Thứ 6, 26/07/2024, 04:15[GMT+7]

Trạm Thú y Tiền Hải Góp phần duy trì ổn định và phát triển chăn nuôi

Thứ 3, 03/12/2013 | 08:29:52
1,199 lượt xem
Phát triển chăn nuôi là nhiệm vụ quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân của huyện Tiền Hải trong những năm qua. Đến nay, chăn nuôi huyện tiếp tục phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra.

Gia trại chăn nuôi lợn của ông Vũ Văn Nhi, thôn Hợp Phố, xã Nam Phú (Tiền Hải).

Tổng đàn lợn khoảng 158.230 con, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2012; đàn trâu, bò 8.029 con, giảm 0,9%; đàn gia cầm trên 1,1 triệu con, tăng 6,7%. Kinh tế trang trại, gia trại tiếp tục phát triển, toàn huyện có 393 trang trại và 1.654 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Góp phần duy trì ổn định và phát triển thành quả trên có sự nỗ lực khắc phục khó khăn của tập thể cán bộ Trạm Thú y Tiền Hải.

Chỉ cần bước vào khu làm việc của Trạm Thú y Tiền Hải đã cảm nhận được khó khăn của những cán bộ nơi đây. 5 con người làm việc tại 2 căn phòng chừng 30 m2 với trang thiết bị thô sơ đã cũ. Diện tích đã hẹp lại còn phải sử dụng làm “kho” chứa hơn 2 tạ hóa chất và đặt 2 tủ lạnh bảo quản vắc xin. Biên chế của Trạm có 5 người, trong đó 3 người là nữ, 1 người làm hợp đồng, điều này cũng cản trở không nhỏ trong công việc đòi hỏi phải lăn lộn, bám sát với cơ sở.

Ngoài ra, đội ngũ thú y cơ sở mỏng, trình độ chuyên môn còn hạn chế, chính sách đãi ngộ thấp..., trong khi tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Vượt lên trên những khó khăn, ngay từ đầu năm, Trạm Thú y huyện Tiền Hải đã tham mưu để huyện xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình thực tế đã kịp thời ban hành những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật, giám sát các biện pháp phòng dịch như: giám sát phát hiện và xử lý ổ dịch bệnh; tiêm phòng các loại vắc xin và tổ chức tiêu độc khử trùng... Trong việc giám sát dịch bệnh, định kỳ cán bộ kỹ thuật của Trạm cùng ban chăn nuôi thú y của xã đi lấy mẫu (mẫu máu, nước tiểu, phân...) kiểm tra, xét nghiệm làm cơ sở chẩn đoán mầm bệnh, ổ dịch để chủ động có biện pháp phòng, tránh dịch.

Cùng với đó, Trạm  Thú y huyện còn chủ động cung ứng kịp thời các loại vắc xin, vật tư, thiết bị, hóa chất, tăng cường cán bộ kiểm tra, hướng dẫn tại cơ sở, qua đó kịp thời nắm bắt nguyên nhân tồn tại để đề ra giải pháp hiệu quả. Theo ông Phạm Văn Mạnh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện, Tiền Hải đặc biệt coi trọng công tác tiêm phòng, coi đây là một trong những khâu then chốt, biện pháp cần thiết, quan trọng nhất trong việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Kết quả tiêm phòng đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, bảo đảm duy trì mức bảo hộ cho tổng đàn vật nuôi. Toàn huyện đã tiến hành 3 đợt tiêm phòng gồm: tiêm phòng đại trà vụ xuân hè vào tháng 3; tiêm phòng bổ sung từ tháng 5 đến tháng 8; tiêm phòng đại trà vụ thu đông tháng 9 và đầu tháng 10. Số liệu thống kê cho thấy, đã tiêm phòng: dịch tả lợn 151.864 con, tụ dấu lợn 59.254 con, phó thương hàn lợn 48.930 con, lở mồm long móng 79.050 con, tụ huyết trùng trâu, bò 2.620 con; vắc xin dại 7.280 con.

Việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật khác như công tác tuyên truyền, vận động, vệ sinh tiêu độc khử trùng, theo dõi và giám sát dịch bệnh,.... được xem trọng. Trạm phối hợp với các địa phương sử dụng 323 kg hóa chất và 21.245 kg vôi bột tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng đồng loạt tại 35/35 xã, thị trấn.

Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ được tăng cường và thực hiện đúng quy trình nhằm góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.  Hết tháng 10, phát hiện, xử lý tiêu hủy 810 con gia cầm không rõ nguồn gốc và xử phạt vi phạm hành chính 2 hộ kinh doanh vận chuyển lợn và gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ thú y cơ sở, kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi, Trạm Thú y huyện đã phối hợp tổ chức 8 cuộc họp và tập huấn cho lực lượng thú y xã; 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành cho ban chăn nuôi thú y xã; 2 lớp cho các chủ buôn bán, giết mổ và các hộ chăn nuôi. Nhìn chung, tình hình dịch bệnh đã được khống chế, một số điểm phát sinh được xử lý nhanh gọn trong diện hẹp, không để lây lan, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.

 Từ nay đến cuối năm, thời gian còn rất ngắn, song lại là thời điểm quan trọng, nguy cơ dịch bệnh lớn vì thời tiết chuyển lạnh và thay đổi thất thường; tình trạng nhập lậu, vận chuyển gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp; nhu cầu tiêu thụ thực phẩm dịp Tết tăng cao... Trong thời gian tới, Trạm Thú y huyện tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đề phòng dịch bệnh tái phát.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức tốt việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm nuôi mới và tiêm sót ở đợt đại trà. Thực hiện tốt “Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng” theo kế hoạch của huyện từ ngày 25/11 - 25/12, đẩy mạnh việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn huyện, đặc biệt chú trọng đến những vùng, xã giáp với các huyện khác, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của nhà nước trong lĩnh vực thú y.

Để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn, cùng với đề nghị các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện hơn nữa về cơ sở vật chất, Trạm Thú y huyện đề nghị, khuyến cáo các địa phương, hộ chăn nuôi phải thường xuyên quan tâm, làm tốt công tác thú y, góp phần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Phan Anh

  • Từ khóa