Thứ 3, 30/07/2024, 01:20[GMT+7]

Vũ Thư Phát triển kinh tế tư nhân

Thứ 2, 27/09/2010 | 14:23:39
1,917 lượt xem
Hơn 7 năm qua, huyện Vũ Thư đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết 14-NQ/T.Ư của Ban chấp hành trung ương Đảng về “tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 14 được thành lập từ huyện đến cơ sở, xây dựng, triển khai chương trình hành động cụ thể đến mọi tầng lớp nhân dân.

Nghề thêu truyền thống ở Minh Lãng Vũ Thư vẫn được phát triển đem lại thu nhập cao cho người lao động.

Sau khi lập quy hoạch, các ngành chức năng của huyện đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện đầu tư của các doanh nghiệp, các cơ sở tại các cụm, điểm công nghiệp làng nghề giai đoạn 2006-2010. Phòng Công Thương thường xuyên khảo sát điều tra nắm tình hình phát triển kinh tế tư nhân tại các xã, thị trấn để UBND huyện có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ sở sản xuất phát triển.

Ban chỉ đạo tổ chức cho các hộ sản xuất kinh doanh ở một số xã đi thăm quan học tập kinh nghiệm phát triển nghề và du nhập nghề mới như làm đệm ghế cói, đan mây tre... Huyện cũng đã triển khai lựa chọn các dự án đào tạo lao động, chuyển giao công nghệ có tính khả thi cao để xây dựng kế hoạch xin hỗ trợ nguồn vốn khuyến công của tỉnh phát triển TTCN. Cùng với Trung tâm khuyến công - tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) tổ chức các lớp học dành cho chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở như lớp khởi sự doanh nghiệp, nghiệp vụ kế toán, Marketing...

Đặc biệt, Vũ Thư luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, cơ sở về đầu tư. UBND huyện thực hiện tốt quy chế một cửa, một cửa liên thông từ huyện đến cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân làm thủ tục đăng ký sản xuất kinh doanh. Huyện ủy ban hành Nghị quyết 30 (khóa 7) về phát triển hệ thống chợ nông thôn, Nghị quyết 01 (BCH Đảng bộ huyện khóa 8) về phát triển CN-TTCN, nghề và làng nghề. Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo quy hoạch các điểm CN làng nghề tại Việt Thuận, Phúc Thành, Nguyên Xá, Vũ Hội...

Hiện hàng chục cơ sở đang xúc tiến xây dựng nhà xưởng chuẩn bị đi vào sản xuất. Các tổ chức cơ sở đảng 30 xã, thị trấn cũng đã căn cứ vào nội dung chương trình hành động của huyện để xây dựng chương trình hành động đưa xuống các chi bộ thảo luận và triển khai toàn đảng bộ.

Kết quả: hàng năm, số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tăng năm sau cao hơn năm trước: Năm 2005 có 18.011 cơ sở, trong đó có 33 doanh nghiệp, 29.955 lao động. Năm 2008 có 24.107 cơ sở, 37.288 lao động, trong đó 51 doanh nghiệp. Hiện nay huyện có gần 25.000 cơ sở, trong đó 54 công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân. Nguồn vốn chủ yếu là nguồn vốn tự có, vốn vay tín dụng và vốn huy động đóng góp của các cổ đông, vốn liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh.

Tổng số vốn của các doanh nghiệp năm 2009 ước đạt gần 200 tỷ đồng. Hơn 7 năm qua, bằng nguồn vốn khuyến công, huyện hỗ trợ 42 dự án, số tiền gần 1,3 tỷ đồng, thực hiện đào tạo 3.950 lao động. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng đầu tư cho vay hàng chục tỷ đồng vào khu vực kinh tế tư nhân. Toàn huyện Vũ Thư có 65 đơn vị hoạt động lĩnh vực thương mại  dịch vụ. Huyện ủy, UBND huyện đã tổ chức các đoàn đi xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư tìm hiểu thị trường trong và ngoài nước.

Năm 2009, giá trị sản xuất CN - TTCN Vũ Thư đạt 554,3 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân với giá trị sản xuất đạt 158,45 tỷ đồng, chiếm 29,5% giá trị sản xuất toàn ngành. Nhiều loại hàng hóa có số lượng tăng khá cao như sản xuất vật liệu xây dựng tăng 21,2%, dệt may tăng 39,4%, chế biến lâm sản tăng 31,6%. 

Hoạt động của các DN sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ cũng có bước chuyển biến tích cực, hàng hóa trên thị trường phong phú đa dạng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất. Tổng mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ năm 2009 đạt 398 tỷ đồng, tăng 14,5% so năm 2008. Các sản phẩm truyền thống như: Thêu, may mặc, mây tre đan, hàng thủ công mỹ nghệ của khu vực 30 làng nghề vẫn giữ được thị trường tại các nước EU, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp vượt lên khó khăn, thu hút lao động, sản xuất kinh doanh phát triển khá như doanh nghiệp thêu Mỹ Long, Tuấn Dương, công ty Đức Nam...

Kinh tế tư nhân trên địa bàn huyện có chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, hầu hết là quy mô nhỏ, vốn tự có không lớn. Trình độ kỹ thuật công nghệ, quản lý doanh nghiệp thấp. Doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản có rất ít, nhỏ bé nên chưa khai thác hết tiềm năng sản phẩm nông sản hàng năm. Sức cạnh tranh của các đơn vị sản xuất kinh doanh còn hạn chế, thu nhập của người lao động thấp, đóng góp ngân sách với Nhà nước chưa tương xứng với tốc độ tăng giá trị sản xuất.

Đội ngũ cán bộ quản lý phần đông xuất thân từ nông nghiệp, đào tạo không cơ bản. Các thành phần kinh tế tư nhân trong huyện còn thiếu kiến thức pháp luật, kinh tế, thông tin thị trường, nhất là ngoại ngữ; khả năng giao tiếp, đàm phán trực tiếp với đối tác nước ngoài còn yếu. Một số hộ kinh doanh chạy theo lợi nhuận, trốn lậu thuế, chưa thực hiện đúng chế độ thống kê kế toán, chưa thực hiện tốt Luật lao động.

Các tổ chức, doanh nghiệp cùng ngành nghề chưa tạo ra sự liên doanh liên kết cùng nhau hợp tác phát triển, còn biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh. Kinh tế hộ gia đình có nhiều tiến bộ, nhưng  năng lực còn hạn chế, sản xuất manh mún, phân tán. Thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, giá cả thất thường cũng là một nguyên nhân chủ yếu chưa kích thích sản xuất phát triển.

Vũ Thư chủ trương năm 2010 thành lập Hội doanh nghiệp huyện, phát triển thêm 5-7 doanh nghiệp đi đôi với mở rộng phát triển làng nghề, xã nghề tạo việc làm cho 4000 lao động. Huyện tiếp tục giải quyết mặt bằng các dự án ở cụm công nghiệp đã quy hoạch để thu hút đầu tư. Huyện tạo hành lang pháp lý tốt nhất để các doanh nghiệp, cơ sở tư nhân trong làng nghề phát triển, tăng cường công tác quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

Thu Hương

 

  • Từ khóa