Thứ 6, 27/12/2024, 04:08[GMT+7]

Các giải pháp đồng bộ chủ động ứng phó với dịch bệnh gia súc, gia cầm

Thứ 6, 28/02/2014 | 08:19:56
1,247 lượt xem
Những ngày cuối tháng 2/2014, diễn biến dịch cúm gia cầm A/H5N1 ở trong nước ngày càng diễn biến phức tạp, số tỉnh có ổ dịch cúm gia cầm đang ngày một gia tăng. Ðặc biệt, dịch cúm A/H7N9 đang hoành hành tại Trung Quốc đã gây tử vong 100 người và hàng trăm ca bị nhiễm đang phải nhập viện điều trị.

Năm 2013, do kiểm soát chặt chẽ các phương tiện ra, vào nên xã Vũ Vân (Vũ Thư) đã nhanh chóng khống chế được dịch tai xanh ở lợn.

Mặc dù Thái Bình chưa xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm nào và đàn gia súc vẫn tương đối an toàn, song theo nhận định của tỉnh, các ngành chức năng thì nguy cơ phát sinh dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh trên lợn trong thời gian tới là rất cao. Hơn lúc nào hết, các ngành chức năng, đơn vị, địa phương và nhân dân cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để bảo đảm cho lĩnh vực chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững.

Nguy cơ dịch bệnh bùng phát

Hiện nay, tổng đàn lợn trong toàn tỉnh có trên 1 triệu con, trong đó có trên 300.000 con đến tuổi xuất chuồng; đàn gia cầm có trên 11 triệu con, trong đó có khoảng 3 triệu con đã đến tuổi xuất chuồng. Tại cuộc họp của UBND tỉnh về triển khai kế hoạch phòng, chống dịch cúm gia cầm, ông Lê Văn Thăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nếu không thực hiện tốt các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để xảy ra dịch bệnh thì số lợn, gà đã đến tuổi xuất chuồng trên bị thiệt hại là rất lớn.

Thực tế cho thấy, vi rút cúm gia cầm hiện vẫn xuất hiện tại các chợ và một số điểm chăn nuôi. Trong tháng 1/2014, Chi cục Thú y đã lấy mẫu giám sát vi rút cúm gia cầm tại một số chợ bán gia cầm sống cho thấy, có 4/18 mẫu dương tính với vi rút cúm A, 3/4 mẫu dương tính với cúm H5 và 2/3 mẫu dương tính với cúm A/H5N1; tháng 2, có 1/6 mẫu dương tính với cúm A; ngoài ra còn một số bệnh thông thường khác vẫn rải rác xảy ra trên đàn gia cầm ở một số địa phương trong tỉnh.

Ðối với bệnh tai xanh trên đàn lợn hiện chưa có địa phương nào xuất hiện ổ dịch, nhưng khả năng bùng phát cũng rất cao, bởi năm 2013, dịch đã từng xảy ra ở một số xã của huyện Vũ Thư, Kiến Xương và Thành phố Thái Bình. Ngày 24/2/2014, Ðội kiểm dịch lưu động của Chi cục Thú y đã phát hiện, tịch thu, tiêu hủy 6 con lợn, trong đó có 5 con đã bị chết có biểu hiện mắc bệnh tai xanh được vận chuyển từ tỉnh Nam Ðịnh vào địa bàn tỉnh qua bến đò Cát, xã Vũ Vân (Vũ Thư). Với diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở các tỉnh ngoài và sự lưu hành vi rút cúm trên gia cầm trong tỉnh đã phần nào khẳng định nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở các địa phương trong thời gian tới là rất cao.

Giải pháp đồng bộ

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật và dịch cúm A (H7N9, H5N1) ở người đã đưa ra kịch bản, biện pháp phòng, chống cả khi chưa có dịch và khi có dịch xảy ra. Biện pháp ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người được đặt lên hàng đầu.

Theo đó, các ngành chức năng cần tăng cường quản lý nguồn gốc gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập vào địa phương, nhất là tại các bến đò, phà giáp ranh với các tỉnh có ổ dịch cúm A/H5N1. Gia cầm, sản phẩm gia cầm bán tại các chợ trong tỉnh phải được quản lý lưu giữ thông tin để truy xuất nguồn gốc. Ðối với các chợ có bán và giết mổ gia cầm cần tách riêng khu vực bán gia cầm sống và giết mổ, đồng thời tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi buổi chợ.

Ngoài ra, các phương tiện, dụng cụ vận chuyển, chứa đựng gia cầm, sản phẩm gia cầm cũng phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Ngay từ cuối tháng 2 đến hết tháng 3/2014, các địa phương phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng theo hướng dẫn của đơn vị chuyên môn. Tập trung lấy mẫu giám sát trên gia cầm buôn bán tại các chợ thuộc chương trình dự án VAHIP, FAO năm 2014.

Ðồng thời tăng tần suất, số lượng và mở rộng địa điểm lấy mẫu giám sát vi rút cúm gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao như nơi có ổ dịch cũ, chợ của các xã có bến đò, phà giáp ranh với tỉnh khác và địa phương có nhiều hộ buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, nơi có mật độ chăn nuôi cao. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở trong nước và các biện pháp phòng, chống. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng ngừa dịch xâm nhập tại các địa bàn có nguy cơ cao và các đội kiểm dịch liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch... Trong tình huống phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường, nhưng chưa lây sang người, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phân công đội ứng phó nhanh trực tiếp xuống địa bàn có mẫu dương tính để hỗ trợ việc phòng, chống dịch.

Ðồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở Y tế thực hiện điều tra dịch tễ, thông báo cho chính quyền địa phương và người dân biết để phòng tránh lây nhiễm vi rút. Nếu phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên các mẫu lấy ở chợ phải cấm tạm thời việc buôn bán gia cầm sống trong thời gian tối thiểu là 7 ngày để phục vụ công tác điều tra dịch tễ, xác minh nguồn gốc của vi rút trong chợ...

Ðể phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm có hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc kiện toàn và phân công Ban chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật và dịch cúm A (H5N1, H7N9) ở người, do đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo. Theo đó, các thành viên trong Ban chỉ đạo được phân công nhiệm vụ cụ thể, phụ trách chỉ đạo từng nội dung.

Nguyên Bình

  • Từ khóa