Chủ nhật, 28/07/2024, 09:23[GMT+7]

Niềm vui trên những cánh đồng vụ đông

Thứ 6, 31/01/2014 | 16:03:24
2,247 lượt xem
Ánh nắng yếu ớt của những ngày giữa đông đang cố xua tan đi màn sương buốt giá, trên khắp các xứ đồng trong tỉnh các hộ nông dân đang thu hoạch rộ cây màu của vụ sản xuất hàng hóa lớn nhất năm. Những chiếc xe thồ, xe thùng chất đầy su hào, cải bắp, bí… được chuyển từ ruộng lên các trục đường liên xã để ô tô chở đi các nơi tiêu thụ, nét mặt ai cũng phấn khởi khi vụ đông cơ bản được mùa, được giá.

Thu hoạch cây màu vụ đông ở xã An Châu (Đông Hưng).

 

Cuối tháng 11/2013, gió mùa đông Bắc tăng cường, những cơn mưa bụi làm cho trời tối nhanh hơn, cái rét càng thêm lạnh giá. Ðồng hồ đã chỉ 15 giờ, chiếc xe chở Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cùng các đồng chí lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT bắt đầu xuất phát từ Thành phố Thái Bình đi thăm mô hình trồng khoai tây giống sạch bệnh ở Trọng Quan (Ðông Hưng) và mô hình bí tại Ðồng Tiến (Quỳnh Phụ). Tại hai mô hình, đồng chí Thứ trưởng tỷ mẩn rẽ từng gốc cây khoai tây để kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển; hỏi cách trồng bí trên đất hai lúa cho kịp thời vụ, năng suất đạt cao.

 

Ðứng ngắm cánh đồng khoai tây, bí xanh bạt ngàn của Trọng Quan, Ðồng Tiến, Thứ trưởng chỉ nói ngắn  gọn “các tỉnh khác mà làm được vụ đông như ở Thái Bình thì tốt quá, nhất là những mô hình được áp dụng khoa học kỹ thuật”. Ông Phạm Duy Bá, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Ðồng Tiến cho biết: Cây bí đao ở Ðồng Tiến được người dân gieo trồng khoảng 10 năm trở lại đây và ngày càng mở rộng trên đất hai lúa, do đó nông dân có nhiều kinh nghiệm để luân canh bảo đảm lịch thời vụ cho cả lúa và cây màu. Vụ đông năm 2013, toàn xã gieo trồng được 170 ha bí, năng suất đạt từ 7 tạ - 1 tấn/sào; đầu vụ bí bán được 7.000 đồng/kg, giá cuối vụ 3.000 đồng/kg; giá trị bình quân đạt 2,5 - 3 triệu đồng/sào. Ðồng Tiến có 12 điểm thu mua bí xanh, những ngày nông dân thu hoạch rộ đã cung ứng cho các tư thương từ 10 -12 tấn/ngày, do đó người dân ở đây hầu như không phải lo đầu ra cho sản phẩm.

 

Thu hoạch rau sạch ở xã Vũ Phúc (Thành phố Thái Bình). Ảnh:Việt Dũng (CTV)

 

Khác với Ðồng Tiến, những ai đã từng về xã Thụy Lương (Thái Thụy) sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của cánh đồng màu trồng các loại cây gia vị, hành, tỏi, rau thơm… để phục vụ cho Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Những luống hành, tỏi vuông vắn xanh mơn mởn nhìn rất bắt mắt, ai cũng muốn chạm vào để cảm nhận hương vị của Tết cổ truyền. Bà Nguyễn Thị Hợi, thôn 2, xã Thụy Lương cho biết: Ðồng đất ở đây gieo trồng được 3 vụ, gồm 1 vụ lúa và 2 vụ màu; vụ đông chủ yếu trồng hành, tỏi, rau màu; vụ đông năm nay gia đình bà trồng 0,5 sào hành xen lẫn tỏi, thu hoạch từ ngày 25 - 27/12 âm lịch để phục vụ Tết Giáp Ngọ.

