Chủ nhật, 28/07/2024, 11:21[GMT+7]

Ghi nhận công tác phòng chống dịch cho đàn gia súc ở Kiến Xương

Thứ 4, 04/12/2013 | 08:53:59
944 lượt xem
Mặc dù thời điểm đầu năm 2013, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của huyện Kiến Xương diễn ra khá phức tạp. Tuy nhiên xác định phát triển chăn nuôi là nhiệm vụ quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Kiến Xương đã chỉ đạo Trạm Thú y vào cuộc kịp thời và nghiêm túc, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, nhanh chóng khống chế và kiểm soát dịch bệnh, giảm thiệt hại về kinh tế. Đến nay, hơn 116.828 con gia súc và 844.235 con gia cầm trong toàn huyện phát triể

Nhờ làm tốt công tác phòng dịch, đàn lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Cảnh, thôn 3, xã Vũ Hòa bảo đảm an toàn và phát triển tốt.

Trở lại Vũ Hòa, xã duy nhất của huyện Kiến Xương từng xảy ra dịch tai xanh, ông Vũ Văn Ba, Trưởng ban chăn nuôi thú y xã cho biết: Nhờ sự vào cuộc kịp thời của Trạm Thú y huyện, xã và ý thức phối hợp phòng, chống dịch của người dân, dịch tai xanh nhanh chóng được khống chế và dập tắt. Đến thời điểm này, đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt, xã hiện có trên 20 mô hình trang trại và gia trại với hơn 2.000 con gia súc.

Nhiều gia đình chăn nuôi số lượng lớn với trên 50 con lợn và hàng trăm con vịt, ngan, gà. Quang Bình là địa phương giáp với vùng dịch, nhờ chủ động làm tốt công tác phòng dịch nên đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt. Chị Đinh Thị Dung, Trưởng ban chăn nuôi thú y xã Quang Bình cho biết: UBND xã luôn đề cao công tác phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Cán bộ trong ban thú y  bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình, tuyên truyền tới từng hộ chăn nuôi để chủ động các phương án phòng dịch. Đến nay, Quang Bình phát triển được trên 3.000 con gia súc và trên 14.000 con gia cầm.

Ông Nguyễn Minh Vượng, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Kiến Xương cho biết: Trạm xác định công tác tiêm phòng dịch là yếu tố quan trọng, quyết định đến việc bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm. Để thực hiện tốt công tác phòng dịch, tiến hành tiêm đủ, đúng đối tượng, tránh lãng phí vắc xin, Trạm  tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản, mở cuộc họp chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện kiểm tra, thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm; phân loại đối tượng và xây dựng kế hoạch tiêm phòng cụ thể cho từng đợt. Bên cạnh đó, Trạm thường xuyên phối hợp với Đài Truyền thanh huyện đăng tải, phát sóng các tin, bài tuyên truyền về tầm quan trọng của việc tiêm phòng dịch, biện pháp ngăn dịch, bảo vệ vật nuôi.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, chế phẩm sinh học… trên địa bàn toàn huyện; đề nghị với Chi cục Thú y tỉnh cấp giấy chứng nhận cho các cửa hàng đủ điều kiện kinh doanh. Ngay sau khi có báo cáo cụ thể của các đơn vị về số lượng, thời gian tổ chức tiêm phòng, Trạm chủ động cử cán bộ phụ trách xuống cơ sở phối hợp với cán bộ thú y cơ sở tổ chức thực hiện. Kết quả tiêm vắc xin vụ xuân hè và thu đông năm 2013, toàn huyện đã tiêm 245.388 liều vắc xin cho đàn lợn, gồm 119.697 liều vắc xin dịch tả, 73.563 liều vắc xin tụ dấu, 52.128 liều vắc xin phó thương hàn. Ngoài ra, các địa phương còn tiêm 47.887 liều vắc xin lở mồm long móng, trong đó 42.348 liều cho đàn lợn nái và 5.539  liều đối với đàn trâu bò.

Hưởng ứng chiến dịch vệ sinh tiêu độc (VSTĐ) khử trùng, ngoài lượng hóa chất được hỗ trợ, Trạm còn huy động nguồn hóa chất dự trữ thực hiện 1 - 2 đợt VSTĐ khử trùng tại các ổ dịch cũ, chợ buôn bán, nơi giết mổ gia súc…; các trang trại thực hiện tiêu độc thường xuyên, trung bình 3 - 4 lần/tháng. Nhiều địa phương thực hiện phun khử trùng tiêu độc lớn như: Bình Thanh, Vũ Công, Vũ Bình, Quốc Tuấn…Đến nay, tổng diện tích thực hiện vệ sinh, phun khử trùng trong chiến dịch đạt khoảng 8 triệu m2.

Thời gian tới, Trạm tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường tiêm phòng và chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa đông, phấn đấu để  huyện trở thành huyện an toàn dịch bệnh. Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của cán bộ thú y huyện, xã cần sự phối hợp của mỗi người dân.

Thùy Linh

  • Từ khóa