Thứ 3, 30/07/2024, 01:20[GMT+7]

Khu kinh tế biển Thái Bình Trước tầm nhìn 2020

Thứ 2, 04/10/2010 | 10:47:25
2,103 lượt xem
Theo điều tra của các nhà chuyên môn thì: Khu vực ven biển Thái Bình hiện ở mức xuất phát điểm thấp, nên trong triển vọng trở thành một khu vực động lực kinh tế của tỉnh thì trong giai đoạn 2010- 2015 khu Kinh tế biển Thái Bình cần có mức tăng trưởng cao trên 18%/năm.

Những con tầu pha sông biển góp phần tạo điều kiện để Thái Bình thực hiện CNH-HĐH, gắn với bạn bè và thị trường cả nước. Ảnh: Thành Tâm

Tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh, Khóa XIV đã thông qua nghị quyết về: Quy hoạch Khu kinh tế biển quốc gia Thái Bình. Để bạn đọc có thể hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của chủ trương lớn này, xin được đề cập có tính khái quát nhất trong bài viết này, nhân dịp kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh.

 

Phát triển khu kinh tế là một trong những chính sách phát triển của nước ta trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế; nhằm khai thác lợi thế về vị trí địa lý kinh tế- chính trị và các tiềm năng, nguồn lực của dải ven biển. Đến tháng 12- 2009, cả nước có 14 khu kinh tế ven biển được thành lập và đi vào hoạt động như: Chu lai (Quảng Namon>), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nghi Sơn (Thanh Hóa)…

 

Trước nhu cầu bức thiết trong phát triển để đưa Thái Bình trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển của vùng nam đồng bằng sông Hồng; đầu tư phát triển khu kinh tế biển Thái Bình không chỉ là một trong những trọng điểm mang tính bứt phá, bước ngoặt để phát triển KT- XH của tỉnh, mà còn có tác động lan tỏa cả vùng.

 

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương cho phép nghiên cứu các điều kiện hình thành khu kinh tế biển Thái Bình, UBND tỉnh giao cho Sở Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH- ĐT) nghiên cứu triển khai Đề án thành lập Khu kinh tế biển Thái Bình đến năm 2020.

 

Theo khảo sát của các chuyên gia Viện Chiến lược phát triển đầu tư thì: Vị trí địa lý sẵn có đã tạo cho vùng ven biển Thái Bình có nhiều tiềm năng phát triển KT- XH, thuận lợi trong giao lưu kinh tế, đặc thù là kinh tế biển và có vị trí chiến lược bảo vệ quốc phòng, an ninh của tỉnh và khu vực đồng bằng Bắc bộ.

 

Trong lòng đất vùng ven biển có tài nguyên khí đất và than nâu. Nguồn nước ngọt ở khu vực trực tiếp do các sông chính cung cấp là sông Trà Lý, sông Hóa và các sông trục nội đồng như: sông Diêm Hộ, sông Sinh… Với 56 km bờ biển, có 4 cửa sông lớn nhiều bãi ngang rộng và hàng chục nghìn km2 vùng lãnh hải, tạo điều kiện thuận lợi cho khai thác tổng hợp nguồn lợi từ biển.

 

Khu vực cửa sông và ven bờ có khả năng lớn về nuôi trồng thủy sản  như: tôm, cua, sò, ngao và khai thác sản xuất muối. Nằm trong vùng biển thuộc ngư trường đánh bắt Vịnh Bắc Bộ, có trữ lượng hải sản khoảng 50 vạn tấn, sản lượng đánh bắt bình quân hàng năm đạt 20- 25 nghìn tấn cá các loại. Diện tích đất nông nghiệp trong phạm vi khu kinh tế chiếm gần 59%, đất dành cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu, tới 55%; đất trồng rừng phòng hộ 6,4%; đất nuôi trồng thủy sản chiếm 11%, đất chưa khai thác, sử dụng 7,9%.

 

Khu vực có nhiều cảnh quan thiên nhiên của miền đồng bằng ven biển, cảnh thiên nhiên hoang dã của rừng ngập mặn, có bãi tắm thoải cát như: cồn Đen, cồn Vành. Vị trí địa lý cách không xa thành phố lớn Hải Phòng, Hạ Long…

 

Ngoài các yếu tố tự nhiên, thì các yếu tố và điều kiện bên ngoài hội tụ để hình thành và phát triển như: Khu kinh tế biển tỉnh Thái Bình nằm trong tổng thể phát triển hai hành lang, một vành đai. Nằm trong định hướng phát triển của đồng bằng sông Hồng và trong bối cảnh quy hoạch phát triển các khu kinh tế của Việt Namon> đến năm 2020.

 

Vì vậy, việc hình thành khu kinh tế biển của Thái Bình phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT- XH và bảo đảm quốc phòng- an ninh vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Ngày9/9/2009, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình, đề nghị triển khai đề án quy hoạch thành lập Khu kinh tế biển Thái Bình.

 

Như vậy, việc hình thành Khu kinh tế biển tỉnh Thái Bình phù hợp các điều kiện và tiêu chí hình thành khu kinh tế ven biển Việt Nam và đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình. Khu kinh tế biển Thái Bình có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế khu vực; kết nối thuận lợi với các trục giao thông huyết mạch của quốc gia; gần cảng biển quốc tế Hải Phòng và sân bay quốc tế Hải Phòng.

 

Trong định hướng phát triển giao thông của vùng sẽ có quốc lộ ven biển, đường cao tốc Ninh Bình- Hải Phòng- Quảng Ninh qua Thái Bình. Trong tương lai gần với những điều kiện về hạ tầng kết nối bên ngoài đã sẵn có và phát triển  với sự tác động của hai công trình điểm lớn trên địa bàn là Nhà máy điện Mỹ Lộc và cảng biển Diêm Điền, cùng với việc hình thành đường ống dẫn khí vào bờ, khu kinh tế biển Thái Bình sẽ tạo ra bước đột phá lớn trong phát triển KT- XH của các huyện Thái Thụy, Tiền Hải và toàn tỉnh sẽ đóng góp vào tăng trưởng của vùng nam đồng bằng sông Hồng rất lớn.

 

Khu kinh tế biển có quy mô diện tích trên 20.000 ha và đáp ứng yêu cầu phát triển tổng hợp của khu kinh tế. Điều đáng nói là phần dự kiến xây dựng chủ yếu là khu vực bãi bồi ven biển, không ảnh hưởng tới việc giải phóng mặt bằng, quốc phòng và sinh thái ven biển. Diện tích này phù hợp cho quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị… với chi phí đầu tư không cao như các vùng khác. Không tác động tiêu cực đến các khu bảo tồn thiên nhiên mà tiếp tục phát triển thêm quỹ đất cho các khu vực ven biển, hình thành mới các vành đai sinh thái ngập mặn, là lá chắn cho khu vực đất liền.

 

Bài toán đặt ra là triển vọng tăng trưởng và phát triển khu kinh tế biển Thái Bình đến năm 2020 sẽ ra sao? Theo điều tra của các nhà chuyên môn thì: Khu vực ven biển Thái Bình hiện ở mức xuất phát điểm thấp, nên trong triển vọng trở thành một khu vực động lực kinh tế của tỉnh thì trong giai đoạn 2010- 2015 khu Kinh tế biển Thái Bình cần có mức tăng trưởng cao trên 18%/năm.

 

Trong đó, công nghiệp, xây dựng tăng trưởng bình quân 27- 28%/năm; dịch vụ: 21-22%/năm, nông nghiệp tăng 6-7%/năm. Nếu giữ được nhịp tăng như trên, cùng với việc thu hút tốt các loại hình sản xuất công nghiệp có lợi thế, khai thác tốt thế mạnh về du lịch biển vào khu kinh tế… thì khả năng bắt kịp trung bình chung của tỉnh và vùng là hoàn toàn có tính khả thi.

 

Theo đó, đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người khu kinh tế gấp 1,3 lần so với toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch sang công nghiệp chiếm 58%; dịch vụ 28%; nông nghiệp 14%. Vai trò và vị thế cña khu kinh tế trong tỉnh Thái Bình đến năm 2020 sẽ ngày một rõ nét, thể hiện qua nhiều chỉ tiêu: Đóng góp GDP chiếm 18,5%, xuất khẩu bằng 19,2%; thu nhập bình quân đầu người bằng 133% so toàn tỉnh.

 

Tuy nhiên, để đi tới tầm nhìn 2020, các nhà chuyên môn đề xuất lộ trình phát triển khu kinh tế biển theo ba giai đoạn: từ 2011- 2015, mục tiêu của giai đoạn này là: hoàn thiện các công tác chuẩn bị, tạo điều kiện để phát triển nhanh khu kinh tế trong giai đoạn sau. Từ năm 2016- 2020, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế và chuẩn bị các điều kiện tiền đề để phát triển theo quy hoạch vào những năm sau đến 2020. Từ sau năm 2020 tiếp tục điều chỉnh bổ sung và hoàn thiện quy hoạch phát triển chung toàn khu kinh tế.

 

Việc Chính phủ đồng ý cho tỉnh Thái Bình xây dựng khu kinh tế biển không chỉ do Thái Bình có biển mà còn hội đủ các điều kiện để phát triển kinh tế tổng thể khu vực nam đồng bằng sông Hồng và phát triển kinh tế của cả nước. Đây là cơ hội và thách thức lớn đối với Thái Bình, trong tương lai không xa, Thái Bình trở thành khu kinh tế biển thứ 15 của cả nước.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa