Thứ 3, 02/07/2024, 14:07[GMT+7]

Chăn nuôi ở Quỳnh Phụ Phát triển theo hướng trang trại, gia trại

Thứ 6, 20/12/2013 | 16:02:49
1,201 lượt xem
Nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, những năm gần đây, huyện Quỳnh Phụ đã chú trọng phát triển các trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp. Nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư công sức, tiền của, biến vùng đất hoang thành những trang trại trù phú, đem lại thu nhập cao, cuộc sống ổn định...

Trang trại nuôi gà trên cát của gia đình anh Hoàng Công Tính xã Quỳnh Lâm mỗi năm mang lại lợi nhuận trên 500 triệu đồng.

 

Về Quỳnh Phụ hôm nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước một diện mạo mới của mảnh đất thuần nông, với những ngôi nhà kiên cố hai, ba tầng mọc lên nhanh chóng, nhiều nông dân đã thoát nghèo vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương bằng đôi bàn tay lao động cần cù, chịu khó. Nếu như trước đây, kinh tế nông nghiệp với việc độc canh cây lúa, thì nay giá trị sản xuất chăn nuôi đã chiếm tỷ trọng gần 36%. Chăn nuôi từ quy mô nhỏ lẻ đã chuyển dần sang tập trung theo hướng hàng hóa, trang trại, gia trại lần lượt ra đời và ngày càng được nhân rộng. Toàn huyện hiện có gần 9.400 con trâu bò, 154.500 con lợn, gần 1,5 triệu con gia cầm, với 1.540 gia trại, 176 trang trại, trong đó 29 trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

 

Nhiều địa phương có phong trào chăn nuôi tập trung phát triển và quy thành vùng sản xuất hàng hóa, như vùng nuôi lợn nái ngoại xã: Quỳnh Minh, Quỳnh Hải, Quỳnh Hoa, An Tràng, Quỳnh Hội; vùng nuôi gia cầm: Quỳnh Sơn, Quỳnh Khê, Quỳnh Châu; vùng nuôi trồng thủy sản: An Thanh, An Mỹ, An Ninh. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện khẳng định: Phát triển kinh tế trang trại, gia trại là hướng đi phù hợp với địa phương, qua những mô hình kinh tế trang trại, gia trại đã đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, giúp nhiều nông dân vươn lên làm giàu, đồng thời tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hiện nay, nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp trên địa bàn đang chứng tỏ hiệu quả kinh tế vượt trội, không chỉ làm giàu cho gia đình mà các mô hình này còn tạo việc làm cho lao động nông thôn.

 

 

Trang trại gà ri trên cát của anh Hoàng Công Tính, xã Quỳnh Lâm được quy hoạch ngăn nắp, xa khu dân cư, mang lại nguồn thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng/năm; đồng thời tạo việc làm cho 4 lao động địa phương. Anh Tính cho biết: “Ngay khi xây dựng trang trại năm 2007, tôi đã xác định phải làm tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, đầu tư một cách có hệ thống thì mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy tôi quy hoạch hệ thống chuồng trại, với 13 ô, tất cả mọi công đoạn từ nước uống, thức ăn… đều được khép kín, tự động. Loại gà anh lựa chọn nuôi là gà ri và nuôi trên cát, bởi nuôi gà trên cát sẽ hạn chế được dịch bệnh, nhất là bệnh cầu trùng về mùa mưa.

 

Hơn nữa, việc vệ sinh phân gà cũng thuận lợi hơn. Bởi, phân gà thải ra cát hút hết nước không gây mất vệ sinh, cuối ngày chỉ cần quét và hót lượt cát trên mặt. Lượng phân cát này được tận dụng ủ mục để làm phân bón cho ngô và rau màu các loại. Gần 7 năm qua, trang trại của gia đình không bị thiệt hại về dịch bệnh. Quy mô ngày càng được mở rộng, từ 2.000 con năm 2007 đến nay đã lên trên 7.000 con”.

 

Còn anh Nguyễn Ðắc Du, xã An Ninh lại làm giàu từ trang trại VAC. Năm 2002, sau khi xã có chủ trương cho nông dân đấu thầu vùng đất úng trũng, cấy lúa kém hiệu quả chuyển sang nuôi trồng thủy sản, vợ chồng anh đã mạnh dạn nhận thầu hơn 3ha. Anh chia sẻ: “Những ngày đầu bắt tay vào công việc, vợ chồng tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn, như thiếu vốn, kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật, dịch bệnh liên tiếp xảy ra...”.

 

Chỉ với trên 10 triệu đồng từ nguồn tiền tiết kiệm của gia đình và thế chấp sổ đỏ, vợ chồng anh Sơn đã quy hoạch đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Nhưng số tiền đó chẳng đáng là bao so với chi phí cần dùng. Anh đành tính lấy ngắn nuôi dài, từng bước nhân rộng mô hình. Năm đầu tiên tập trung vào nuôi lợn nái, lợn thịt và thả các loại cá truyền thống. Ðược đồng lãi nào lại trả nợ và tiếp tục đầu tư vào sản xuất. Hiện tại, anh nuôi 50 con lợn nái ngoại siêu nạc, gần 500 lợn thịt và 2 ao thả các loại cá truyền thống. Mặc dù quy mô chưa thực sự lớn nhưng mỗi năm, trang trại cũng mang lại cho gia đình anh khoản lợi nhuận trên 300 triệu đồng.

 

Tuy nhiên, phát triển kinh tế trang trại, gia trại của Quỳnh Phụ cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn như: phần lớn các trang trại, gia trại chăn nuôi vẫn nằm xen kẽ trong các khu dân cư, ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường; khó khăn về quỹ đất để mở rộng chuồng trại, phát triển sản xuất. Trình độ quản lý kinh tế, kiến thức khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh của các chủ trang trại chủ yếu là theo kinh nghiệm nên khi dịch bệnh xảy ra lúng túng trong xử lý. Hạ tầng cơ sở, con giống sạch bệnh, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa luôn là bài toán khó đối với các chủ trang trại. Sản phẩm làm ra vẫn phụ thuộc vào tư thương, chưa xây dựng được thương hiệu, nên sản xuất chưa mang tính bền vững. Vì vậy, để kinh tế trang trại, gia trại trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của Quỳnh Phụ, thời gian tới huyện cần tiếp tục khuyến khích tăng số lượng trang trại, chuyển dịch dần từ hình thức chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán, sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; tăng cường tính liên kết trong phát triển kinh tế trang trại, nâng cao trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, thông tin dự báo thị trường cho các chủ trang trại. Ðặc biệt là ưu đãi vốn vay cho các hộ, mở rộng hợp tác, trao đổi giữa các vùng trong và ngoài tỉnh để tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Minh Nguyệt

 

  • Từ khóa