Vũ Thư, Kiến Xương Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi
Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm A/H5N1 đang xảy ra tại một số tỉnh, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều chủng virút cúm khác nhau, đặc biệt đã xuất hiện biến chủng vi rút mới - cúm A/H7N9 không có biểu hiện gây bệnh lâm sàng trên gia cầm, gây tử vong cao trên người và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Nhu cầu sử dụng thịt gia cầm sau Tết Nguyên đán còn rất cao, do đó nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ, giết mổ gia cầm là rất lớn. Bên cạnh đó, các địa phương đang tập trung nhân lực cho sản xuất vụ xuân, các hộ chăn nuôi và chính quyền một số địa phương có phần chủ quan lơ là, công tác phòng chống dịch thực hiện chưa đồng bộ. Do vậy nguy cơ lây lan dịch rất cao.
Khi chúng tôi trao đổi về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại huyện Vũ Thư, bà Trần Thị Kim Huê, Phó Trưởng trạm Thú y huyện Vũ Thư cho biết: Ðể chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, huyện Vũ Thư đang tích cực, chủ động theo dõi và triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện. Khi có thông tin về dịch cúm gia cầm tại các tỉnh, thành phố trong khu vực, dự báo có nguy cơ lây lan vào địa bàn Vũ Thư qua đường vận chuyển, Trạm Thú y huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Trạm Thú y huyện xuống từng địa bàn nắm tình hình, thành lập ngay các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh đến tận thôn, xã và tập trung vào các địa bàn có nguy cơ xảy ra dịch cúm cao; ký cam kết với 18 chủ bến phà, đò giáp ranh với tỉnh Nam Ðịnh là tỉnh xảy ra dịch cúm gia cầm, không được tiếp tay vận chuyển gia cầm từ vùng có dịch sang địa bàn huyện. Thường xuyên tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về nguy cơ, tác hại của vi rút cúm gia cầm và khả năng lây lan sang người nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng; vận động nhân dân không sử dụng các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; không chăn nuôi khi không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn sinh học.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm huyện cũng chỉ đạo áp dụng các biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch như: Thực hiện khử trùng tiêu độc ở các nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, nhất là những địa phương giáp ranh với tỉnh Nam Ðịnh. Thường xuyên tăng cường việc kiểm tra, xử lý các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc; tăng cường tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi khi nhập gia cầm về phải rõ nguồn gốc, báo cáo với thú y xã để đăng ký và tiêm phòng đầy đủ. Tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh; vận động người dân nuôi nhốt và tiêm phòng các loại vắc xin cho gia cầm.
Ðối với đàn thuỷ cầm, hạn chế thả rông, thực hiện các biện pháp nuôi nhốt tập trung. Về vệ sinh tiêu độc khử trùng, tổng số hóa chất huyện Vũ Thư cấp cho các địa phương để phun trong “Tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc và chống dịch” là 3.048 kg, hàng chục tấn vôi bột với tổng diện tích khử trùng đạt trên 9.192.000 m2, ngoài ra huyện được bổ sung 1.550 kg hóa chất trong tháng 2/2014 để phục vụ cho công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Ðể nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ thú y viên, Vũ Thư mở 4 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho thú y cơ sở về công tác phòng, chống dịch, 5 lớp tập huấn cho trên 250 chủ trang trại, hộ chăn nuôi về kỹ thuật thú y.
Nhận thức rõ việc phòng chống dịch bệnh tốt là yếu tố quan trọng giúp chăn nuôi hiệu quả, nên các hộ chăn nuôi gia cầm ở xã Vũ Vân đã chủ động thực hiện tốt các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh. Theo ông Nguyễn Duy Khiên, Trưởng Ban chăn nuôi xã Vũ Vân, trên địa bàn xã hiện có gần 20.000 con gia cầm các loại. Ðể hạn chế rủi ro trong chăn nuôi, UBND xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống cúm gia cầm, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn từng thôn. Triển khai phun thuốc khử trùng 2 đợt trên 48 lít hóa chất trên địa bàn 6 thôn. Lập 2 chốt kiểm soát, có 11 công an viên luân phiên cắm chốt tại bến phà Sa Cao, đò Cát. Thường xuyên tuyên truyền trên Ðài Truyền thanh xã 3 lần/ngày về các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm để nhân dân phòng, chống dịch bảo vệ đàn gia cầm an toàn.
Gia trại của anh Trịnh Xuân
Ðối với gia đình anh Trịnh Xuân Nam, thôn Liên Hồng, xã Bách Thuận thường xuyên duy trì chăn nuôi khoảng 900 con gà nên việc làm tốt vệ sinh chuồng trại luôn được quan tâm, bảo đảm thông thoáng, mật độ nuôi hợp lý; thường xuyên quét dọn vệ sinh chuồng trại, thu gom và xử lý chất thải. Sau khi tái đàn khoảng 1 tuần đã chủ động phòng ngừa bệnh cho đàn gia cầm một số bệnh như Newcatxơn, tụ huyết trùng, cúm...
