Chủ nhật, 28/07/2024, 09:26[GMT+7]

Đổi thay ở Trại Vàng

Thứ 2, 30/12/2013 | 09:02:34
1,284 lượt xem
Từ trung tâm xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) phải vượt qua hơn 7 km đường, qua địa phận xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương mới tới được thôn Trại Vàng - thôn nằm bên kia dòng sông Luộc, cách biệt so với các khu dân cư khác trên địa bàn xã.

Các thành viên trong Ban giám sát cộng đồng thôn Trại Vàng xác định mốc giới chuẩn bị bê tông hóa đường giao thông trục chính của thôn.

Trưởng thôn Trại Vàng, Phạm Văn Ý cho biết: Trước đây, thôn nghèo lắm, hơn nửa số hộ đói nghèo nhưng giờ đây cuộc sống người dân được nâng lên rất nhiều, trở thành một trong những thôn có số hộ khá, giàu cao, hộ nghèo thấp nhất toàn xã. Là một thôn vùng sâu, vùng xa nhưng khi đến Trại Vàng, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của khu dân cư nằm yên ả bên bờ sông Luộc này.

Trại Vàng hôm nay như khoác chiếc áo mới với đường bê tông, đường gạch thoáng rộng, trải dài từ đầu đến cuối thôn, những ngôi nhà cao tầng kiên cố, trị giá hàng trăm triệu đồng mọc lên khắp nơi. Hai bên đường là những thửa ruộng to, rộng phủ màu xanh no ấm của cây màu vụ đông với ngô, đậu tương, rau màu các loại. Ngay cả những người dân trong thôn cũng không mấy ai nghĩ nơi đây có thể thay da đổi thịt nhanh đến vậy. Toàn thôn có hơn 400 hộ, với gần 1.500 nhân khẩu, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Nhưng cũng chính nông nghiệp đã giúp người dân Trại Vàng từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Bởi đồng đất ở đây rất màu mỡ, phì nhiêu, cây cối quanh năm tươi tốt, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần cấy lúa. Hiện, 100% diện tích đất nông nghiệp của thôn được phủ kín bởi các cây vụ đông như: ngô, đậu tương, rau màu. Ðang nhanh tay thu hoạch những bắp ngô cuối cùng, chị Nguyễn Thị Hương vui vẻ cho biết: “Vài năm trước, vụ đông bà con trong thôn chủ yếu trồng đậu tương nhưng thấy hiệu quả không cao do đến khi thu hoạch thời tiết mưa ẩm kéo dài, đậu tương bị mốc thối.

Vì vậy, nhiều gia đình đã chuyển sang trồng ngô ngọt, ngô nếp. Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng hơn 8 sào ngô, trong đó 3 sào ngô ngọt được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm với giá 3.500 đồng/kg bán cho Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Hải Dương. Còn ngô nếp, thu hoạch xong đến đâu ô tô đến thu mua ngay đến đó. Sau khi trừ chi phí mang lại nguồn thu hơn 15 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cấy lúa mà thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 2,5 tháng, chi phí thấp, rất phù hợp với đồng đất bãi bồi nơi đây”. Theo Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Trại Vàng, Nguyễn Văn Chúc thì, nhờ cây vụ đông mà đời sống của người dân trong thôn đã khá hơn nhiều. Từ một thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã, đến nay toàn thôn chỉ còn 3,7% hộ nghèo, với 16 hộ, chủ yếu là hộ tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa. Thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt trên 20 triệu đồng/người/năm.

Ðời sống ngày càng nâng cao nên bà con nhân dân rất đồng tình hưởng ứng các phong trào chung của thôn. Những ngày cuối năm, khi vụ đông đã gần kết thúc, nhà nhà lại cùng bận mải với việc họp bàn triển khai làm đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới. Nhà văn hóa thôn hôm nay náo nhiệt với những tiếng nói cười rôm rả, ai nấy đều khẩn trương mang tiền nộp để con đường được khánh thành trước Tết. Cũng theo Trưởng thôn Phạm Văn Ý thì, ngay sau khi tỉnh có chủ trương hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn, bà con trong thôn rất hào hứng, nhiệt tình tham gia đóng góp tiền của, với mỗi khẩu 250.000 đồng. Tiền đã thu xong, nguyên vật liệu cát, đá, nhân công đã được chuẩn bị chỉ còn chờ 160 tấn xi măng của tỉnh về là bà con tiến hành bê tông hóa tuyến đường dài gần 1 km, rộng 3,5 m.

Không chỉ đóng góp tiền của, công sức chung tay làm các trục đường chính trong thôn mà người dân nhiều ngõ đều hào hứng đưa bê tông vào tận sân nhà. Chị Bùi Thị Huyền đang nhanh tay san cát 2 bên lề đường vui vẻ tiếp chuyện: “Ngõ nhà tôi chỉ có 3 hộ, tranh thủ thời gian nông nhàn các “ông chồng” đều đi làm thợ xây ở Quảng Ninh, ở nhà đều là phụ nữ nhưng chúng tôi ai cũng tự nguyện đóng góp gần 5 triệu đồng/hộ và ngày công để bê tông hóa hơn 50 m đường, với chiều rộng hơn 3,5 m. Những ngày qua, 3 người phụ nữ chúng tôi đang khẩn trương san nền cát kịp tiến độ với đường của thôn để thuê luôn máy trộn bê tông. Tết này, các con các cháu về quê sum họp sẽ không còn cảnh đường lầy lội nữa”.

Bộ mặt nông thôn mới thôn Trại Vàng đang đổi thay từng ngày với một sức sống, diện mạo tươi mới. Một mùa xuân mới đang về mang theo nhiều niềm vui, ấm áp, khơi dậy sức sống mới bắt đầu từ một chủ trương đúng, vì dân và hợp lòng dân.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa