Chủ nhật, 28/07/2024, 13:26[GMT+7]

Các địa phương khắc phục thiệt hại sau bão số 14

Thứ 5, 14/11/2013 | 09:12:27
1,147 lượt xem
Do ảnh hưởng của bão số 14, trên 6.400 ha cây vụ đông của huyện Quỳnh Phụ đã bị đổ, gẫy và dập nát; 4.300 ha cây vụ đông của huyện Đông Hưng bị ngập nước, đổ, gãy; 119 m kè xung yếu tại Km188+500 xã Vũ Bình (Kiến Xương) bị sạt lở nghiêm trọng; 1.780 ha cây vụ đông của Thái Thụy bị đổ, dập nát; đánh chìm 4 thuyền của ngư dân xã Thái Thượng tại khu neo đậu cầu Diêm Điền; 30% số chòi ngao bị đổ và tốc mái; một số đê bao, bờ vùng nuôi trồng thủy sản của nhân dân bị sạt lở.

Nông dân Đông Hưng kiểm tra rau màu bị thiệt hại sau bão.

Quỳnh Phụ

Do ảnh hưởng của bão số 14, trên 6.400 ha cây vụ đông của huyện Quỳnh Phụ đã bị đổ, gẫy và dập nát; thiệt hại nặng nhất là diện tích ngô 2.000 ha, ớt 1.200 ha, dưa bí 1.400 ha, rau màu các loại 1.300 ha… Để tập trung khắc phục các xã, thị trấn, các HTX DVNN chỉ đạo quyết liệt việc tiêu nước mặt ruộng trên diện tích gieo trồng cây vụ đông; khuyến cáo nông dân dựng ngay toàn bộ diện tích ngô, ớt bị đổ, dùng thuốc kích rễ Comcat 150 WP, siêu lân để phun kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất tổn thương bộ rễ. Sau mưa bão nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại như: bệnh lở cổ rễ hại ớt, dưa, bí, đậu tương và bệnh thối củ khoai tây, dùng thuốc đặc hiệu Validacin 3L hoặc Anvil 5L phun phòng; bệnh héo xanh trên ớt và dưa, bí dùng thuốc đặc hiệu Physan 20L, Kasumil 2L. Nồng độ và kỹ thuật phun trừ theo hướng dẫn trên bao bì.

Đối với diện tích cây vụ đông đã trồng bị chết không còn thời vụ gieo trồng lại, khuyến cáo nông dân chuẩn bị các giống cây rau màu ưa lạnh như: su hào, cà rốt, cải các loại… để gieo trồng thay thế bảo đảm diện tích vụ đông theo kế hoạch.

                                                                                          Phương Bắc

(Đài Truyền thanh Quỳnh Phụ)

Đông Hưng

Bão số 14 đã làm 4.300 ha cây vụ đông của huyện Đông Hưng bị ngập nước, đổ, gãy, dập nát; trong đó có 700 ha bí, 350 ha đậu tương, 300 ha khoai lang, 300 ha ngô, 450 ha khoai tây và 2.200 ha rau màu các loại. Có 8 phòng học, một số lán trại chăn nuôi bị tốc mái; 5 kè bị sạt lở từ 100 - 200 m. Trước tình hình trên, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Đông Hưng đã đi kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung mọi phương tiện bơm điện, bơm dầu tiêu thoát nước, khơi thông dòng chảy trên các sông trục dẫn, hệ thống mương máng cho toàn bộ diện tích cây vụ đông. Tiếp tục rà soát những nơi bị thiệt hại về hoa màu vụ đông để có biện pháp chỉ đạo chăm sóc tốt nhất. Củng cố và lên kế hoạch chỉ đạo xử lý những đoạn kè bị sạt lở trong thời gian sớm nhất.

                                                     Thủy Thanh

Kiến Xương

Mặc dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 14, song với gió giật mạnh kết hợp với triều cường dâng cao đã làm cho 119 m kè xung yếu tại Km188+500 xã Vũ Bình (Kiến Xương) bị sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, cung sạt lở lớn nhất dài 35 m, tổng các đỉnh kè bị gãy dài 30 m tại vị trí các mỏ kè như: 3,4,5,6,7. Tại mỏ kè số 5, xảy ra hiện tượng đá bị trôi. Ngoài ra, bão số 14 đã làm cho 50 cột viễn thông trong huyện bị nghiêng, 14 cột bị đổ và 1 cột bị gãy,

Đối với cây vụ đông, trên 2.900 ha bị thiệt hại, trong đó thiệt hại nặng nhất là cây ngô với trên 220 ha.

Để chủ động khắc phục thiệt hại sau bão, UBND huyện Kiến Xương chỉ đạo các địa phương tích cực chăm sóc cây vụ đông, tiến hành trồng mới các loại cây màu còn trong khung thời vụ để bổ sung vào những diện tích bị ảnh hưởng nặng hoặc mất trắng. Nhân dân vệ sinh ao đầm, vớt xác động thực vật rơi xuống ao nuôi tránh ô trắng. Nhân dân vệ sinh ao đầm, vớt xác động thực vật rơi xuống ao nuôi tránh ô

Vũ Đông

(Đài Truyền thanh Kiến Xương)

Thái Thụy

Bão số 14 làm cho 1.780 ha cây vụ đông của Thái Thụy bị đổ, dập nát; đánh chìm 4 thuyền của ngư dân xã Thái Thượng tại khu neo đậu cầu Diêm Điền; 30% số chòi ngao bị đổ và tốc mái; một số đê bao, bờ vùng nuôi trồng thủy sản của nhân dân bị sạt lở. Gió giật mạnh, kèm theo nước dâng đã làm cho 50m kè Thuyền Quan (xã Thái Hà) thuộc đê Tả Trà Lý, 100 m kè Thái Phúc bị sạt lở. Ước tính, tổng thiệt hại là 26,512 tỷ đồng. Ngay sau khi bão tan, các địa phương tiếp tục tháo cạn mực nước trên các sông trục và bơm tát trên ruộng để cứu những diện tích cây vụ đông bị ngập úng; thu dọn những diện tích dập nát không thể khắc phục để thay thế bằng những cây mới đồng thời dựng lại những cây trồng bị đổ, thực hiện đồng bộ các biện pháp chăm sóc tạo điều kiện để cây trồng sớm phục hồi, sinh trưởng và phát triển tốt.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa