Chủ nhật, 28/07/2024, 07:27[GMT+7]

Quy vùng sản xuất Giải pháp để Vũ Thư phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ 2, 03/03/2014 | 09:48:28
2,293 lượt xem
Thời gian qua, huyện Vũ Thư đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch đồng ruộng, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, xen canh đồng thời khuyến khích các hộ dân tận dụng diện tích đất trũng để xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp.

Trồng mướp đắng ở HTX Tân Phong (Việt Hùng, Vũ Thư) cho giá trị kinh tế cao.

Thời gian qua, huyện Vũ Thư đã có những bước chuyển đổi trong phát triển nông nghiệp phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển. Tập trung làm tốt công tác quy hoạch đồng ruộng, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, xen canh đồng thời khuyến khích các hộ dân tận dụng diện tích đất trũng để xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp. Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Vũ Thư đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích bà con nông dân xây dựng các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa

Theo ông Bùi Gia Khương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vũ Thư: Thuận lợi của địa phương là ngoài đất đai màu mỡ, phù hợp với thâm canh cây lúa, cây màu, người dân nơi đây còn có kinh nghiệm và trình độ thâm canh cao. Những năm qua, các xã, thị trấn đã hoạch định rõ từng loại đất ở các xứ đồng theo địa bàn của từng thôn và toàn xã trên cơ sở dựa vào địa hình và thành phần cơ giới của đất để bố trí cơ cấu cây trồng nói chung, giống lúa nói riêng cho phù hợp với điều kiện đất đai. Ðiển hình như vụ xuân này, nhiều xã thực hiện quy hoạch cánh đồng mẫu từ 50 - 100 ha cấy cùng một giống lúa.

Với vùng thâm canh lúa chất lượng cao đã dần hình thành “thương hiệu” cho chính mình, tạo được uy tín trên thị trường. Như vùng sản xuất lúa Nhật với diện tích 150 ha tại xã Song An; vùng cánh đồng mẫu ở Nguyên Xá, vùng cấy lúa nếp cái hoa vàng ở Duy Nhất... Từ việc quy vùng cấy lúa theo công thức xuân muộn + mùa sớm + cây vụ đông ưa ấm, vùng trồng cây vụ đông được mở rộng, tập trung vào cây đậu tương, ngô, khoai tây, bí xanh, các loại rau màu. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa lớn tập trung hình thành như vùng rau an toàn tại các xã Hồng Lý, Trung An, Song An, Hồng Phong; vùng hoa, cây cảnh tại các xã Bách Thuận, Tân Lập; cánh đồng mướp đắng và một số cây màu khác rộng 5 ha thuộc 2 thôn An Lộc và Lang Trung (xã Trung An), 1 ha mướp đắng cho giá trị khoảng 300 triệu đồng/năm.

Dồn điền đổi thửa là việc tất yếu trong quy vùng sản xuất nông nghiệp. Dồn đổi ruộng đất nhằm hoàn thiện quy hoạch đồng ruộng, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, khắc phục tình trạng phân tán, manh mún về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nông dân đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa vào sản xuất, đầu tư thâm canh chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra sản phẩm hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng, quản lý chặt chẽ, có hệ thống đất nông nghiệp. Vũ Thư triển khai việc dồn điền đổi thửa từ năm 2010, đến nay, các xã đã dồn đổi còn 91.600 thửa, giảm hơn 117.000 thửa so với trước khi dồn đổi, trong đó số hộ có 1 thửa là 24.329 hộ, số thửa bình quân sau dồn đổi 1,78 thửa/hộ.

Ðặc biệt, để giúp nông dân nâng cao hiệu quả từ các mô hình sản xuất, Vũ Thư đã tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ðến nay, toàn huyện có 1.279 máy làm đất, 163 máy gặt đập liên hợp. Ngoài ra, huyện còn đầu tư, hỗ trợ kinh phí để tiếp thu các giống cây trồng mới vào sản xuất đại trà như giống ngô lai cho năng suất cao, giống khoai tây sạch bệnh, mướp đắng, ớt; các loại rau chất lượng như súp lơ, cà chua, dưa chuột bao tử…

Theo đề án quy vùng sản xuất nông nghiệp của Vũ Thư, giai đoạn 2014 - 2020 sẽ hình thành những vùng sản xuất lớn tại các xã như: vùng sản xuất bí xanh, bí ngô vụ đông trên chân đất vàn – vàn cao, thực hiện công thức luân canh 3 vụ/năm với diện tích 200 ha; vùng chuyên sản xuất khoai tây giống rộng 80 ha, vùng trồng rau màu tại các địa phương có quỹ đất chuyên màu, diện tích lên đến 1.900 ha, trong đó có khoảng 400 ha trồng 2 lứa rau/vụ đông.

Cũng theo ông Khương, vùng sản xuất hàng hóa tập trung có thể xây dựng dưới dạng: vùng chuyên canh, vùng đa canh hoặc kết hợp chuyên canh một loại cây trồng chủ lực với đa canh nhiều loại cây trồng khác. Khuyến khích các hộ nông dân có ruộng cùng một xứ đồng tập hợp lại để xây dựng vùng chuyên canh, sản xuất cùng một loại sản phẩm phù hợp với đặc điểm của địa phương và nhu cầu của thị trường. Các hộ trong vùng không có nhu cầu, điều kiện sản xuất có thể chuyển sang sản xuất các loại hình khác để nhượng lại đất cho các hộ có nhu cầu.

Ngoài ra, muốn xây dựng vùng sản xuất hàng hóa mang tính ổn định cần phải giải quyết đồng bộ các vấn đề: thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư cho sản xuất, đầu tư hạ tầng cơ sở, đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân, đưa cơ giới hóa vào các khâu của quá trình sản xuất, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.

Mạnh Thắng

  • Từ khóa