Chủ nhật, 28/07/2024, 13:24[GMT+7]

Đoan Hùng Hiệu quả cây mía tím trên vùng đất bãi

Thứ 6, 08/11/2013 | 08:01:34
3,833 lượt xem
Thực hiện chủ truơng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Đoan Hùng (Hưng Hà) đã đưa nhiều loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Qua quá trình lựa chọn, cây mía tím đang dần khẳng định được ưu thế của mình trên vùng đất bãi.

Anh Bùi Văn Hoạt, thôn Chấp Trung 2, xã Đoan Hùng (Hưng Hà) chăm sóc mía tím trồng trên vùng đất bãi.

Qua 3 năm phát triển, đến nay toàn xã đã mở rộng được hơn 20 ha; hàng trăm hộ tham gia, trung bình mỗi hộ từ 1 đến 3 sào, có những gia đình trồng tới năm sào. Từ khi đưa cây mía tím vào trồng, cuộc sống của nhiều người dân được thay đổi, vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ nhiệm HTX DVNN Đoan Hùng cho biết: Đoan Hùng là một trong những xã thuần nông của huyện Hưng Hà, không có nghề phụ nên việc phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tận dụng lợi thế hơn 40 ha đất bãi, chính quyền xã đã tích cực vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cấy trồng, đưa nhiều giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào trồng thử nghiệm và đã chọn đuợc cây mía tím làm cây trồng chủ lực trên vùng đất bãi.

Những năm đầu đưa cây mía tím vào trồng thử nghiệm còn gặp nhiều khó khăn do bà con nhân dân trong xã vẫn chưa quen kỹ thuật thâm canh loại cây mới, tâm lý e dè, sợ thất bại. Sau khi nhận thấy mía tím là loại cây dễ trồng, hợp với thổ nhuỡng đất bãi, hiệu quả kinh tế cao, nhiều bà con nông dân trong xã mạnh dạn vay vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Vì thế mà diện tích trồng mía của xã hàng năm luôn được mở rộng, năm sau tăng hơn so với năm trước.

Trước kia, gia đình anh Bùi Văn Hoạt, thôn Chấp Trung 2 là một trong những hộ nghèo của xã. Gần đây với việc đưa cây mía vào trồng trên đất bãi đã giúp gia đình anh thoát nghèo, có thu nhập ổn định. Hiện nay, gia đình anh trồng 2 sào mía tím, sau khi trừ chi phí cho thu lãi ổn định 40 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, anh tiếp tục chuyển đổi hơn 2 sào trồng ngô của gia đình sang trồng mía tím.

Theo kinh nghiệm của anh Hoạt, trồng mía quan trọng nhất là khâu chọn giống, để mía phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao trước khi trồng phải chọn ngọn hoặc mắt cây khỏe mạnh làm giống, sau đó ngâm ngọn xuống nuớc nửa ngày để diệt trừ mầm bệnh rồi vớt lên trồng. Mía tím được trồng theo luống, trung bình một sào trồng từ 700 - 800 ngọn. Khi cây đã phát triển, mỗi tháng tỉa lá hai lần, kết hợp với bón phân và phun thuốc trừ sâu để bảo đảm độ óng, đẹp của cây mía. Không riêng gia đình anh Hoạt, hiện nay cây mía tím đang giúp nhiều gia đình trong xã thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Ngoài diện tích mía ngoài bãi, nhiều gia đình còn tận dụng vườn, bờ ao của gia đình để trồng mía, tăng thêm thu nhập.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Khuể, Chủ tịch UBND xã Đoan Hùng cho biết: Trong thời gian tới, UBND xã tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích, đưa cây mía tím vào phủ kín đất bãi, thay cho các loại cây trồng truyền thống, từ đó giúp nhân dân trong xã phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phạm Hưng

  • Từ khóa