Với 5 xã: Vũ Bình, Vũ Hòa, Bình Thanh, Minh Tân, Hồng Tiến giáp ranh với Nam Ðịnh - nơi xuất hiện dịch cúm gia cầm A/H5N1, nên tuy Kiến Xương chưa xuất hiện ổ dịch nhưng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các địa phương lân cận, huyện đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm.
Ông Nguyễn Minh Vượng, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện cho biết, huyện Kiến Xương hiện có 100.139 con lợn, 3.364 con trâu, bò, tổng đàn gia cầm là 951.537 con. Mật độ chăn nuôi cao, thời tiết lạnh ẩm kéo dài là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn huyện. Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm H5N1 tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Nam Ðịnh, tiếp giáp với 5 xã của huyện, để chủ động ứng phó với dịch bệnh động vật trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch, phân công nhiệm vụ cụ thể, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm, nhất là nơi có ổ dịch cũ, bến đò, bến phà giáp ranh với tỉnh bạn. Tổ chức thực hiện hiệu quả “Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng”, chú trọng khử trùng sau mỗi phiên chợ với các chợ có buôn bán gia súc gia cầm, sản phẩm gia cầm, thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng bằng hóa chất ít nhất mỗi tháng một lần...
Cán bộ thú y xã Vũ Hòa (Kiến Xương) phun thuốc tiêu độc khử trùng tại chốt kiểm dịch.
Gắn bó với nghề chăn nuôi gia cầm từ nhiều năm nay, ông Ðoàn Trọng Nhân, thôn Ðông Thành, xã Bình Minh cho biết: Gia đình ông thường xuyên duy trì nuôi khoảng 800 con vịt, trên 100 con lợn. Ðể giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi thì trước hết người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về công tác thú y. Mỗi khi nhập đàn mới về nuôi, ông luôn thông báo tới cán bộ thú y của xã, tổ chức tiêm phòng nhờ đó hàng năm đàn gia súc, gia cầm của gia đình ông phát triển tốt, tránh được dịch bệnh.
Là một trong những xã giáp ranh với Nam Ðịnh, việc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi luôn được đặt lên hàng đầu đối với xã Vũ Hòa. Hiện toàn xã có 1.330 con lợn, 21.726 con gia cầm, 150 con trâu, bò. Ðể phòng tránh dịch bệnh phát sinh, lây lan, xã tổ chức ký cam kết với các hộ buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm đồng thời tăng cường phối hợp giữa cán bộ thôn và Ban chăn nuôi thú y xã kiểm kê đàn gia súc, gia cầm, giám sát tình hình dịch bệnh. Xã cũng thành lập đội kiểm dịch lưu động, tổ chức phun tiêu độc khử trùng khu vực chợ, tại các hộ chăn nuôi lớn và khu dân cư.
Ðến thời điểm này, đàn gia súc, gia cầm của xã, an toàn, phát triển tốt. Cũng như Vũ Hòa, Vũ Bình luôn coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Chị Phan Thị Tươi, Trưởng ban Chăn nuôi thú y xã cho biết: Ngoài việc tổ chức ký cam kết, vệ sinh tiêu độc, tiêm phòng, xã đã dự trữ lượng hóa chất phun vệ sinh. Tại các hộ chăn nuôi lớn cũng có lượng vôi bột dự trữ, thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Toàn xã hiện có gần 2.800 con gia cầm, 4.427 con lợn, 107 con trâu, bò. Do có bến đò Mộ Ðạo giáp ranh Nam Ðịnh, xã đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, trong đó chú trọng việc tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về nguy cơ, tác hại của vi rút cúm gia cầm và khả năng lây lan sang người nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng; vận động nhân dân không sử dụng các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; không chăn nuôi khi không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn sinh học. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật xã đã phát động “Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng” trên địa bàn. Theo đó, các ban, ngành, đoàn thể, các thôn có nhiệm vụ tuyên truyền tới hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm phát quang cây cỏ, quét dọn khu vực nuôi nhốt, khơi thông cống rãnh, chủ động nắm chắc tình hình dịch bệnh.
Ðể phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là trong thời điểm giao mùa, dịch có diễn biến phức tạp như hiện nay, bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành thì trên hết vẫn là ý thức của mỗi người dân, tính tự giác, chấp hành của người chăn nuôi. Có như vậy dịch bệnh mới được kiểm soát và xử lý kịp thời.
Mạnh Thắng - Lưu Ngần
Tin cùng chuyên mục
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Hơn 260 doanh nghiệp huyện Hưng Hà tham gia khảo sát Bộ chỉ số DDCI 15.08.2023 | 16:03 PM
Xem tin theo ngày
- Gặp mặt các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Trao quà tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn của xã Hồng Minh
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
- Công bố quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình
- Trao quà tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, học sinh có hoàn cảnh khó khăn của xã Tây Sơn
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2025, phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số và hoàn thành ở mức tốt nhất các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX
- Cần nâng cao “sức đề kháng” trước các thông tin xấu độc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân
- Khẩn trương hoàn thành dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Thăm, tặng quà đảng viên tiêu biểu, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, người có công, người cao tuổi