Chủ nhật, 28/07/2024, 11:38[GMT+7]

An Bồi Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại

Thứ 5, 05/12/2013 | 09:23:24
2,204 lượt xem
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, những năm qua nhiều hộ nông dân xã An Bồi (Kiến Xương) đã mạnh dạn đầu tư cải tạo vùng đất chua trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại, gia trại.

Chị Trần Thúy Hiền, thôn Tân Hưng, xã An Bồi (Kiến Xương) chăm sóc cá nuôi tại gia trại.

Ngay sau khi xã có chủ trương chuyển đổi vùng sản xuất, nhiều hộ gia đình đã xây dựng các mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Giá trị sản xuất từ chăn nuôi toàn xã năm 2012 đạt 35 tỷ đồng.

An Bồi là xã thuần nông của huyện Kiến Xương, sau dồn điền, đổi thửa UBND xã đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch chuyển đổi 15ha đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, gia trại tổng hợp. Hiện nay, toàn xã có gần 30 hộ tham gia phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại tại 3 vùng chuyển đổi thuộc các thôn An Đông, An Đoài và Tân Hưng. Tại các vùng chuyển đổi, nhiều hộ đã áp dụng thành công các mô hình nuôi thủy sản kết hợp nuôi gia súc, gia cầm, trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, các hộ còn mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ vào sản xuất như: chuối tiêu hồng, ổi Hải Dương, mít Thái Lan, bưởi da xanh…

Theo sự giới thiệu của anh Trần Văn Phúc, cán bộ văn phòng UBND xã, chúng tôi đến thăm gia trại của gia đình chị Trần Thúy Hiền, thôn Tân Hưng, là một trong những hộ gia đình đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập ổn định và đạt hiệu quả kinh tế cao. Khu gia trại được bố trí khoa học giữa vườn cây, ao cá, chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường.

Để có được cơ ngơi như hiện nay, năm 2009 khi xã có chủ trương khuyến khích chuyển đổi những diện tích đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, gia đình chị đã mạnh dạn đấu thầu gần 2 mẫu đất chua, trũng đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ban đầu do còn khó khăn về vốn, gia đình chị thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, cứ sau khi thu hoạch có lãi gia đình chị lại tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại, cải tạo ao, trồng cây ăn quả để giữ vững bờ ao.

Sau 4 năm bền bỉ kiên trì, không ngại khó khăn vất vả, đến nay gia đình chị đã có một gia trại chăn nuôi khép kín với hơn 1 mẫu ao, 5 chuồng trại rộng hàng trăm m2, trong chuồng thường xuyên nuôi hơn 400 gà đẻ, hơn 2.000 vịt đẻ, vịt sáo, gà thịt, đàn lợn luôn duy trì 50 con… Trên bờ ao, gia đình chị trồng nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như chuối tiêu hồng, ổi Hải Dương, nhãn lồng Hưng Yên…

Hiện nay, từ mô hình chăn nuôi thủy sản kết hợp với gia súc, gia cầm cho gia đình chị thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm. Khi được hỏi về kinh nghiệm chăn nuôi để đàn gia súc, gia cầm luôn khỏe mạnh, chị Hiền vui vẻ cho biết: “Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống bởi con giống có khỏe mạnh thì mới có sức đề kháng bệnh tật và phát triển tốt.

Ngoài ra, cần chú ý phòng chống dịch bệnh, giữ chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Về mùa hè nên nuôi với mật độ ít, mùa đông có thể nuôi với mật độ cao hơn; thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại và tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi. Ngoài thức ăn công nghiệp, cần bổ sung thêm một lượng tinh bột để tăng cường sức đề kháng dịch bệnh”. 

Đánh giá về hiệu quả kinh tế của các mô hình trang trại, gia trại trong vùng chuyển đổi, ông Dương Xuân Thanh, Chủ tịch UBND xã An Bồi cho biết: “Qua 4 năm triển khai kế hoạch chuyển đổi vùng sản xuất, đến nay toàn xã đã chuyển đổi được 15 ha đất chua, trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, gia trại. Toàn xã hiện đã xây dựng và phát triển được 2 trang trại và 26 gia trại, mặc dù chăn nuôi đang trong giai đoạn khó khăn nhưng đàn gia súc, gia cầm của xã luôn được duy trì ổn định và có xu hướng phát triển, mở rộng cả về số lượng và chất lượng.

Phát triển chăn nuôi không chỉ giúp ổn định việc làm cho người nông dân, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi, cải thiện bữa ăn hàng ngày cho người dân. Để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình này, hàng năm xã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nhằm giúp các hộ gia đình ứng dụng khoa học kỹ thuật một cách có hiệu quả vào chăn nuôi và trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.”

Thời gian tới, UBND xã An Bồi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung phát triển kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung, khép kín theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp; phát triển đa dạng các cây ăn quả, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập cho nông dân trong xã.

Phạm Hưng

  • Từ khóa