Chủ nhật, 28/07/2024, 11:33[GMT+7]

Hội làm vườn huyện Thái Thụy “ bà đỡ” giúp hội viên phát triển kinh tế

Thứ 6, 06/12/2013 | 07:59:04
1,211 lượt xem
Thái Thụy là huyện có phong trào phát triển kinh tế VAC mạnh của tỉnh. Thời gian qua, Hội Làm vườn (HLV) huyện đã tích cực hỗ trợ hội viên về vốn, giống, khoa học kỹ thuật để đầu tư cải tạo vườn tạp, xây dựng các mô hình VAC tổng hợp góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Anh Trịnh Tiến Mạnh - điển hình làm kinh tế VAC ở xã Thụy Duyên (Thái Thụy).

Ông Phạm Hữu Thoại, Chủ tịch HLV huyện Thái Thụy cho biết: Phát huy vai trò “bà đỡ” hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, hàng năm HLV các cấp ở Thái Thụy đều tổ chức các lớp tập huấn KHKT, nâng cao kiến thức làm kinh tế VAC cho hội viên. Từ năm 2008 đến nay, toàn huyện đã tổ chức 820 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho trên 16.300 lượt hội viên tham gia.

Nội dung tập huấn tập trung phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm: thâm canh các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, chăn nuôi và cách phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản, sử dụng phân bón đúng cách. HLV huyện cũng phối hợp với Trung ương Hội, Trường Cao đẳng Thủy sản tổ chức 19 lớp dạy nghề nuôi trồng thủy sản cho gần 1.000 học viên trong thời gian 3 tháng. Tiếp nhận và thực hiện có hiệu quả Dự án chăn nuôi an toàn sinh học tại HLV xã Thụy Hưng, mô hình trồng chuối tiêu hồng tại 10 hộ với 3.000 cây giống của HLV xã Thụy Duyên, trồng cây thanh long ruột tím của HLV xã Thái Thọ.

Bên cạnh đó, các cơ sở hội còn tổ chức cho hội viên đi tham quan, học kinh nghiệm các mô hình sản xuất tiêu biểu ở trong và ngoài tỉnh. Để giúp các hội viên chủ động trong sản xuất kinh doanh, trung bình mỗi năm BCH Hội cùng với Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ hội viên mua từ 600 - 700 tấn phân bón theo phương thức trả chậm và tín chấp với ngân hàng vay vốn phát triển sản xuất với số dư đến nay 25,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ sở hội còn phát động cho hội viên thường xuyên hỗ trợ nhau về kinh nghiệm sản xuất, cho những gia đình khó khăn vay không lấy lãi với tổng số tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, 120 tấn thóc, 4.200 ngày công, bán trả chậm 250 vạn cá, tôm giống và nhiều loại gia súc, gia cầm, hàng vạn cây giống đến khi thu hoạch mới trả tiền.

Từ sự hỗ trợ của tổ chức hội, các hội viên đã tích cực ứng dụng các tiến bộ KHKT, đầu tư công sức, tiền của mở rộng diện tích  trồng cây màu, cây vụ đông; cải tạo vườn tạp đưa vào thâm canh các loại cây hòe, mây, cây ăn quả… 5 năm qua, Thái Thụy đã trồng trên 35.000 cây thanh long, hòe, vải, nhãn, ổi, cây bóng mát… không chỉ tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp mà còn tăng thu nhập cho các gia đình. Riêng hòe, đến nay toàn huyện có trên 1 triệu cây được trồng ở cả 48 xã, thị trấn (nhiều nhất tỉnh) đã giúp cho nhiều gia đình mỗi tháng có nguồn thu nhập từ vài trăm nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng.

Cùng với đó, chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư giảm dần, chăn nuôi quy mô lớn được mở rộng. Thái Thụy hiện có 103 trang trại chăn nuôi, trong đó 8 trang trại chăn nuôi quy mô lớn theo phương thức công nghiệp. 13 xã quy hoạch được khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư diện tích 157,79 ha. Từ năm 2008 đến nay, toàn Hội đã phát động cho hội viên đăng ký xây dựng được 96 mô hình VAC điểm. Những diện tích vườn-ao-chuồng sau khi cải tạo nuôi trồng nhiều loại cây, nuôi con có giá trị kinh tế cao.

Điển hình như vợ chồng anh Nguyễn Văn Kình (xã Thái Thọ), trước đây chỉ là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Tham gia tổ chức HLV, được tham dự các lớp tập huấn KHKT, trao đổi kinh nghiệm làm giàu, vay vốn từ các tổ chức tín dụng do Hội tín chấp, năm 2005 anh mạnh dạn đấu thầu 28.000m2 đất vùng cấy lúa kém hiệu quả của xã chuyển đổi xây dựng mô hình vườn-ao-chuồng. Lấy ngắn nuôi dài, lãi đến đâu mở rộng quy mô sản xuất đến đó, đến nay anh đã xây dựng được 5 ô chuồng với diện tích 3.750 m2 nuôi 2.500 lợn thương phẩm; trung bình mỗi năm xuất chuồng 2 lứa với sản lượng 550 tấn thịt hơi. Diện tích còn lại anh đào ao nuôi cá trắm, vược, trôi, mè, rô phi đơn tính… mỗi năm thu 6 - 7 tấn cá. Trang trại được đầu tư sản xuất theo mô hình khép kín với 10 bể bioga xử lý chất thải trong chăn nuôi, kết hợp trồng cây ăn quả xung quanh vừa tăng thu nhập, bảo đảm môi trường.

Với mô hình VAC tổng hợp như vậy, mỗi năm anh Kình thu nhập 650 triệu đồng, tạo việc làm cho 8 - 10 lao động với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Chung ý chí làm giàu giống như anh Kình, anh Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HLV xã Thụy Duyên đã tích cực vận động hội viên xây dựng 21 mô hình phát triển kinh tế. Bản thân anh đã đi đầu chuyển đổi 2 ha ở vùng cánh đồng chua, trũng  đào ao nuôi ba ba, cá vược, trắm đen, trắm cỏ…, xây 15 ô chuồng nuôi cá sấu, kỳ đà, nhím bờm kết hợp trồng cây cảnh, ươm giống cây với tổng vốn đầu tư ban đầu 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, anh còn cung cấp con giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho 150 hộ gia đình chăn nuôi cá sấu vệ tinh. Hiện tại, Công ty CP Vương Thảo do anh làm giám đốc đang tạo việc làm cho 15 lao động với mức lương 2,5 - 5 triệu đồng/người/tháng, mỗi năm thu từ 200 - 300 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Hay như mô hình của anh Lâm Văn Lâm ở thôn Đông Đoài (xã Thụy Quỳnh), với 600 m2 anh đã đầu tư nuôi gần 2.000 vịt đẻ và vịt thịt, 400 con gà đẻ, mua 4 máy ấp trứng phục vụ con giống cho bà con trong vùng đồng thời nuôi 10 con trâu sinh sản… mỗi năm cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Với những kết quả đã đạt được, HLV các cấp ở Thái Thụy thực sự tạo được niềm tin và là chỗ dựa tin cậy cho hội viên. 5 năm qua, Hội đã thu hút thêm 865 hội viên tham gia sinh hoạt, nâng tổng số hội viên toàn huyện lên gần 6.000 người. Nhiều năm liền, HLV Thái Thụy được HLV tỉnh xếp loại vững mạnh và được UBND tỉnh, Trung ương Hội tặng bằng khen.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa