Thứ 3, 30/07/2024, 01:17[GMT+7]

Thụy Hưng Vươn lên từ nội lực

Thứ 3, 28/09/2010 | 09:57:49
1,548 lượt xem
Sự trù phú của Thụy Hưng, Thái Thụy, Thái Bình có được hôm nay chính là nhờ  vào sự nỗ lực, vươn lên của cả cộng đồng cư dân nơi này.

Vận động nhân dân chuyển mạnh từ tập quán chăn nuôi tận dụng, phân tán, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hoá theo mô hình gia trại, trang trại. Ảnh: Thành Tâm

Đi dọc đường thôn, ngõ xóm chỗ nào cũng được bê tông hoá chắc bền, khang trang sạch đẹp, trong dân hầu hết là nhà ngói đỏ, mái bằng. Ngoài cánh đồng, bạt ngàn một màu xanh của lúa xuân đang trong giai đoạn đứng cái làm đòng, cây màu xuân đã đến độ thu hoạch hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Trong 5 năm 2005-2010, phát triển kinh tế ở Thụy Hưng đạt được kết quả khá toàn diện với tốc độ tăng trưởng cao, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lớn. Tổng giá trị sản xuất 5 năm đạt 227,1 tỷ đồng, trong đó năm 2010 dự kiến đạt 58,8 tỷ đồng, tăng trưởng  bình quân hàng năm 14,23%, tăng 3,23% so với mục tiêu kế hoạch Đại hội.

Theo lời Bí thư Đảng uỷ xã Lã Quốc Tuấn: Thụy Hưng đạt được kết quả trên là do những năm qua, đảng bộ, chính quyền và nhân dân đoàn kết, tập trung mọi nguồn lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn diện. Đối với sản xuất nông nghiệp, xã hoàn thành cơ bản việc quy hoạch vùng sản xuất cấy lúa, trồng cây màu, cây vụ đông đến năm 2015 và những năm tiếp theo.

Tranh thủ nguồn hỗ trợ của nhà nước kết hợp huy động nhân dân đóng thêm công thêm của xây mới 2 trạm bơm, cứng hoá 600m kênh mương, nâng cấp các công trình thuỷ lợi, đắp bờ vùng, bờ thửa phục vụ cho sản xuất. Hàng năm, hàng vụ, HTX dịch vụ nông nghiệp trích kinh phí hỗ trợ một phần các giống cây trồng mới khi đưa vào sản xuất, tăng cường mở các lớp tập huấn KHKT để nâng cao trình độ cho xã viên. Đến nay, hơn 300 nông dân của Thụy Hưng đã được cấp chứng chỉ qua chương trình IPM, 110 nông dân được đào tạo chương trình sơ cấp trồng trọt, chăn nuôi.

Nhờ vậy, việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kinh doanh được bà con thực hiện rất tốt. Ở vụ xuân, 100% diện tích của Thụy Hưng được gieo cấy bằng các giống lúa ngắn ngày, vụ mùa khoảng 25% diện tích cấy trà sớm ngắn ngày, sau thu hoạch trồng cây vụ đông ưa ấm, khoảng 65 đến 70% là các giống lúa lai, lúa thuần, 30 đến 35% là các giống lúa chất lượng cao.

Các biện pháp bảo vật thực vật, giải phóng dòng chảy, khắc phục úng lụt được bảo đảm thường xuyên, kịp thời nên các vụ lúa liên tục được mùa, năng suất bình quân hàng năm đạt  125,68 tạ/ha, tăng 4,68 tạ/ha so với năm 2005. Do thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu giống lúa, trà lúa nên hàng năm Thụy Hưng còn bố trí khoảng 30 ha diện tích luân canh lúa-màu kết hợp từ 4 đến 5 vụ, thu nhập gần 100 triệu đồng/ha, mở rộng diện tích cây vụ đông từ 100 đến 120 ha, chiếm gần 40% diện tích đất canh tác.

Nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất như: dưa hấu, dưa hồng, dưa lê, bí, rau màu các loại... bước đầu hình thành vùng sản xuất cây màu, cây vụ đông tập trung của huyện. Trong chăn nuôi, Thụy Hưng vận động nhân dân chuyển mạnh từ tập quán chăn nuôi tận dụng, phân tán, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hoá theo mô hình gia trại, trang trại.

Xã đã chuyển đổi được 58 ha vùng úng trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao thả cá, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh tổng hợp cho giá trị thu gấp từ 2 đến 3 lần. Nhờ vậy, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh, nhiều con nuôi đặc sản như cá sấu, ếch được đưa vào nuôi thả. Toàn xã hiện có 1 hộ chăn nuôi trang trại, 100 hộ chăn nuôi, theo mô hình gia trại, có mô hình nuôi hàng trăm gia súc, hàng ngàn gia cầm. Giá trị thu nhập từ ngành chăn nuôi chiếm 43,5% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm.

Vốn là xã thuần nông, nên trong 5 năm qua, Thụy Hưng đã tìm mọi cách để  đẩy mạnh phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN), thương mại dịch vụ. Xã đã hoàn thành việc quy hoạch một điểm công nghiệp với diện tích 8,16 ha, sẽ tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất trên địa bàn tạo công ăn việc làm cho người dân; hiện nay đã bàn giao đất cho một doanh nghiệp sản xuất nhựa tái sinh.

Toàn xã hiện có khoảng 600 lao động tham gia làm nghề TTCN như: mộc, cơ khí, hàng thủ công mỹ nghệ, móc sợi, thêu...., khoảng 60 người đi lao động ở nước ngoài. Dọc các trục đường chính, có khoảng 100 hộ kinh doanh buôn bán. Ngoài ra, xã còn đầu tư hơn 130 triệu đồng xây dựng  chợ  phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Theo ước tính, số lao động có việc làm từ ngành nghề dịch vụ ở Thụy Hưng tăng gấp 2 lần so với năm 2005 tạo ra nguồn thu nhập đáng kể nâng cao đời sống cho người dân.

Từ năm 2005 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, tiết kiệm ngân sách, huy động nhân dân đóng góp, Thụy Hưng tích cực đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống các công trình thuỷ lợi, trạm y tế, hệ thống điện chiếu sáng công cộng, một số trục đường xã, nghĩa trang liệt sỹ... với tổng nguồn vốn 12,6 tỷ đồng góp phần quan trọng nâng cao đời sống dân sinh. Trong các khu dân cư, nhân dân tự nguyện đóng góp 400 triệu đồng xây dựng đường thôn, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp. 

Vươn lên từ chính nội lực của mình, Thụy Hưng hôm nay đang thực sự  “thay da đổi thịt” từng ngày. Từ xã thuần nông, cấy lúa là chính thì nay nông nghiệp đã trở thành nghề phụ, tổng giá trị sản xuất chỉ còn chiếm 36,56% trong cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất CN-TTCN, thương mại dịch vụ, đầu tư xây dựng cơ bản chiếm 53,44%.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Thu nhập bình quân trên đầu người đạt gần 12 triệu đồng/năm. 85% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá, 2/5 thôn được công nhận là làng văn hoá cấp tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo còn 9,44%, giảm 5% so với năm 2005. Đảng bộ, chính quyền nhiều năm liên tục được công nhận danh hiệu Đảng bộ, chính quyền TSVM.

Nguyễn Hình

 

  • Từ khóa