Chủ nhật, 28/07/2024, 09:33[GMT+7]

Thắp sáng một niềm tin

Chủ nhật, 02/02/2014 | 07:26:40
1,164 lượt xem
Năm Quý Tỵ 2013 khép lại, CN - TTCN Tiền Hải không ảm đạm như nhiều người dự đoán đầu năm. Tuy kết quả tăng trưởng không cao nhưng cũng tạo đà đón chào năm 2014, từ các thành phần kinh tế đến từng người lao động trong ngành đang thắp sáng một niềm tin.

Vẽ trang trí trên sản phẩm bát, đĩa tại Công ty sứ Đông Lâm.

Năm 2013, tổng giá trị sản xuất (GTSX) toàn ngành đạt 1.825 tỷ đồng, bằng 93% kế hoạch năm và tăng 10% so với năm 2012. Kinh doanh ngoài quốc doanh, kinh tế tư nhân, sản xuất cá thể  tăng trưởng từ 9,5% đến 14,3% so với năm trước. Toàn huyện có 6 nhóm ngành hàng CN - TTCN (cơ khí, sửa chữa; sành sứ thủy tinh vật liệu xây dựng; chế biến nông sản thực phẩm; dệt da, may mặc...) đều tăng so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp Phương Anh (xã Tây An) với 2 nhà xưởng được xây dựng kiên cố bảo đảm cho 2.000 lao động tập trung. Ông Hà Phương, chủ doanh nghiệp cho biết, chất lượng sản phẩm, môi trường làm việc, các chế độ đối với con người… của Công ty được hãng IKIA của Thụy Ðiển đánh giá cao và Phương Anh được chấp thuận là một trong 4 cơ sở trong cả nước được ký sản xuất gia công móc sợi lâu dài của hãng. Năm qua mặc dù vừa phải hoàn thiện cơ sở vật chất, vừa phải khắc phục bão số 14, nhưng Phương Anh vẫn đạt tổng sản phẩm xuất khẩu 500.000 hộp sợi, tổng doanh số hơn 20 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 1,5 tỷ đồng, bình quân thu nhập của người lao động hơn 3 triệu đồng/người/tháng.

Tại Khu công nghiệp, Công ty cổ phần Xây dựng – Kinh doanh tổng hợp Xuân Sinh, đơn vị bị tàn phá nặng nề nhất trong cơn bão số 8 năm 2012, bằng nghị lực và quyết tâm cao nay sản xuất đã phục hồi mức thu nhập của công nhân đạt 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi ngày Công ty ra lò từ 800 đến 1.200 sứ vệ sinh và nhiều sản phẩm dân dụng khác. Công ty Xuân Sinh đang cải tiến mẫu mã, chỉnh trang thiết bị, sửa sang nhà xưởng để tiếp tục nâng công suất lên 1.600 - 1.700 sản phẩm/ngày; đồng thời tổ chức tiếp thị và duy trì hoạt động của 7 đại lý tiêu thụ trải dài từ Bắc vào Namon>.

 

Hàng sứ dân dụng tại Công ty sứ Xuân Sinh.

Tại làng nghề Nam Hà, thật vui khi cán bộ khuyến công của xã cho biết 3/4 thôn được tỉnh cấp bằng công nhận, nay vẫn duy trì tốt. Ðồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Nam Hà luôn mở rộng cửa để đón các doanh nghiệp về xã đầu tư. Tới nay đã có 6 doanh nghiệp đang nhận đất đầu tư xây dựng cơ bản để năm 2014 sản xuất. Tại xã Ðông Trà - một xã vùng sâu, vùng xa của huyện,  hàng chục nhóm, tổ sản xuất do Hội Phụ nữ tổ chức với hàng trăm lao động vẫn có việc làm đều… góp phần đưa thu nhập bình quân toàn xã đạt gần 25 triệu đồng/người/năm.

Ðồng chí Trần Lâm Thao, Trưởng phòng Công thương Tiền Hải cho biết, đạt được thành tích trên là do các doanh nghiệp, các làng nghề và hộ sản xuất đã gồng mình vượt qua khó khăn về nhiều mặt, với tinh thần “mình tự cứu mình là chính”. Một nguyên nhân nữa là do phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển sâu rộng nên từ cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể thực sự vào cuộc trong việc tìm nghề, phát triển nghề cho địa phương mình để phấn đấu đạt tiêu chí việc làm và thu nhập. CN – TTCN Tiền Hải đang đón chờ năm mới và đặt ra mục tiêu cho năm 2014: tổng giá trị sản xuất 2.090 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2013.

Giải pháp đặt ra là tiếp  tục phối hợp với các ngành của tỉnh tổ chức xúc tiến đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, khởi động trở lại phong trào phát triển nghề và làng nghề; các ngành phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục rà soát lại những cơ chế chính sách để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, các nhà sản xuất trong lĩnh vực CN – TTCN. Ðề nghị huyện phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng cùng hướng về cơ sở, tháo gỡ khó khăn để CN – TTCN bước vào năm 2014 ổn định vững chắc.

Phan Anh 

  • Từ khóa