Chủ nhật, 28/07/2024, 07:26[GMT+7]

Chuyển biến trong sản xuất lúa xuân ở Ðông Phong

Thứ 6, 21/02/2014 | 08:30:47
872 lượt xem
Ðông Phong không phải là xã điển hình trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Ðông Hưng nhưng đến nay địa phương đã có chuyển biến lớn về cơ cấu giống, mùa vụ, nhất là trong sản xuất lúa xuân. Tỷ lệ gieo cấy giống lúa ngắn ngày, gieo thẳng ngày càng cao, nhiều giống lúa mới được đưa vào sản xuất. Cùng với đó là sự chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của người dân trong gieo cấy, góp phần đưa năng suất lúa xuân đạt bình quân 67 tạ/ha trở lên.

Chủ nhiệm HTX DVNN xã Ðông Phong kiểm tra diện tích gieo thẳng trên cánh đồng lúa Nhật.

 

Ðông Phong là xã nhỏ có 3.000 dân sinh sống ở 4 thôn, đời sống thu nhập của người dân khá cao, lực lượng lao động đi làm ăn xa tương đối lớn nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất nông nghiệp của xã. Trong sản xuất nông nghiệp, vụ lúa xuân là có bước chuyển biến lớn nhất. Từ năm 2006 trở về trước, giống lúa dài ngày thường chiếm 100% diện tích. Tới năm 2008 tỷ lệ lúa dài ngày giảm dần xuống còn 70% và 4 năm gần đây đã chuyển hầu hết sang gieo cấy giống lúa ngắn ngày với tỷ lệ đạt trên 95% diện tích. Ngoài ra, tỷ lệ gieo thẳng cũng có bước tiến đáng kể, từ chỗ chỉ làm lẻ tẻ, không quy hoạch vùng thì tới nay đã chiếm tới trên 70% diện tích. Tỷ lệ cơ giới hóa các khâu sản xuất cũng ngày một cao với 10 máy làm đất cỡ trung, 1 máy cỡ to đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu mùa vụ.

 

Có sự chuyển biến trên, những năm qua, Ðảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể vào cuộc quyết liệt trong việc tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên về chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ. Thực hiện đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, trong đó chú trọng đẩy mạnh thời lượng tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, trong các buổi họp và các buổi sinh hoạt với các cơ sở thôn. Ngoài ra, HTX DVNN thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật vào đầu vụ để bà con nông dân thực hiện đúng lịch thời vụ gieo cấy. Ðặc biệt, từ khi xã bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới theo phương châm làm từ đồng vào làng đã tạo động lực để người dân thực hiện theo chủ trương của xã đề ra.

 

Cuối năm 2010, Ðông Phong đã thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, số thửa đã giảm từ hơn 3 thửa xuống còn 1,5 thửa/hộ và thực hiện chỉnh trang đồng ruộng. Tới nay toàn xã đã cứng hóa được 5/6,7km kênh mương cấp 1, đào đắp được 2,3km đường bờ vùng, dự tính tới tháng 3 sẽ hoàn thành khâu cứng hóa. Từ đó công tác thủy lợi cũng hoạt động hiệu quả hơn, việc khơi thông dòng chảy cũng được diễn ra thường xuyên theo mùa vụ. Tất cả những yếu tố đó đã tạo thuận lợi cho việc canh tác của bà con, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về thời vụ gieo cấy. Ðến nay đã xuất hiện nhiều hộ gieo thẳng từ 4 - 5 mẫu, điển hình như gia đình ông Tống Văn Khánh (thôn Tự Phú), Ðào Văn Sơn (thôn Châu Giang), Kim Chi Na (thôn Châu Giang).

 

Vụ lúa xuân năm 2014, Ðông Phong gieo cấy 150ha, trong đó giống lúa ngắn ngày chiếm tới trên 90% diện tích và trên 70% diện tích gieo thẳng với các giống chủ lực như TBR1, BC15, Bắc thơm. Ðặc biệt, vụ xuân năm 2014 lần đầu tiên Ðông Phong tổ chức quy vùng cấy 35ha giống lúa Nhật hàng hóa với gần 200 hộ tham gia. HTX DVNN chủ động cung ứng giống, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho 100% hội viên tham gia gieo cấy. Ðến nay, toàn xã đã cơ bản gieo cấy xong. Ðể phòng tránh những bất lợi do thời tiết gây ra, bảo đảm năng suất lúa xuân, thời gian qua, HTX đã chủ động tuyên truyền bà con không nên cấy khi nhiệt độ dưới 150C và chỉ cấy khi nhiệt độ từ 150C trở lên. Ðối với diện tích lúa đã cấy, cần giữ nước tránh rét cho lúa và tiếp tục vét nước tránh ngập úng khi lúa chưa ra lá thật đối với diện tích  gieo thẳng. Chủ động chuẩn bị mạ dự phòng để bổ sung khi lúa bị chết rét.

 

Có mặt tại cánh đồng thôn Cổ Hội Ðông - nơi quy vùng gieo thẳng 35ha giống lúa Nhật, chúng tôi thấy nhiều thửa ruộng mạ đang lên lá mầm, có tiến triển tốt. Ông Lương Văn Thắng hồ hởi kể: “Mấy năm gần đây tôi đều gieo cấy 100% giống ngắn ngày trà xuân muộn. Vụ xuân năm 2014 tôi cấy 2,2 mẫu, trong đó 1,8 mẫu gieo thẳng trong vùng sản xuất lúa Nhật’’. Là năm đầu tiên tham gia vào vùng sản xuất lúa Nhật hàng hóa của xã nên để tránh thiệt hại về thời tiết rét đậm gây ra, ông Thắng cũng như nhiều hộ khác đã dừng việc gieo cấy trong những ngày dưới 150C.

 

Ðối với lúa cấy, tuy tốc độ sinh trưởng, phát triển chậm nhưng cũng đang trên đà phục hồi, không bị chết; diện tích lúa gieo thẳng cũng đang lên lá. Nếu thời tiết thuận lợi, chắc chắn vụ lúa xuân này gia đình ông Thắng sẽ tiếp tục đạt năng suất bình quân 2,5 tạ/sào như mọi năm. Chị Phan Thị Nguyện cũng là một trong những hộ gieo cấy với diện tích lớn, chị chia sẻ: “Hàng năm, tôi đều thuê thêm ruộng để cấy, 5 năm trở lại đây tôi chuyển sang gieo cấy giống lúa ngắn ngày trà xuân muộn’’. Vụ xuân này chị Nguyện cấy 1,5 mẫu, trong đó gieo vãi 5 sào trong vùng sản xuất lúa Nhật và cấy 1 mẫu ở những xứ đồng khác. Mặc dù thời tiết rét đậm mấy ngày vừa qua nhưng diện tích gieo cấy của nhà chị vẫn chưa có biểu hiện bị chết do rét. Không chủ quan trước những diễn biến bất thường của thời tiết nên chị Nguyện vẫn dự phòng một số ít mạ để gieo cấy lại nếu lúa không có khả năng phục hồi.

 

Ðể bảo đảm giành thắng lợi cao nhất về năng suất lúa xuân, trong thời gian tới HTX DVNN xã Ðông Phong tiếp tục chỉ đạo bà con giữ ấm cho lúa. Dự kiến nếu thời tiết ấm trở lại sẽ chỉ đạo bà con tập trung bón phân, chăm sóc cho lúa mới cấy. Khi lúa ra rễ trắng sẽ bón nhử đạm, đồng thời cũng bón nhử cho diện tích rắc vãi khi lên được 2 lá mầm...

Thu Thủy

 

  • Từ khóa