập huấn cho 11.500 lượt cán bộ, hội viên và tổ chức 97 cuộc tham quan, nghiên cứu học tập các mô hình VAC trong và ngoài huyện. Thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và tham quan các mô hình, nhiều cán bộ, hội viên đã làm chủ được các khâu kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi.

Để ngày càng thu hút thêm nhiều hội viên vào Hội cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ nhau thoát nghèo, làm giàu và được tập huấn khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình VAC tiêu biểu, Hội Làm vườn Hưng Hà đã đặt ra nhiều  mục tiêu, giải pháp thực hiện cụ thể ở từng lĩnh vực. Trước hết là đẩy mạnh các phong trào thi đua, gắn với xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; phối hợp với các công ty, đơn vị có liên quan giúp đỡ các hộ dân đẩy mạnh phát triển kinh tế VAC theo hướng chuyên canh, hàng hóa…

Nguyên Bình

  • Từ khóa