Chủ nhật, 28/07/2024, 11:35[GMT+7]

Giảm nghèo từ xuất khẩu lao động

Thứ 2, 16/12/2013 | 09:19:48
1,046 lượt xem
Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang là một trong những chương trình trọng điểm của quốc gia, giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của các địa phương. Đối với một tỉnh đất chật, người đông, sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu như Thái Bình thì XKLĐ cũng được coi là “chìa khóa” hữu hiệu nhằm giải quyết việc làm và giảm nghèo.

Lớp đào tạo tiếng Nhật dự nguồn XKLĐ do Trung tâm Giới thiệu việc làm Thái Bình phối hợp với Công ty TNHH Hợp tác lao động và thương mại Thái Bình tổ chức.

Theo thống kê của Sở Lao động - TBXH, từ năm 2009 đến nay toàn tỉnh đã đưa trên 11.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Bình quân mỗi năm người đi XKLĐ gửi về địa phương qua hệ thống ngân hàng từ 1.000 - 1.600 tỷ đồng. Đây là nguồn tài chính quan trọng góp phần nâng cao đời sống của nhiều gia đình, đặc biệt là hộ nghèo, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

“Xã xuất ngoại” là cái tên mà nhiều người đặt cho Vũ Hội (Vũ Thư), bởi trong xã hầu như gia đình nào cũng có người đi XKLĐ. Gia đình anh Vũ Đức Hằng và chị Vũ Thị Thơm (thôn Trung Lập) trước đây chỉ sống bằng mấy sào ruộng khoán nên quanh năm thiếu thốn. Thấy nhiều người đi XKLĐ mà xóa được nghèo, anh Hằng đồng ý cho chị Thơm đi làm giúp việc gia đình tại Đài Loan. Hôm chúng tôi đến chị Thơm vừa xuất ngoại lần thứ 3 được hơn một tháng. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mái bằng khang trang, đầy đủ tiện nghi, anh Hằng cho biết: “3 năm đầu vợ đi XKLĐ số tiền gửi về tôi trả được hết nợ, phần còn lại dùng để sửa nhà, xây mới công trình phụ, lo cho 2 con học đại học và cao đẳng. Những năm sau tôi dùng tiền vợ gửi về mua 1 máy tuốt lúa, 2 máy cày cỡ nhỏ để phục vụ bà con, trừ tiền thuê 2 nhân công và tiền dầu mỡ một năm tôi thu được hơn 20 triệu đồng”. Cuộc sống của gia đình anh Hằng vì thế mà khấm khá lên.

Ở Vũ Hội, những gia đình xây được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt như gia đình anh Hằng, chị Thơm không hiếm. Ở nhiều xã khác cũng vậy, gia đình nào có người đi XKLĐ là đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng lên. Đây thực sự là một hướng đi hiệu quả làm thay đổi đời sống nhân dân cũng như diện mạo nông thôn ở các vùng quê. Đồng chí Nguyễn Ngọc Nhãn, Chủ tịch UBND xã Vũ Hội cho chúng tôi biết: Mỗi năm, Vũ Hội có hàng nghìn người đi XKLĐ, thu nhập từ 150 - 180 triệu đồng/người/năm. Hầu hết các gia đình đều tận dụng số tiền đó để xây nhà cửa, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển nghề truyền thống và nuôi dạy con cái. Giai đoạn 2005 - 2010, thu nhập bình quân đầu người toàn xã chỉ ở con số khiêm tốn từ 9 - 11 triệu đồng nhưng đến nay đã tăng lên 24 triệu đồng; 100% số hộ được sử dụng nước sạch, nhà xí hợp vệ sinh; cả xã không còn nhà cấp 4. Trong khi nhiều xã khác phải vất vả lắm mới giảm được tỷ lệ hộ nghèo xuống 3% thì Vũ Hội không tốn nhiều công sức mà tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,87%. Nhân dân tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới, đến nay Vũ Hội đã hoàn thành 15/19 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành 4 tiêu chí còn lại.

Chương trình XKLĐ được triển khai sâu rộng thì người nghèo càng có thêm nhiều cơ hội thoát nghèo nhanh và bền vững. Nhưng để người nghèo có đủ vốn tham gia XKLĐ rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía cấp ủy, chính quyền địa phương. Người đi XKLĐ của Vũ Hội luôn đông nhất tỉnh nhưng không gặp rủi ro như nhiều địa phương khác một mặt là do được trả lương cao mặt khác được UBND xã phối hợp với Quỹ Tín dụng nhân dân tạo điều kiện cho mỗi người vay 80 triệu đồng, khi về nước mới phải hoàn vốn và phối hợp với Sở Lao động - TBXH, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các công ty có uy tín về XKLĐ mở nhiều hội nghị tư vấn, hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục, chọn thị trường cho hàng nghìn lượt người.

Thái Bình hiện là tỉnh có số lượng người tham gia XKLĐ đứng thứ 5 trong cả nước. Nhưng thị trường XKLĐ ngoài nước, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc đang chuyển dần sang nguồn lao động có chất lượng, có trình độ, tay nghề, sống và làm việc có ý thức, kỷ luật cao. Để người lao động Thái Bình đáp ứng được nhu cầu đó, việc đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cần được quan tâm đúng mức và đặt lên hàng đầu. Là một đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, giới thiệu việc làm, năm 2013, Trung tâm Giới thiệu việc làm Thái Bình đã tư vấn lao động ngoài nước cho 3.180 người, tổ chức 7 lớp dạy ngoại ngữ và giáo dục định hướng về văn hóa, phong tục tập quán nước sở tại, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật… cho 250 người; phối hợp với các đơn vị có chức năng XKLĐ tổ chức hơn 70 lớp học nghề ngắn hạn, học tiếng Hàn và tiếng Nhật cho trên 2.500 học viên.

Giám đốc Trung tâm Nguyễn Duy Thanh cho biết: Trong bối cảnh thị trường XKLĐ đang có nhiều biến động, năm 2014 Trung tâm sẽ chú trọng khai thác các thị trường có công việc ổn định, thu nhập cao, đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ lựa chọn thị trường lao động phù hợp, hướng dẫn làm hồ sơ, tiếp tục tổ chức đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người tham gia XKLĐ, phấn đấu đưa trên 3.000 lao động đi xuất khẩu an toàn.

Những lợi ích thiết thực do XKLĐ mang lại đang khiến nhiều người nghèo ở quê lúa quyết tâm đổi đời bằng cách vươn ra nước ngoài làm việc. Vì vậy, XKLĐ đang là một trong những giải pháp quan trọng để Thái Bình giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao trình độ tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn.

Thu Hiền

 

  • Từ khóa