Chủ nhật, 28/07/2024, 13:18[GMT+7]

Trà Giang Khai thác tiềm năng vùng bồi ven sông

Thứ 4, 13/11/2013 | 08:49:35
2,048 lượt xem
Trà Giang là xã duyên giang của huyện Kiến Xương với 3,2 km chiều dài bãi bồi ven sông Trà Lý. Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đấu thầu đất bãi, chuyển đổi sang nuôi thủy sản, xen canh trồng chuối cho hiệu quả tương đối cao.

Chuối được trồng xen với khu nuôi thả thủy sản tại xã Trà Giang (Kiến Xương).

Xã Trà Giang nằm ở phía Bắc của huyện Kiến Xương, kinh tế chủ yếu dựa vào hai vụ lúa. Do đặc thù của chất đất nên khó phát triển cây màu, cây vụ đông. Lao động trong xã chủ yếu đi làm thuê tại làng nghề của các xã lân cận và các tỉnh, thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên. Đời sống của người dân còn khó khăn.

Lấy nông nghiệp làm gốc để phát triển kinh tế, chính quyền xã Trà Giang đã có nhiều biện pháp khuyến khích người dân chuyển đổi vùng sản xuất. Trọng tâm là khai thác triệt để diện tích đất bãi bồi ngoài đê bối chuyển từ cấy lúa năng suất thấp sang đào ao, đầm nuôi thả thủy sản.

Ông Trần Văn Đang, Chủ tịch UBND xã Trà Giang cho biết: Từ năm 2010, xã đã đưa 18/70 ha đất bãi ngoài đê bối vào quy hoạch vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản. Sau 2 năm thực hiện, đã có 39,5 ha được người dân chuyển đổi, vừa nuôi thủy sản, vừa xen canh trồng chuối. Giá trị kinh tế gấp 2 - 2,5 lần so với cấy lúa.

Hiện nay đã có 26 hộ gia đình tham gia đấu thầu diện tích đất bãi trong thời gian 20 năm để phát triển kinh tế kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt. Nhìn từ đê xuống, màu xanh của chuối tiêu hồng, chuối tây đã phủ kín cả vùng đất bãi. Chúng tôi có mặt tại khu đầm cá của gia đình anh Nguyễn Văn Luân, thôn Dục Dương Đông.

Năm 2010, gia đình anh đã thầu 43.200 m2 đất bãi. Hiện nay, gia đình anh có 28.800 m2 đầm nuôi cá các loại: trắm, trôi, mè thương phẩm. Mỗi năm thu hoạch từ 10 – 15 tấn cá, trừ chi phí thức ăn chăn nuôi, gia đình anh thu về 50 – 60 triệu đồng tiền lãi. Bên cạnh diện tích đầm nuôi thủy sản, gia đình anh Luân còn đầu tư trồng hơn 3.000 gốc chuối trên diện tích 14.400 m2 đất vườn. Tùy vào giá chuối ngoài thị trường mà người dân lãi nhiều hay ít. Có năm giá ổn định thu về khoảng 55 triệu đồng.

Do lợi thế nằm gần sông, hệ thống cung cấp nước cho ao hồ luôn bảo đảm, chất lượng nước đáp ứng yêu cầu nên việc đầu tư nuôi thủy sản đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, vùng bãi bồi có chất đất tốt, hàm lượng dinh dưỡng trong đất cao, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây chuối.

Vì thế diện tích trồng chuối ngày càng được mở rộng. Có nhiều hộ gia đình chuyên canh cây chuối như gia đình anh Đặng Hữu Những, thôn Thuyền Định, có 18.000 m2 trồng chuối. Anh Những cho biết: “Gia đình tôi trồng chuối được 2 năm, chuối phát triển rất tốt, lại ít sâu bệnh. Tuy nhiên do nằm ven sông nên phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, có năm bị mất mùa bởi bão gió… Nói chung thị trường tiêu thụ chuối khá ổn định, mỗi tháng thương lái vào bãi thu mua 1 lần. Mỗi lần thu hoạch tôi thu từ 5 – 6 triệu đồng” .

Anh Đặng Hữu Những cho biết thêm, ngoài trồng chuối, anh còn tận dụng diện tích đất để chăn nuôi thêm lợn, gà, ngan. Đặc biệt, gia đình anh có thêm nguồn thu nhập hơn 40 triệu đồng từ nguồn cáy tự nhiên khai thác được từ các ao nhỏ trong vườn chuối. Mỗi năm gia đình anh thu nhập từ trồng chuối và chăn nuôi hơn 200 triệu đồng.

Mô hình trên trồng chuối, dưới nuôi cá đã được người dân vùng chuyển đổi nuôi thủy sản xã Trà Giang áp dụng thành công. Với phương châm: khai thác triệt để tiềm năng đất bãi, hàng năm, chính quyền xã đã đầu tư tu bổ hệ thống đê điều, nâng cấp hệ thống giao thông vùng chuyển đổi để người dân yên tâm sản xuất, khuyến khích các hộ gia đình cải tạo, đưa các cây, con giống mới phù hợp vào sản xuất. Bên cạnh đó, luôn tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn đầu tư sản xuất.

Tất Đạt

  • Từ khóa