Chủ nhật, 28/07/2024, 09:22[GMT+7]

Thắng lợi vụ đông ở Thái Thụy

Thứ 5, 16/01/2014 | 08:38:14
2,528 lượt xem
Thời điểm này, huyện Thái Thụy đã thu hoạch được khoảng 80% diện tích cây vụ đông. Năm nay, hầu hết các loại cây trồng đều cho năng suất, giá trị thu nhập cao và vụ đông đã thực sự trở thành vụ sản xuất chính trong năm, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo.

Thu hoạch khoai tây ở xã Thái Giang(Thái Thụy).

Thụy An không chỉ là xã điển hình trong phong trào sản xuất vụ đông của Thái Thụy mà của cả tỉnh. Anh Ðoàn Trọng Ðàng, Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp cho biết: Vụ đông này, Thụy An cũng là xã duy nhất của huyện mạnh dạn đăng ký xây dựng mô hình cánh đồng mẫu. Nông dân nơi đây vốn cần cù, chịu khó, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động kết hợp với các cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện nên bà con tham gia rất nhiệt tình. Hộ nào có diện tích ít cũng trồng từ 3 đến 4 sào, hộ nhiều trồng tới cả mẫu.

Kết quả, toàn xã gieo trồng được 218 ha cây vụ đông, chiếm 75% tổng diện tích đất canh tác bao gồm: dưa hấu, bí, dưa bao tử, hành tỏi, rau màu các loại. Cây vụ đông sinh trưởng và phát triển tốt, đến nay đã cho thu hoạch và đều cho giá trị cao, chỉ còn hành tỏi khoảng nửa tháng nữa sẽ nhổ cây, cắt củ và đây là loại cây cho thu nhập cao nhất, khoảng 4-5 triệu đồng/sào. Tổng giá trị thu nhập từ cây vụ đông toàn xã ước đạt 17 tỷ đồng, bình quân đạt 111 triệu đồng/ha.

Nhiều hộ gia đình sau mỗi vụ đông có thu nhập 40 - 50 triệu đồng. Là vùng đất thịt nặng, không có nhiều điều kiện thuận lợi trồng cây vụ đông như ở Thụy An nhưng xã Thái Giang cũng gieo trồng được 143 ha cây vụ đông gồm: khoai lang, khoai tây, ngô nếp, rau màu các loại. Anh Nguyễn Huy Giáp, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Thái Giang cho biết: Tổng giá trị thu nhập từ cây vụ đông toàn xã ước đạt 8 tỷ đồng. Trong đó, riêng khoai tây diện tích gieo trồng đạt 58 ha, năng suất đạt 14 tấn/ha, nông dân thu hoạch về đến đâu, thương lái xuống tận ruộng thu mua ngay đến đó với giá 7.000-10.000 đồng/kg. Tính ra, 1 ha trồng khoai tây đông nông dân có thu nhập 120 triệu đồng nên bà con ai cũng phấn khởi.

Dưa hấu ở xã Thụy Hưng cho thu nhập 3 triệu đồng/sào.

Cũng lựa chọn cây khoai tây trồng ở vụ đông, anh Phạm Văn Lợi (xã Thụy Dương) đã mạnh dạn thuê ruộng của nhiều hộ dân quy vùng tập trung trồng 13,2 ha bằng 2 loại giống Solara và Atlantic. Anh chia sẻ: “Lần đầu tiên trồng khoai với quy mô lớn như vậy cũng gặp một số khó khăn. Tôi phải huy động máy, thuê 110 lao động trồng cho kịp thời vụ, nhưng do ảnh hưởng của bão số 14 khiến 30% diện tích khoai tây bị thiệt hại phải trồng lại.

Do giống khoai đều là giống gốc, áp dụng đúng quy trình chăm sóc và phòng bệnh nên khoai phát triển rất nhanh, lá xanh, dây mập, dự kiến nửa tháng nữa cho thu hoạch, năng suất ước đạt 14 tấn củ/ha. Tôi đã ký hợp đồng với Công ty Orion Việt Namon> bán trọn gói sản phẩm, dự kiến có nguồn thu nhập khá nên rất yên tâm. Sau thành công này, sang năm gia đình sẽ tiếp tục trồng khoai tây trên quy mô diện tích lớn hơn, đồng thời sẽ cung ứng giống, vật tư cho một số nông dân cùng trồng, sau đó sẽ đứng ra làm đầu mối bao tiêu sản phẩm”.

Ông Ðào Ðức Viện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: So với một số huyện, Thái Thụy là địa phương không có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất vụ đông bởi nơi đây là vùng ven biển, diện tích đất thịt nặng, nhiễm phèn, mặn lớn.

Vụ đông năm 2013 cũng là vụ đông khó khăn đối với huyện khi trồng chưa đầy 1 tháng thì bão số 14 đổ bộ khiến 4.000 ha bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ngay sau đó huyện và các địa phương đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt khắc phục hậu quả và tiếp tục trồng mở rộng diện tích. Tổng nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, huyện cho sản xuất vụ đông ước khoảng 3,3 tỷ đồng, chưa kể nguồn hỗ trợ riêng của các địa phương nên đã thực sự khuyến khích nhiều nông dân tham gia  Kết quả, toàn huyện có 52.163 hộ trồng cây vụ đông với diện tích 4.800 ha, tăng 887 ha so với năm 2012.

Trong đó: ngô 704 ha, bí 610 ha, dưa 252 ha, đậu tương 81 ha, khoai lang 513 ha, ớt 205 ha, hành tỏi 480 ha, sa lát 289 ha, khoai tây 390 ha, còn lại là rau màu các loại. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng trồng cây vụ đông tập trung quy mô lớn như: dưa bí, hành tỏi, sa lát. Ðiều đáng ghi nhận nữa là ngoài vùng trồng cây truyền thống, Thái Thụy đã xây dựng nhiều mô hình trồng vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao như: trồng dưa chuột bò, trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu, trồng vụ đông trên chân đất mới. Sau bão số 14, điều kiện thời tiết cơ bản thuận lợi để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

Hầu hết các loại cây trồng đến kỳ thu hoạch đều bán được giá, một số cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: dưa bí 2,5 - 3 triệu đồng/sào, khoai tây 4 triệu đồng/sào, dưa chuột bò 3 triệu đồng/sào, ớt 7 triệu đồng/sào, ngô 2,5 triệu đồng/sào. Một số HTX năng động tích cực tìm đầu mối, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng các loại cây: sa lát, củ cải, dưa chuột, dưa chuột bao tử, khoai tây… phần nào giúp nông dân yên tâm đầu tư cho sản xuất.

Hiện nay, Thái Thụy tập trung chỉ đạo nông dân khẩn trương thu hoạch những diện tích cây vụ đông còn lại, giải phóng đất và chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho sản xuất vụ xuân. Tổng giá trị thu nhập từ cây vụ đông toàn huyện năm 2013 ước đạt 270 tỷ đồng, bình quân mỗi héc ta thu nhập 56,25 triệu đồng. Ðây là kết quả và tiền đề quan trọng để Thái Thụy tiếp tục mở rộng diện tích vào những năm sau.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa