Chủ nhật, 28/07/2024, 07:34[GMT+7]

Quỹ Tín dụng nhân dân Thanh Nê Khẳng định ngôi vị đứng đầu

Thứ 4, 12/02/2014 | 15:14:37
1,459 lượt xem
Sau 17 năm đi vào hoạt động, đến nay Quỹ Tín dụng nhân dân Thanh Nê (Kiến Xương) là một trong 2 đơn vị dẫn đầu hệ thống quỹ tín dụng trên địa bàn tỉnh, có quy mô và tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Nhờ nguồn vốn vay của Quỹ Tín dụng nhân dân Thanh Nê, anh Trương Ðình Sơn (Thị trấn Thanh Nê) đã phát triển hiệu quả mô hình trồng nấm.

 

 

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Giám đốc Quỹ cho biết: Ngày đầu thành lập Quỹ hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn: trụ sở đi mượn, các thiết bị sơ sài, nhiều cán bộ kiêm nhiệm. Ðặc biệt những năm qua, tình hình kinh tế diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao, lãi suất nhiều biến động. Trong lúc khó khăn đó, Quỹ đã không chỉ  bảo đảm nguồn vốn cho thành viên mà còn là Quỹ có vốn huy động tiền gửi cao nhất tỉnh, được đánh giá là quỹ mạnh của cả nước.

 

Từ năm 2005 đến năm 2012, Quỹ đã được cấp phép mở rộng địa bàn hoạt động sang 3 xã là Quang Trung, An Bồi và Nam Bình. Theo ông Vĩnh, để có được kết quả đó, công tác quản trị điều hành của Quỹ phải nền nếp, khoa học. Quỹ đã ban hành đầy đủ, đồng bộ các quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, người điều hành, quy chế cho vay, miễn giảm lãi tiền vay, thái độ phục vụ vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi.

 

Ðể thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư, Quỹ tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, trong các cuộc họp ở địa phương. Ngoài ra, Hội đồng quản trị đã vận dụng cơ chế lãi suất hợp lý, bảo đảm quyền lợi cho người gửi, thăm hỏi gia đình thành viên khi ốm đau, hoạn nạn, tặng quà cho thành viên trong các dịp lễ tết. Ðặc biệt khi thành viên rút những món tiền lớn, cán bộ Quỹ đã đưa về tận nhà để bảo đảm an toàn. Cán bộ ngân quỹ luôn phát huy tính trung thực, thật thà, trả lại tiền thừa cho thành viên.

 

Năm 2012, Quỹ đã trả lại 47 món bằng 37 triệu đồng, năm 2013 trả lại 37 món bằng 21 triệu đồng. Do vậy tiền gửi trong dân ngày càng tăng, từ những sổ tiền gửi chỉ vài trăm nghìn, vài triệu đồng đã tăng lên hàng chục triệu, hàng trăm triệu và tới nay có hộ gửi tới 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác cho vay cũng được chú trọng, Quỹ luôn bảo đảm thuận lợi cho thành viên, không gây phiền hà cho người vay tiền. Do đó số thành viên của Quỹ đã tăng nhanh, số tiền cho một món vay cũng ngày một lớn.

 

Năm đầu Quỹ chỉ có 364 thành viên với món vay cao nhất 1,5 triệu đồng, đến nay đã lên tới trên 2.000 thành viên vay với  món vay cao nhất tới 600 triệu đồng. Ðến tháng 12/2013, Quỹ có tổng nguồn vốn 110 tỷ đồng phục vụ cho 2.017 lượt thành viên vay vốn, trong đó vay sản xuất nông nghiệp 6 tỷ đồng, vay sản xuất kinh doanh 40 tỷ đồng, xây dựng cơ bản 48 tỷ đồng và vay mục đích khác 2 tỷ đồng. Trong đó, tại Trụ sở giao dịch của Quỹ cho vay 61 tỷ đồng, Phòng giao dịch (PGD) An Bồi 12 tỷ đồng, PGD Quang Trung 16 tỷ đồng và PGD Nam Bình 6 tỷ đồng. Quỹ đã làm tốt vai trò cung ứng vốn để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội của địa phương, giúp nhiều thành viên thoát nghèo vươn lên làm giàu.

 

Cùng đi với lãnh đạo Quỹ thẩm định hiệu quả công tác vay vốn ở Công ty Xây dựng Thuận Duy, chúng tôi được biết: Lúc khó khăn nhất về nguồn vốn thì Quỹ đã trở thành “bà đỡ’’ để Công ty trang trải kinh phí, nguyên vật liệu hoàn thành các hạng mục công trình, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Hiện nay Công ty đang thi công xây mới kè sông khu vực Thị trấn Thanh Nê với nguồn vốn vay từ Quỹ 600 triệu đồng. Ngay sau khi có nguồn vốn của Quỹ cùng với nguồn vốn tự có, Công ty đã bắt tay vào thi công và phấn đấu hoàn thành công trình trong 2 tháng. Tới thăm mô hình chăn nuôi của anh Trương Ðình Sơn, khu Chấn Ðông, Thị trấn Thanh Nê chúng tôi được biết: hơn 10 năm nay, Quỹ đã trở thành người bạn đồng hành cùng gia đình. Từ vài chục triệu đồng, đến nay anh Sơn đã vay lên 200 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi. Anh thường xuyên duy trì nuôi trên 100 đầu lợn, trong đó có từ 20   - 30 con nái, 3 sào ao nuôi cá. Trong năm qua, anh đã vay thêm Quỹ 30 triệu đồng để trồng 200m2 nấm sò, nấm mỡ. Nhờ có nguồn vốn của Quỹ, anh Sơn đã phát triển mở rộng sản xuất chăn nuôi đem lại thu nhập bình quân đạt trên 100 triệu đồng/năm.

 

Ông Vĩnh cho biết thêm: Quỹ Tín dụng nhân dân Thanh Nê phát triển lớn mạnh như hôm nay là do có sự tin tưởng của quần chúng nhân dân. Nhiều thành viên đã gắn bó trong suốt chặng đường phát triển của Quỹ. Do vậy mặc dù đứng trước những khó khăn của nền kinh tế, Quỹ vẫn đủ nguồn vốn cho vay, bảo đảm an toàn và phát triển. Nguồn vốn của Quỹ đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương, giúp cho nhiều thành viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải thiện cuộc sống gia đình, xây dựng nông thôn mới. Với những cố gắng đó, Quỹ đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh, UBND tỉnh, huyện Kiến Xương, Thị trấn Thanh Nê...

Thu Thủy

 

  • Từ khóa