Thứ 7, 04/01/2025, 16:37[GMT+7]

Mô hình gieo cấy tập trung ở Đông Vinh

Thứ 6, 24/01/2014 | 08:20:26
1,647 lượt xem
Ðông Vinh là xã duy nhất ở huyện Ðông Hưng thực hiện mô hình gieo cấy tập trung bằng công cụ sạ hàng. Từ mô hình điểm, đến nay đã nhân rộng phát triển thành các tổ sản xuất trong toàn xã, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

100% diện tích gieo cấy của Đông Vinh đã được cày lật đất

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ðông Vinh Nguyễn Văn Bình chia sẻ: Mô hình gieo cấy tập trung được thực hiện từ năm 2011 khi ông còn làm Chủ nhiệm HTX DVNN. Xuất phát từ thực tế ở địa phương là xã có ngành nghề phụ phát triển mạnh như nghề dệt chiếu, mộc, nề, may, làm giấy tiền thu hút khá đông lực lượng lao động trẻ, khỏe nên tỷ lệ lao động làm nông nghiệp ngày càng giảm.

Hơn nữa nhiều người chưa chú trọng đến khung lịch thời vụ, mạ gieo không đồng đều, dẫn tới nhiều trà lúa khác nhau và tình trạng sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh tràn lan không đem lại hiệu quả. Tới vụ lúa xuân 2011 do thời tiết rét đậm kéo dài, nhiều diện tích lúa bị chết khiến nhiều hộ phải gieo cấy lại. Nhưng làm thế nào để tư tưởng của nông dân yên tâm khi cấy tập trung là điều trăn trở của Hợp tác xã lúc đó. Vì thế, HTX DVNN đã tiến hành khảo sát và chọn cánh đồng thôn Văn Ông Ðoài để thực hiện gieo sạ hàng tập trung với mục đích kịp thời vụ, giảm chi phí, thời gian, ngày công lao động, nâng cao năng suất lúa đồng thời đưa công cụ sạ hàng cải tiến vào áp dụng thay phương pháp cấy.

Chủ trương đó đã được 51 hộ dân thôn Văn Ông Ðoài đồng tình hưởng ứng, HTX cùng với cơ sở thôn thống nhất cử người có kinh nghiệm tổ chức ngâm, ủ, gieo sạ hàng và phun thuốc cỏ tập trung cho bà con. Trong đó Chi hội trưởng nông dân kiêm Trưởng thôn chịu trách nhiệm thu nhận tiền của dân, đăng ký với HTX lấy thóc về ngâm, ủ và thống nhất với các chủ máy cày làm đúng kỹ thuật và trả tiền dịch vụ. Các hộ dân chỉ phải thực hiện khâu san phẳng mặt ruộng, giám sát quá trình gieo sạ hàng, tới khi gieo xong mới nhận bàn giao.

Hiệu quả đã được khẳng định ngay từ vụ lúa đầu tiên, với phương thức này bà con chỉ mất 0,8 - 1kg thóc giống/sào với 15.000 đồng/sào tiền công ngâm, ủ, gieo sạ và phun thuốc trừ cỏ, trong khi cấy họ tốn ít nhất 1,7 - 2kg thóc giống/sào và thêm thời gian lấy bùn, gieo mạ, che phủ nilon vừa mất công cấy. Mô hình này  không chỉ bớt được nhiều công đoạn mà còn giảm được 29.000 đồng/sào tiền thóc giống và 200.000 đồng/sào công thuê cấy, trong khi năng suất lại cao hơn từ 5 - 15%. Ðồng thời thống nhất chung được ngày làm đất, ngày gieo và quản lý được công tác phòng trừ sâu bệnh.

Nông dân xã Ðông Vinh tiến hành gieo mạ trên nền đất cứng.

