Chủ nhật, 28/07/2024, 13:26[GMT+7]

Đông Vinh Hiệu quả từ chuyển dịch cơ cấu ngành nghề

Thứ 3, 12/11/2013 | 15:41:36
1,200 lượt xem
Đông Vinh (Đông Hưng) có 2.500 hộ dân với 8.345 khẩu. Tính tới tháng 9/2013, xã Đông Vinh đã thực hiện được 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó việc đẩy mạnh phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phù hợp là hướng đi đúng và là giải pháp quan trọng để Đông Vinh đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2015.

Dây chuyền may xuất khẩu tại cơ sở may Hương Tuấn, xã Đông Vinh (Đông Hưng).

Vốn là xã được công nhận làng nghề dệt chiếu cói truyền thống, nhưng đó là chuyện của hơn 10 năm về trước. Khi khoa học kỹ thuật phát triển, nghề làm chiếu thủ công dần mai một, yếu thế trên thị trường. Người làm chiếu cói thủ công ở xã Đông Vinh không còn thiết tha với nghề truyền thống, cho tới nay chỉ còn một vài hộ duy trì làm chiếu, sản xuất với số lượng ít.

Đông Vinh là một xã đông dân, nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động tương đối dồi dào. Nắm bắt được nhu cầu của xã hội và hiện trạng nguồn lao động của địa phương, xã đã đưa một số nghề mới về để thay thế nghề thủ công truyền thống. Trong đó, sôi động nhất là nghề may.

Toàn xã hiện có 4.423 lao động, số lượng lao động có việc làm thường xuyên là 4.355 người, chiếm 98,46%. Nguồn lao động làm việc trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp là 1.500 người. Trong đó, số lao động dệt may là 580 người. Còn lại là lao động cơ khí và lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Xác định nhu cầu của thị trường về sản phẩm may mặc rất cao, những năm gần đây, chính quyền xã Đông Vinh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp dạy may cho con em trong xã tại Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ).

Ông Bùi Duy Cần, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Vinh cho biết: Từ năm 2010, TTHTCĐ xã đã mở lớp dạy nghề miễn phí cho lao động địa phương. Mỗi năm, Trung tâm đào tạo từ 600 - 700 lao động với 3 nghề chính là may công nghiệp, cơ khí và thú y. Riêng năm 2013, xã đã tổ chức được 3 lớp may, 1 lớp cơ khí, 1 lớp thú y cho người dân. Đến thời điểm này, cả xã có 2 cơ sở may công nghiệp quy mô lớn.

Trong đó, cơ sở may Hương Tuấn có hơn 140 đầu máy may công nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động tại địa phương. Anh Lại Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Tuấn chia sẻ: Mặt hàng may khá ổn định, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ… Công nhân luôn có việc làm, mức thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Công ty TNHH Hương Tuấn đã mở 4 cơ sở trong xã, các huyện, thành phố trong tỉnh đều có cơ sở sản xuất vệ tinh. Mỗi tháng, Công ty đóng góp 50 triệu đồng tiền thuế cho Nhà nước.

Ngoài ra, Cơ sở may Ngọc Anh, với quy mô hơn 30 lao động trực tiếp và các lao động vệ tinh nằm rải rác trong khu dân cư và các xã lân cận, chuyên may gia công các sản phẩm may mặc. Ông Bùi Duy Cần, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Vinh chia sẻ: Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã đạt khoảng 174 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 20,9 triệu đồng/người/năm.

Để chủ động nguồn vốn hỗ trợ các cơ sở mở rộng sản xuất kinh doanh, xã Đông Vinh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Quỹ Tín dụng nhân dân xã giải quyết nhanh gọn các thủ tục vay vốn cho các cơ sở và các hộ dân. Bên cạnh cụm công nghiệp, xã đã dành quỹ đất hơn 30 ha cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm mục đích tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát môi trường làng nghề, tránh ảnh hưởng tới khu dân cư.

Nhờ có hướng đi đúng, xã Đông Vinh đã giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động, tăng nhu nhập cho người dân từ đó tạo đà cho kinh tế, xã hội địa phương phát triển ổn định.

Tất Đạt

  • Từ khóa