Chủ nhật, 28/07/2024, 09:25[GMT+7]

Chi cục Thú y Nỗ lực phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Chủ nhật, 26/01/2014 | 18:34:16
1,186 lượt xem
Để bảo đảm cho đàn gia súc, gia cầm không phát sinh và lây lan dịch bệnh trong những ngày giáp Tết Giáp Ngọ 2014, Chi cục Thú y đã triển khai, tổ chức thực hiện khá tốt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong toàn tỉnh.

Lực lượng thú y xã Vũ Hòa (Kiến Xương) phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, khống chế dịch tai xanh xảy ra trên đàn lợn trong tháng 4/2013.

Thời gian qua, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên cả nước diễn biến khá phức tạp, dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) đã xảy ra ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị; dịch cúm gia cầm tại tỉnh Hòa Bình... Đặc biệt, trong năm 2013 bệnh dại đã gây tử vong 80 người ở 24 tỉnh, thành phố, trong đó có 14 tỉnh miền núi phía Bắc. Tại Thái Bình cũng đã xảy ra dịch bệnh tai xanh trong tháng 4, dịch đốm trắng ở tôm vào đầu tháng 5/2013... Vì vậy, để bảo đảm cho đàn gia súc, gia cầm không phát sinh và lây lan dịch bệnh trong những ngày giáp Tết Giáp Ngọ 2014, Chi cục Thú y đã triển khai, tổ chức thực hiện khá tốt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong toàn tỉnh.

Trong những tháng cuối năm 2013, tổng đàn và mật độ chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh rất lớn, trong đó chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại tại các khu dân cư chiếm tỷ lệ cao. Trong khi đó điều kiện vệ sinh thú y và môi trường chăn nuôi chưa được bảo đảm; đồng thời đang là thời điểm giao mùa nên dịch bệnh rất dễ phát sinh và lây lan rộng. Bên cạnh đó, đàn gia cầm chưa được tiêm vắc xin phòng cúm (từ cuối năm 2010) và đàn lợn choai, lợn thịt chưa được tiêm vắc xin LMLM, tai xanh...

Trước đó, tháng 4/2013 dịch tai xanh ở lợn đã phát sinh và lây lan tại 117 hộ chăn nuôi ở 23 thôn, thuộc 4 xã, gồm Vũ Hòa (Kiến Xương), Vũ Vân, Vũ Đoài (Vũ Thư) và Phú Xuân (Thành phố Thái Bình); tổng số lợn mắc bệnh là 528 con, số lợn chết và tiêu hủy là 104 con. Dịch đốm trắng xuất hiện đầu tháng 5/2013 tại xã Thái Đô (Thái Thụy), sau đó phát sinh thêm ở các xã Đông Minh, Nam Cường, Nam Thịnh (Tiền Hải); tổng diện tích nuôi tôm mắc bệnh là 50,745 ha, với 8,175 triệu con tôm giống đã thả. Với nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ, cấp bách của Chi cục Thú y nên dịch bệnh đã nhanh chóng được khống chế, thiệt hại về kinh tế giảm nhiều so với các năm trước và không ảnh hưởng lớn đến tình hình chăn nuôi của các địa phương.

Để tiếp tục thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và đề nghị các địa phương triển khai thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm từ ngày 15/11 đến 15/12/2013.

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục phó Chi cục Thú y cho biết: Thực hiện tháng tiêu độc, khử trùng là nhằm chủ động tiêu diệt mầm bệnh còn tồn tại ngoài môi trường và trên đàn gia súc, gia cầm, góp phần tích cực khống chế dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm, LMLM, tai xanh ở lợn. Theo đó, các địa phương, đơn vị đã tổ chức phát động tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý. Quy mô vùng được thực hiện gồm toàn bộ khu vực có ổ dịch cũ về LMLM, tai xanh, cúm gia cầm, chợ, nơi giết mổ tập trung, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm...

Để thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh đã cấp 6.961 kg Benkocid và 3.039 kg Iodine hóa chất dự trữ của tỉnh hỗ trợ các địa phương. Ngoài ra, các xã, phường, thị trấn đã huy động mọi nguồn lực để mua hóa chất, vôi bột, dụng cụ để thực hiện tiêu độc, khử trùng. Đối với trại chăn nuôi lớn, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm đã tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và ban chăn nuôi thú y xã, thị trấn.

Đặc biệt, Chi cục Thú y đã thành lập Đội kiểm dịch động vật lưu động (KDĐVLĐ) để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh động vật từ ngày 16/11/2013 đến 25/1/2014. Sau ít ngày ra quân, Đội KDĐVLĐ đã phối hợp với các trạm thú y huyện, thành phố để rà soát, kiểm tra và ký cam kết chấp hành quy định phòng chống dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh được 38 tổ chức, cá nhân. Đồng thời thực hiện tuần tra, kiểm soát tại các điểm tập trung buôn bán động vật, sản phẩm động vật và các đầu mối giao thông ra, vào tỉnh như Tân Đệ, bến Hiệp, các bến phà, đò giáp ranh sang tỉnh bạn...

Với nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhìn chung đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch bệnh nguy hiểm nào. Tuy nhiên, với đặc điểm giao mùa và tình trạng nhập đàn, buôn bán tăng cao trong những ngày Tết Giáp Ngọ nên mầm bệnh sẵn có trong đàn gia súc, gia cầm, từ tỉnh ngoài xâm nhập vào có thể tái phát và lây lan là rất cao. Vì vậy các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Đội KDĐVLĐ của Chi cục Thú y để xử lý các trường hợp vi phạm quy định trong vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm. Đồng thời, thường xuyên hướng dẫn người chăn nuôi tích cực thực hiện vệ sinh phòng bệnh, thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống đói, rét vào những ngày nhiệt độ xuống thấp. Tiếp tục thực hiện tiêm phòng bổ sung đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định cho đàn vật nuôi mới nhập đàn, đến tuổi tiêm phòng, tiêm sót ở đợt tiêm đại trà thu đông, nhất là vắc xin LMLM, dại, tai xanh...

Nguyên Bình

  • Từ khóa