Chủ nhật, 28/07/2024, 11:33[GMT+7]

Hội Làm vườn Thái Bình Góp phần thực hiện thắng lợi, mục tiêu phát triển kinh tế của mỗi địa phương

Thứ 4, 27/11/2013 | 08:44:37
1,294 lượt xem
Hội Làm vườn là tổ chức xã hội nghề nghiệp mang tính chất kỹ thuật, hoạt động tự nguyện, tự quản, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên phát triển kinh tế VAC để nâng cao thu nhập, làm giàu cho gia đình và xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Nông dân xã Bách Thuận (Vũ Thư) trồng và chăm sóc cây cảnh. Ảnh: Ngọc Linh

Trong nhiệm kỳ 2008 - 2013, hoạt động của hội làm vườn các cấp gặp rất nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, sự cạnh tranh của kinh tế thị trường; giá cả vật tư sản xuất nông nghiệp liên tục tăng cao; thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Tuy vậy, tổ chức Hội đã bám sát nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, tranh thủ sự lãnh đạo, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, tuyên truyền vận động, tập hợp và hướng dẫn hội viên khắc phục những khó khăn thách thức, phát động phong trào thi đua, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn, cung ứng những cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, xây dựng các mô hình làm VAC giỏi, tổ chức cho hội viên tham quan học tập làm theo.

Tổ chức Hội đã phối hợp tổ chức 2.418 lớp chuyển giao khoa học về  kỹ thuật chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật làm vườn... cho 141.279 lượt hội viên; 9 lớp trung cấp nghề thủy sản cho 720 hội viên, tổ chức 5 cuộc hội thảo, 721 cuộc tham quan mô hình trong và ngoài tỉnh để hội viên làm theo; cung ứng hàng trăm nghìn cây, con giống các loại cho hội viên; xây dựng hơn 120 mô hình làm kinh tế VAC giỏi. Từ năm 2011 đến nay, Hội xuất bản Bản tin "Kỹ thuật sản xuất và quản lý VAC" ra 1 kỳ/quý với những nội dung thiết thực làm cẩm nang cho Hội làm vườn cơ sở, cung cấp 1.000 tờ gấp về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch chuối tiêu hồng và nhãn chín muộn...

Với sự hướng dẫn, giúp đỡ của tổ chức Hội, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo lại 7.880 ha vườn, 6.800 ha ao, biến nhiều vùng đất chua trũng thành những gia trại, trang trại trù phú có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm. Từ phong trào phát triển VAC đã có hàng trăm mô hình các gia đình hội viên  tạo việc làm, thu nhập cao cho nhiều lao động, góp phần làm cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch đẹp và thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Đình Kế (Bách Thuận), Đỗ Trọng Tỵ (Minh Lãng), Trịnh Văn Kim (Song An) huyện Vũ Thư; Lâm Văn Lâm (Thụy Quỳnh), Tạ Thị Hạnh (Diêm Điền) huyện Thái Thụy; Nguyễn Viết Minh (An Quý), Nguyễn Văn Trọng (An Vinh) huyện Quỳnh Phụ, Nguyễn Sỹ Đoán (Phong Châu), Nguyễn Đức Thịnh (Đông Hà) huyện Đông Hưng...

Lãnh đạo Hội Làm vườn tỉnh thăm mô hình nuôi lợn rừng của anh Đỗ Văn Trưởng, xã Tân Lập (Vũ Thư).

Phong trào chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại của hội viên phát triển mạnh. Tính đến tháng 6/2013 toàn tỉnh có 690 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí quy định, 15.450 gia trại. Qua phong trào VAC đã tạo ra nhiều vùng sản xuất tập trung cung cấp một lượng sản phẩm lớn cho xã hội như vùng sản xuất chuyên canh nhãn muộn, chuối cấy mô, chăn nuôi bò ở Hồng An, thanh long ở Thống Nhất, cam đường canh ở Tân Lễ (Hưng Hà); vùng chuối tiêu hồng ở Nguyên Xá, Vũ Đoài, Duy Nhất; vùng trồng cây cảnh ở Tân Lập, Bách Thuận; vùng nuôi cá lóc bông ở Minh Lãng (Vũ Thư); vùng cây quất đào cảnh ở Đông Hòa, Hoàng Diệu (Thành phố Thái Bình), chăn nuôi theo mô hình trang trại gia trại ở Vũ Lăng (Tiền Hải), Đông Kinh (Đông Hưng)...

Với hiệu quả của  phong trào kinh tế VAC đã thu hút được nhiều hội viên tham gia vào tổ chức Hội. Từ 1 chi hội chỉ có 85 hội viên ban đầu, nay đã có tổ chức Hội ở 278 xã, phường, thị trấn với tổng số trên 32.000 hội viên, tăng gần 7.000 hội viên so với đầu nhiệm kỳ, 275 cơ sở Hội có quỹ, với tổng số quỹ trên 1,58 tỷ đồng, tăng 141 triệu đồng so với nhiệm kỳ trước. Nội dung sinh hoạt ở các chi hội ngày càng đổi mới thiết thực. Phải khẳng định rằng phong trào phát triển kinh tế VAC nhiệm kỳ qua đã đi vào chiều sâu và ngày càng hiệu quả; công tác xây dựng củng cố tổ chức Hội ngày càng chặt chẽ đóng góp quan trọng thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của các địa phương. Với những thành tích đó, nhiệm kỳ qua các cấp Hội đã được Trung ương Hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tặng 87 bằng khen và hàng trăm giấy khen.

Trong nhiệm kỳ tới, hoạt động của Hội sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức do sự cạnh tranh của cơ chế thị trường, diễn biến của thời tiết, dịch bệnh phức tạp đòi hỏi tổ chức Hội phải đoàn kết cố gắng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt công tác tuyên truyền về vai trò của tổ chức Hội và hiệu quả kinh tế VAC; đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, giúp đỡ hội viên về kỹ thuật, cung ứng cây, con giống có chất lượng; xây dựng mô hình; tổ chức tham quan học tập; xây dựng thương hiệu sản phẩm; tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Tổ chức Hội tin tưởng: với sự lãnh đạo, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể các cấp; sự đoàn kết, cố gắng của cán bộ, hội viên tổ chức Hội Làm vườn thực sự làm nòng cốt trong phong trào phát triển kinh tế VAC, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Lê Hồng Sơn
(Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh)


  • Từ khóa