Chủ nhật, 28/07/2024, 11:37[GMT+7]

Kinh tế Thái Thụy Những tín hiệu lạc quan

Thứ 4, 20/11/2013 | 08:46:01
1,108 lượt xem
Thái Thụy triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2010 - 2015) trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên về tổng thể nửa nhiệm kỳ đã qua, bức tranh kinh tế toàn huyện vẫn có nhiều điểm sáng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.

Thái Thụy tích cực đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Tổng giá trị sản xuất của Thái Thụy tăng từ 2.685,7 tỷ đồng năm 2010 lên khoảng 3.505,8 tỷ đồng năm 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2010 - 2013 đạt 9,29%. Giá trị sản xuất bình quân đầu người năm 2013 ước đạt 48,73 triệu đồng/người/năm. Trong các ngành kinh tế,  nông - lâm - ngư nghiệp vẫn giữa vai trò chủ lực, chiếm 35,48% trong cơ cấu các ngành kinh tế; giá trị sản xuất năm 2013 ước đạt 1.244 tỷ đồng, tăng 15,46% so với năm 2010, mức tăng trưởng bình quân hàng năm 4,92%, vượt 0,14% so với mục tiêu Đại hội.

Dù là vùng đất chua mặn, nhưng những năm qua nông dân Thái Thụy đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống lúa, trà lúa: cấy 100% lúa ngắn ngày ở vụ xuân với 90% diện tích lúa lai, vụ mùa cấy 50% lúa trà sớm kết hợp thực hiện các biện pháp thâm canh, đưa khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào đồng ruộng nên năng suất lúa bình quân hàng năm đạt 13 tấn/ha. Diện tích cây vụ đông  toàn huyện duy trì hàng năm từ 4.000 - 5.000 ha. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất quy mô lớn như: hành tỏi 450 - 500 ha, dưa hấu, bí đá từ 700 - 1.000 ha, lạc xuân từ 500 - 550 ha, thuốc lào từ 450 - 500 ha.

Một số loại cây như salat, dưa gang, dưa chuột, ớt… cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm, cá biệt ở Thụy An, Thụy Trường, Thụy Hưng, Thụy Sơn đạt 250 triệu đồng/ha/năm. 3 năm qua, chăn nuôi của Thái Thụy có xu hướng chuyển dần từ phân tán, nhỏ lẻ trong khu dân cư sang chăn nuôi quy mô lớn tại các vùng chuyển đổi theo hướng công nghiệp. Toàn huyện có 13 xã quy hoạch 157,79 ha vùng chăn nuôi tập trung, xây dựng 103 trang trại. 

Do áp dụng đồng bộ nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên dù tổng đàn lợn nái, lợn thịt giảm 28.647 con so với năm 2010, nhưng sản lượng thịt hơi xuất chuồng vẫn tăng 17,97%. Tổng đàn gia cầm tăng nhẹ nhưng sản lượng thịt và trứng tăng mạnh, năm 2013 ước sản lượng đạt 4.260 tấn, tăng 31,72%, sản lượng trứng gia cầm ước đạt 41,5 triệu quả, tăng 12,65 triệu quả so với năm 2010. Nuôi trồng thủy sản của Thái Thụy cũng phát triển mạnh: so với năm 2010, diện tích tăng 25,9%, sản lượng tăng 205,7%.

Khai thác hải sản cũng chuyển dần từ khai thác trong lộng, gần bờ sang khai thác tầm trung, xa bờ. Ngư dân tích cực cải tiến ngư lưới cụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác, tăng thời gian bám biển, mở rộng ngư trường nên hiệu quả sản xuất tăng lên. Toàn huyện hiện có 458 phương tiện khai thác, sản lượng khai thác đạt 27.105 tấn/năm với giá trị đạt 120 tỷ đồng, tăng bình quân 8,7%/năm, giải quyết việc làm cho gần 1.600 lao động.

Một điểm đáng ghi nhận sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV của Thái Thụy là địa phương đã dồn mọi nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện đã huy động 210.096 triệu đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp 62.350 triệu đồng. Nhiều công trình  hạ tầng: trụ sở làm việc, trạm y tế, trường học, đường giao thông, hệ thống thủy lợi... được đầu tư xây dựng góp phần phục vụ tốt cho sản xuất, cải thiện đời sống dân sinh.

Các cấp, các ngành, các địa phương đã tổ chức đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho 12.910 lao động tạo điều kiện nâng cao đời sống cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện là 7,8%, giảm 2,8% so với năm 2010. Bộ mặt ở nhiều làng quê có sự khởi sắc rõ rệt. Đến nay, xã Thụy Phúc dù không được chọn làm điểm nhưng được tỉnh công nhận là xã nông thôn mới vào tháng 7/2013; 26 xã đạt từ 11 tiêu chí trở lên, 3 xã đạt 10 tiêu chí, 7 xã đạt 9 tiêu chí, 11 xã đạt từ 7 đến 8 tiêu chí. Thái Thụy phấn đấu hết năm 2013 sẽ có thêm 2 xã là Mỹ Lộc, Thụy Văn cán đích trong xây dựng nông thôn mới.

Khởi sắc trong phát triển kinh tế nông nghiệp, tuy nhiên sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản của Thái Thụy 3 năm qua gặp rất nhiều khó khăn. Toàn huyện có 3 dự án trọng điểm là Trung tâm Điện lực Thái Bình, Nhà máy sản xuất Amonitrat, Công ty CP đóng tàu Đại Dương và 24 dự  án quy mô nhỏ đầu tư tại huyện. Đến nay, 14 dự án được đầu tư xây dựng đi vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy vậy việc thu hút đầu tư vào 4 cụm công nghiệp còn hạn chế, đặc biệt là các dự án lớn, công nghệ cao. Năm 2013, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản toàn huyện ước đạt 1.250 tỷ đồng, tăng 40,3% so với năm 2010; tốc độ tăng trưởng bình quân 13,33%/năm nhưng vẫn thấp hơn 12,33% so với mục tiêu Đại hội.

 Nguyên nhân trước hết là do một số lĩnh vực công nghiệp trước đây là ngành trọng điểm, thế mạnh của huyện như: đóng tàu, chế biến bột cá, vận tải biển và hậu cầu dịch vụ nghề biển nhưng nay các ngành này hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động. Phát triển nghề và làng nghề cũng gặp nhiều khó khăn. Toàn huyện hiện có 5.200 cơ sở, tổ sản xuất (giảm 11% so với năm 2010), 24 làng nghề và 2 xã nghề. Giá trị thương mại - dịch vụ năm 2013 ước đạt 1.011,8 tỷ đồng, tăng 37,77% so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 11,28%, thấp hơn 3,65% so với mục tiêu Đại hội.

Đến năm 2015, toàn huyện phấn đấu tổng giá trị sản xuất 5.279 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 14,47%, thu nhập bình quân đầu người đạt 82 triệu đồng/người/năm, 16 xã được công nhận đạt chuẩn  nông thôn mới. Đảng bộ huyện đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu trên, trong đó ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới. Tập trung khai thác các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu giao thông, thủy lợi, các công trình phúc lợi công cộng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông thu hút đầu tư vào địa bàn kết hợp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về đất đai, vốn, tiêu thụ sản phẩm... thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa