Chủ nhật, 28/07/2024, 09:27[GMT+7]

Minh Tân Xây dựng mô hình VAC giúp phát triển kinh tế

Thứ 2, 30/12/2013 | 08:53:36
447 lượt xem
Trong những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển mạnh và nhân rộng trên địa bàn xã Minh Tân (Kiến Xương). Nhiều gia đình trong xã đã mạnh dạn đầu tư vào các mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) theo hướng trang trại, gia trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt nhằm tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Gia trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Diệp, thôn Nguyệt Giám, xã Minh Tân.

Ðược sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương cùng với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nhiều nông dân xã Minh Tân đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất “chiêm khê, mùa úng” cấy lúa kém hiệu quả sang đầu tư đào ao nuôi thủy sản, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Từ đó tìm ra một hướng đi mới trong định hướng phát triển kinh tế, tạo việc làm thường xuyên và nâng cao thu nhập cho người lao động. Ban đầu là một vài hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sau vài năm người dân dần nhận thấy hiệu quả từ mô hình này, nhiều gia đình đã đầu tư tiền của, đấu thầu những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi các loại cá truyền thống như cá: chép, trôi, trắm, rô phi,…

Ðến nay, toàn xã đã chuyển đổi được trên 10 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng mô hình nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng trọt. Ðể giảm chi phí trong chăn nuôi, ngoài thức ăn tổng hợp dạng viên, bà con còn tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn cho cá. Nhờ vậy đã giảm được một phần chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ðể tận dụng tối đa nguồn lực của đất đai, trên bờ ao người dân đầu tư trồng nhiều loại cây cảnh, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, vừa giữ vững bờ ao mỗi mùa mưa bão, tạo cảnh quan thoáng mát và nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình.

Chúng tôi cùng đồng chí Chủ nhiệm HTX DVNN đến thăm gia trại của gia đình chị Nguyễn Thị Diệp, thôn Nguyệt Giám. Ðang nhanh tay chăm sóc cho đàn gia súc, gia cầm chị vui vẻ cho biết: Năm 2003, thực hiện chủ trương chuyển đổi của xã, gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi 5 sào ruộng trũng sang đào ao nuôi cá.

Qua quá trình sản xuất, nhận thấy đây là mô hình hay có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương, năm 2007 gia đình chị tiếp tục đấu thầu thêm đất của UBND xã để mở rộng diện tích chăn nuôi, nâng tổng diện tích của mô hình lên 1,6 ha. Với hơn 1,6 ha đất trong tay, anh chị dành 1 ha xây dựng 5 ao nuôi các loại cá truyền thống như trôi, mè, trắm, chép… mỗi năm cho thu hoạch 2 lứa với sản lượng khoảng 10 tấn cá. Trên bờ, gia đình chị  xây 5 chuồng để nuôi gia súc, gia cầm. Trong chuồng thường xuyên có 5 con lợn nái, 40 con lợn thịt, 20 con bò, 1.000 con vịt đẻ, 1.000 vịt thịt.

Tổng doanh thu từ gia trại đạt khoảng 1,2 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí cho gia đình anh chị thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Với việc phát triển kinh tế theo mô hình VAC đã và đang góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho người nông dân, qua đó khẳng định đây là hướng đi đúng đắn, có thể phát triển lâu bền trong phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương

Theo ông Bùi Công Ân, Chủ nhiệm HTX Minh Tân cho biết: Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên những năm qua nhận thức của người nông dân trên địa bàn xã đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hướng tập trung, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và phòng chống dịch bệnh. Hàng năm, HTX DVNN thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kiến Xương mở các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi gia súc gia cầm cho các chủ trang trại, gia trại, những gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn xã. Qua lớp học giúp người nông dân có thêm kinh nghiệm về chọn giống vật nuôi, kỹ thuật chăm sóc và tuân thủ nghiêm quy trình tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay, UBND xã tiếp tục xây dựng đề án, quy hoạch khu chăn nuôi tập trung của xã tại thôn Nguyệt Giám với tổng diện tích trên 60 ha. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân mạnh dạn đầu tư chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung có quy mô lớn để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên khó khăn nhất đối với nhiều nông dân trong xã vẫn là thiếu thốn để đầu tư xây dựng chuồng trại và đầu tư con giống để phát triển chăn nuôi. Vì vậy, trong thời gian tới rất mong các cấp, các ngành chức năng cần có thêm nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ để người nông dân có thể tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi của nhà nước để người dân trong xã nói riêng và trong tỉnh nói chung có thể mở rộng sản xuất, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Phạm Hưng

  • Từ khóa