Thứ 2, 01/07/2024, 01:17[GMT+7]

Mô hình trồng bí đỏ ở Văn Cẩm

Thứ 3, 26/11/2013 | 09:16:45
3,827 lượt xem
Hàng năm, xã Văn Cẩm (Hưng Hà) gieo trồng hơn 100 ha cây vụ đông trên tổng số 283 ha đất canh tác. Trong đó các loại cây chủ lực là bí đỏ, ngô và rau màu. Nhận biết được tâm lý nông dân mong muốn có đầu ra ổn định, ban quản trị HTX đã rất trăn trở, mở rộng diện tích gắn với tiêu thụ sản phẩm. Xã đã tổ chức nhiều chuyến tham quan học tập bên tỉnh Hải Dương cho các bí thư, thôn trưởng, cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và các hộ xã viên sản xuất tiêu biểu.

Cây bí đỏ trên đất Văn Cẩm (Hưng Hà).

Từ năm 2001, Văn Cẩm đã sản xuất dưa xuất khẩu ký kết với Công ty Đức Lộc (Hải Dương) để thu mua sản phẩm... Sau 5 năm “chung thủy” với cây dưa, theo nhu cầu thị trường, xã lại chuyển hướng sang trồng bí đỏ.  Lúc đầu là giống bí hai mũi tên, giống bí này cho năng suất cao từ 1,2 - 1,5 tấn/sào nên nông dân “mê” lắm. Song từ 2 năm trở lại đây theo nhu cầu của Công ty, Văn Cẩm lại chuyển hướng sang bí đỏ hồ lô cho giá trị thương phẩm cao hơn. Giống bí hồ lô này tuy năng suất thấp hơn bí 2 mũi tên, đạt 7 - 8 tạ/sào nhưng giá bán lại cao hơn. Năm 2012, giá bí dao động từ 3.800 - 4.200đ/kg, mỗi sào cho thu nhập hơn 3 triệu đồng.

Hỏi tại sao không trồng bí xanh như các địa phương khác thì ông Nhung Chủ nhiệm HTX Văn Cẩm cho biết: Trồng bí đỏ dễ hơn bí xanh, ít sâu bệnh, khả năng chống chịu lại tốt hơn. Công ty cung ứng hạt giống và cam kết thu mua hết sản phẩm theo giá thị trường, không lo bị  “ế” như các loại cây trồng khác. Chúng tôi gọi cây bí này là cây trồng “lười” vì trồng rất nhàn. Năm nay tuy có nhiều nhân lực đi làm ăn xa nhưng xã viên vẫn trồng được 40 ha. Chỉ lo không có bí để bán chứ sản phẩm có bao nhiêu công ty cũng thu mua hết. Trong xã có nhiều hộ trồng đến 7 - 8 sào, như nhà  ông Luận, ông Lương thôn Trần Xá, năm ngoái cho thu gần 30 triệu đồng.

Trên cánh đồng thôn Trần Xá những ngày trung tuần tháng 11, ngay sau bão số 14, chúng tôi thấy những quả bí to 1,5 - 2 kg nằm dưới những khe lá. Chỉ hơn 1 tháng nữa thôi là bà con nông dân đã được thu hoạch. Được biết, xã đã bố trí toàn bộ diện tích trồng bí trên chân đất cao, thoát nước tốt nên sau bão diện tích này nước thoát nhanh, không bị ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Hơn nữa, giống bí hồ lô này có thể trồng muộn đến 5/10 nên không lo nhiều về thời vụ.

Cuối tháng 12, đầu tháng 1 đã được thu hoạch. Song đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng cây vụ đông, đặc biệt là các loại bí cần phải trồng sớm mới cho năng suất cao. Vì vậy, mặc dù vụ mùa năm 2013 mưa kéo dài, lúa chín chậm, xã viên xã Văn Cẩm vẫn trồng được bí sớm bằng cách cấy lúa BC15 theo băng, để rãnh rộng lấy chỗ đặt bầu bí. Khi thu hoạch lúa mùa thì cũng là lúc bí hồ lô đã bò ngoi lên gần ngọn lúa, rút ngắn được rất nhiều thời gian sinh trưởng.

Để phong trào cây vụ đông phát triển ổn định thì yếu tố cơ bản nhất là phải bao tiêu được sản phẩm. Ai cũng cầu mong cho “mưa thuận gió hòa”, cây trồng tốt tươi nhưng khi được mùa rồi thì phải bán được giá, có nơi tiêu thụ. Đấy là động lực lớn nhất, đem lại lợi ích kinh tế thiết thực cho nông dân. Và Văn Cẩm đã làm được điều ấy.                               

  Mai Thị Thu Hương

(Trung tâm KNKNKN tỉnh)

  • Từ khóa