Thứ 5, 23/01/2025, 01:01[GMT+7]

Sản xuất vụ xuân năm 2014 Nông dân nhọc nhằn sau đợt rét đậm, rét hại

Chủ nhật, 23/02/2014 | 21:52:24
1,658 lượt xem
Theo số liệu thống kê của các huyện, thành phố, đến nay toàn tỉnh đã gieo cấy được trên 70.000 ha lúa xuân, trong đó gieo thẳng đạt gần 24.000 ha. Tuy nhiên, niềm vui đã không trọn vẹn với các hộ nông dân khi đợt rét đậm, rét hại vừa qua ảnh hưởng nghiêm trọng tới gần 10.200 ha lúa xuân; trong đó diện tích phải dồn dặm lại là 8.190 ha và 1.980 ha có khả năng phải gieo cấy lại hoàn toàn. Mặc dù trong những ngày qua nhiệt độ đã tăng dần, thời tiết ấm hơn, song trời vẫn mưa nên

Nông dân xã Song Lãng (Vũ Thư) che phủ nilon để giữ ấm cho mạ.

Ngày 23/2, trời vẫn mưa tầm tã, trên các cánh đồng ở xã Song Lãng (Vũ Thư) rất nhiều nông dân đang cặm cụi lựa chọn những khoảnh mạ còn sống mang đi để cấy dặm và cấy lại. Chúng tôi có mặt tại cánh đồng thôn Trung, xã Song Lãng, nhìn những thửa mạ đang chuyển dần sang màu đen, những cây lúa đã cấy nằm rạp mặt ruộng phải bừa đi thật xót xa.

Bà Hoàng Thị Thơi, thôn Trung, xã Song Lãng nghẹn lòng cho biết: Gia đình bà cấy gần 1 mẫu bằng nhiều loại giống khác nhau, trong đó có 3 sào cấy giống Q5 bị chết. Để gieo cấy kịp thời vụ, hiện nay phải tận dụng những cây lúa còn sống dồn lại và số mạ thừa để cấy lại, do đó có rất nhiều giống lúa khác nhau cấy cùng trên một thửa. Cách ruộng nhà bà Thơi không xa, bà Nguyễn Thị Quế đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn phải chịu rét, chịu mưa một mình dùng cào cào lại thửa ruộng lúa mới chết. Bà Quế cho biết: Gia đình bà cấy 7 sào, hiện đã có 2,5 sào giống lúa BT7 bị chết; do gia đình không có nhiều lao động nên cách khắc phục duy nhất là gieo thẳng để kịp thời vụ.

Nhiều thửa mạ ở xã Văn Lang (Hưng Hà) khi nhổ lên chỉ còn là nắm bùn đen

Để chủ động đưa tin về tình trạng lúa, mạ chết hiện nay và biện pháp kỹ thuật gieo cấy lúa xuân bảo đảm an toàn trong điều kiện thời tiết bất thuận của các địa phương ở Hưng Hà, chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại với một số đồng chí chủ tịch UBND xã, chủ nhiệm HTX DVNN như Độc Lập, Chí Hòa, Văn Lang... để đến làm việc, nhưng đều nhận được câu trả lời là đang bận việc riêng. Trong khi đó, Công điện số 02, ngày 21/2/2014 của UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp vụ xuân năm 2014 đã nêu: “Các địa phương tạm hoãn các cuộc họp, tham quan chưa cần thiết để tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp vụ xuân năm 2014. Địa phương nào không chỉ đạo quyết liệt, chủ quan, để lúa chết, nông dân không gieo cấy do thiếu giống, thiếu mạ thì đồng chí chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh”. Đồng thời Công điện của UBND tỉnh cũng khẳng định việc đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền về các giải pháp kỹ thuật, phòng chống rét cho lúa, mạ để nông dân biết thực hiện là rất quan trọng. Tuy nhiên, không biết lý do gì, là ngày nghỉ (chủ nhật), hay các đồng chí chỉ đạo sản xuất nông nghiệp ở địa phương bận việc riêng mà “quên” Công điện của UBND tỉnh.