Ông Bình nhớ lại: Lúc đầu làm cũng gặp không ít khó khăn do thực hiện trong điều kiện thời tiết mưa rét, lúa chết nhiều, người dân nản chí, băn khoăn không biết nên làm gì để tránh được thiệt hại do thời tiết gây ra. Hơn nữa tập quán của họ vẫn quen với việc cấy và tự do làm lúc nào thì làm, không phải tỉa dặm nhiều. Do đó khi có chủ trương gieo sạ hàng tập trung, nhiều người dân vẫn băn khoăn về các vấn đề: khi gieo lúa chết, có gieo được đều không, chất lượng giống, phun thuốc cỏ kỹ không... Cán bộ thôn đã phải tới từng hộ tuyên truyền vận động nói rõ về lợi thế của mô hình để người dân hiểu. Ðồng thời cũng thống nhất bảo đảm về kỹ thuật cho bà con như kéo đều, không thiên vị, chất lượng phun thuốc bảo đảm.

Ðiều đáng mừng là mô hình gieo tập trung đã dần phát triển nhân rộng lên thành 20 tổ ở 9/9 thôn, trung bình mỗi tổ có từ 4 - 10 hộ tham gia. Ðặc biệt là số lượng công cụ gieo sạ hàng đã tăng từ 3 chiếc lên 50 chiếc tạo thuận lợi cho các tổ thực hiện. Các tổ này đều thống nhất cấy cùng giống, làm chung từ khâu ngâm, ủ, gieo và phun thuốc trừ cỏ, phòng trừ sâu bệnh. Nhờ vậy tỷ lệ gieo thẳng của xã ngày càng đạt cao, vụ xuân vừa qua tỷ lệ lúa gieo bằng công cụ sạ hàng ở Ðông Vinh đạt 248/389ha, chiếm 63,7%. Nhiều thôn tỷ lệ gieo sạ chiếm tới 70% như thôn Tế Quan, Văn Ông Ðoài, Ðông Ðồng Hải, Tây Ðồng Hải, Nam Ðồng Hải. Nhiều tổ thực hiện sôi nổi như tổ ông Lại Hợp Thiệu, thôn Tây Ðồng Hải, trung bình mỗi vụ có từ  3 - 4 hộ tham gia với trên 3 mẫu, hay tổ của ông Lại Hợp Vinh thôn Nam Ðồng Hải có từ 7 - 8 người tham gia gieo trên 5 mẫu. 

Ông Nguyễn Hữu Quân, Chủ nhiệm HTX DVNN cho biết thêm: Vụ xuân năm 2014, Ðông Vinh gieo cấy 100% giống lúa ngắn ngày, trong đó 30% giống lúa chất lượng cao. Ðến nay, 100% diện tích gieo cấy đã được cày lật đất và đang tiến hành điều tiết nước vào ruộng. Ngoài việc duy trì các tổ gieo cấy theo mô hình nhóm, tổ thì vụ xuân năm 2014 Ðông Vinh thực hiện mô hình liên kết với Công ty Lương thực Thái Ðan cung ứng và bao tiêu sản phẩm giống lúa Nhật cho bà con. HTX đã lấy về 2,4 tấn giống lúa Nhật để cung ứng cho 200 hộ ở 4 thôn tham gia gieo cấy 35ha. Dự tính từ nay tới 25/1 bà con sẽ tập trung gieo mạ trên sân, tiến hành gieo thẳng từ ngày 5/2.

Không chỉ áp dụng công cụ gieo sạ hàng vào sản xuất, Ðông Vinh còn đưa nhanh cơ giới hóa vào đồng ruộng như máy gặt, máy làm đất. Ðến nay toàn xã có 5 máy gặt đập liên hợp, 42 máy làm đất đa năng, 86 máy làm đất loại nhỏ, tỷ lệ gặt máy chiếm tới trên 60% diện tích, 100% diện tích làm đất bằng máy, giống lúa ngắn ngày thường chiếm tới trên 90%.

 Thu Thủy

  • Từ khóa