 

Về An Châu (Ðông Hưng), chúng tôi không muốn rời chân khỏi những cánh đồng su sào, cải bắp, bí đỏ,  súp lơ, tất cả đều được gieo trồng tập trung thành vùng trải dài ngút tầm mắt. Ông Bùi Huy Thông, Chủ nhiệm HTX DVNN xã An Châu cho biết: Vụ đông năm nay, toàn xã gieo trồng được trên 170 ha, chủ yếu là các loại cây có giá trị kinh tế cao, như ngô ngọt xuất khẩu trên 14 ha, dưa các loại 13 ha, bí xanh 25 ha, bí ngô gần 42 ha… Các loại cây trồng đều cho năng suất, giá trị kinh tế cao, như dưa hấu giá trị đạt từ 3,5 - 4 triệu đồng/sào; bí ngô, bí xanh đạt từ 2,5 - 3 triệu đồng/sào; rau màu đạt từ 4 - 5 triệu đồng/sào. Nhiều hộ gia đình trồng trên 1 mẫu cây vụ đông trở lên cho thu nhập trên 20 triệu đồng, như hộ ông Tía, ông Phú, bà Linh… thôn An Nạp.

 

 Ông Nguyễn Quang Biểu, thôn Kim Châu 2, xã An Châu đang chăm chút cho từng cây súp lơ xanh sắp cho thu hoạch, ông không giấu được niềm vui khi chia sẻ: “Nhà tôi trồng được 6 sào súp lơ xanh, hiện đang phát triển rất tốt; hiện nay súp lơ bán tại ruộng là 5.000 đồng/cây, bình quân ước đạt trên 4 triệu đồng/sào; với 6 sào súp lơ, gia đình tôi đã có thu nhập gần 25 triệu đồng”. Ông Biểu cho biết thêm, không chỉ súp lơ có giá, nhiều hộ trồng su sào, cải bắp, như hộ ông Tàm, ông Duẩn… trồng 4 sào trở lên cũng cho thu nhập trên 15 triệu đồng, bình quân đạt trên 4 triệu đồng/sào.

 

Tại các điểm tập kết bí, su hào ven đường trục xã An Châu, chúng tôi cảm nhận được không khí của vụ đông hàng hóa thật sự khi từng chiếc xe thùng lớn chất đầy bí, su hào kéo từ ruộng lên để chuyển lên ô tô. Ông Trần Xuân Nghĩa, tư thương từ xã Tây Ðô (Hưng Hà) sang xã An Châu thu mua sản phẩm vụ đông cho biết: “Tôi thu mua tất cả, từ bí xanh, bí ngô, rau màu các loại, nhất là các loại bí, có bao nhiêu tôi mua hết để chở đi các tỉnh bán, hoặc bán lại cho các tư thương khác…”.

 

Những địa phương, hộ sản xuất vụ đông trên chỉ là một trong số ít mà chúng tôi đã thấy được ở trong tỉnh. Còn rất nhiều huyện, xã có những vùng cây màu hàng hóa cho giá trị kinh tế cao, ở đó có những người nông dân đang cần mẫn chăm chút, thu hoạch để có thêm thu nhập nâng cao cuộc sống; nhất là vào dịp năm hết tết đến có thêm nguồn thu để sắm sửa đón một mùa xuân mới tràn ngập tiếng cười. Bà Phạm Thị Kim Hoàn, Trưởng phòng Trồng trọt - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Vụ đông năm 2013, toàn tỉnh gieo trồng được trên 36.000 ha, tăng hơn 20% so với vụ đông năm 2012; trong đó ngô trên 6.700 ha, dưa bí các loại trên 5.000 ha, rau các loại 13.381 ha… Nhìn chung, năng suất, giá trị cây trồng đều tăng hơn so với vụ đông trước, như bí xanh ước đạt gần 70 triệu đồng/ha, su sào, cải bắp, súp lơ ước đạt trên 110 triệu đồng/ha… Mùa xuân về cho cây cối đâm chồi nẩy lộc và cũng mang “lộc” cho những người nông dân biết cách làm giàu trên thửa ruộng của mình.

Nguyên Bình

  • Từ khóa