Nông dân xã Phú Châu (Đông Hưng) cấy lại diện tích lúa bị chết.

Chúng tôi có mặt trên cánh đồng thôn Thưởng Duyên, xã Văn Lang (Hưng Hà), tuy trời rét, mưa nặng hạt, nhưng rất nhiều hộ nông dân tranh thủ thời tiết đang ấm dần để đưa mạ cấy mới và cấy lại cho kịp thời vụ.

Trên cánh đồng xã Phú Châu (Đông Hưng), tình trạng lúa, mạ chết phải gieo cấy lại cũng khá nhiều, có thửa mạ chết gần hết nên người dân chỉ chọn những khoảnh mạ còn khỏe để nhổ cấy. Qua tìm hiểu về lịch gieo mạ và thời vụ cấy, cách thức bón phân của các hộ nông dân thì nguyên nhân dẫn đến mạ, lúa chết cơ bản do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra. Các giống lúa bị chết chủ yếu là BC15, BT7, T10 cấy bằng mạ non và dược dày vào những ngày 8, 9, 10 tháng 2 và một số ruộng gieo thẳng trước ngày 6/2 đã được trên 1 lá vào những ngày rét hại.

Những thửa mạ ở Phú Châu (Đông Hưng) đã nhổ nhem nhở, số còn lại là mạ chết.

Bà Phạm Thị Kim Hoàn, Trưởng phòng Trồng trọt - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tính đến ngày 20/2, các địa phương có diện tích lúa phải dồn, dặm và cấy lại gồm Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Tiền Hải và Vũ Thư với diện tích trên 1.000 ha/huyện, các huyện, thành phố còn lại là dưới 1.000 ha. Nguyên nhân lúa bị chết do những ngày rét đậm, rét hại trong tháng 2 đúng vào thời điểm bà con nông dân gieo cấy rộ. Ngoài ra, một số diện tích mạ BC15 của Hưng Hà bị chết và táp lá nhiều là do cây mạ cao, dảnh yếu; nguyên nhân do nông dân gieo mạ quá dày, phun thuốc kích thích sinh trưởng, bón phân có lượng đạm cao, hoặc không che nilon cho mạ ở đợt rét đầu.

Nhiều thửa ruộng lúa ở Phú Châu (Đông Hưng) lá bị táp, có khả năng sẽ bị chết.

Theo bà Hoàn, để khắc phục kịp thời tình trạng mạ, lúa bị chết, các địa phương cần thực hiện ngay việc kiểm tra, rà soát, thống kê lại diện tích lúa bị chết rét và nguy cơ bị chết (biểu hiện như thối đen rễ, thân mềm, nhũn). Đồng thời, cần cân đối diện tích mạ còn lại cũng như lượng giống ngắn ngày đã ngâm ủ, nếu thiếu bổ sung bằng các giống N87, TBR1, RVT và các giống lúa lai có thời gian sinh trưởng tương đương... để bảo đảm đủ lượng mạ cấy hết diện tích và kịp thời vụ. Đối với ruộng lúa bị ảnh hưởng, ưu tiên tỉa dặm tại chỗ, sau 3 - 4 ngày thời tiết ấm, lúa hồi phục ra rễ mới tiến hành tỉa lúa ở những khóm nhiều dảnh để dặm, chỉ để lại mỗi khóm 1 - 2 dảnh với lúa lai và BC15, các giống khác để lại 2 - 3 dảnh/khóm; bón phân NPK có hàm lượng lân cao hoặc phun các chất hỗ trợ sinh trưởng để kích thích ra rễ mới. Đối với gieo thẳng, khi lúa được hơn 2 lá tiến hành tỉa dặm, giữ mật độ từ 100 - 110 cây/m2 và bón nhử cho lúa bằng NPK thúc, sau đó chăm sóc bình thường.

Nguyên Bình

  • Từ khóa