Chủ nhật, 28/07/2024, 07:37[GMT+7]

Thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và tiêm vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm Biện pháp phòng bệnh mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất

Thứ 4, 05/03/2014 | 08:31:33
1,426 lượt xem
Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng là để chủ động tiêu diệt mầm bệnh còn tồn tại ngoài môi trường, trên đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm cho môi trường chăn nuôi an toàn, góp phần tích cực khống chế dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng (LMLM), tai xanh ở gia súc.

Phun thuốc khử trùng tiêu độc phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Thành Tâm

 

Theo khuyến cáo của Chi cục Thú y, trong điều kiện chăn nuôi hiện nay thì việc thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và tiêm vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm là biện pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người chăn nuôi. Chính vì vậy, hàng năm Chi cục Thú y đã tham mưu cho tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương thực hiện tiêm vắc xin theo mùa vụ và tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng cho đàn gia súc, gia cầm đồng loạt trong toàn tỉnh.

 

Ðặc biệt, trong thời gian này tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trong nước đang diễn biến phức tạp, do đó các địa phương cần nỗ lực chỉ đạo, đôn đốc các hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và tiêm vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo khuyến cáo của các ngành chức năng.

 

Trong những năm gần đây, sản xuất chăn nuôi trong tỉnh phát triển khá ổn định; cơ cấu đàn chuyển dịch theo hướng hàng hóa, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Có được kết quả này là do nhận thức của người chăn nuôi về công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm ngày càng được nâng cao.

 

Ông Nguyễn Văn Ðức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Tiêm vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm không chỉ nhằm tạo miễn dịch chủ động, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh lây lan, tiến tới thanh toán bệnh dịch, bảo đảm sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ðối với vệ sinh, tiêu độc, khử trùng là để chủ động tiêu diệt mầm bệnh còn tồn tại ngoài môi trường, trên đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm cho môi trường chăn nuôi an toàn, góp phần tích cực khống chế dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng (LMLM), tai xanh ở gia súc.

 

Thực tế cho thấy, năm 2013 có 100% các xã, thị trấn, phường có sản xuất chăn nuôi đều triển khai tiêm phòng dịch bệnh theo kế hoạch chỉ đạo của tỉnh. Phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, hiện nay các địa phương đang nỗ lực triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân hè năm 2014 (từ 5/3 - 20/3). Ðể đợt tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đạt kết quả cao, các cấp ủy, chính quyền phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và là trách nhiệm của toàn dân. Theo đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp, hệ thống thú y tăng cường chỉ đạo và tạo điều kiện cho công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm được nhanh, gọn, triệt để, có hiệu quả.

 

Phun thuốc khử trùng tiêu độc phòng chống cúm gia cầm. Ảnh: Thành Tâm

 

Tính đến hết tháng 2/2014, Chi cục Thú y đã cung ứng cho các huyện, thành phố là 122.400 liều vắc xin. Ðối với vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, từ tháng 11/2013 đến 21/2/2014 các địa phương đã sử dụng gần 12,5 tấn hóa chất, trong đó tỉnh hỗ trợ 7.412 kg, các huyện, thành phố hỗ trợ 1.372 kg và 3.667 kg hóa chất được huy động từ cơ sở; lượng vôi bột đã được sử dụng là 203.424 kg; tổng diện tích đã được tiêu độc, khử trùng là 26.127.575m2.

 

Trước diễn biến dịch cúm gia cầm tại Nam Ðịnh, UBND tỉnh đã cấp tiếp 1,5 tấn hóa chất cho huyện Tiền Hải, Vũ Thư, Kiến Xương để thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ở những nơi có nguy cơ cao như bến đò, phà, chợ buôn bán nhiều gia súc, gia cầm nằm giáp ranh với tỉnh Nam Ðịnh. Do diễn biến dịch cúm gia cầm trong và ngoài nước ngày càng phức tạp, UBND tỉnh đã hỗ trợ tiếp các địa phương 12 tấn hóa chất để thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3/2014.

 

Ðến nay, các địa phương đã tiếp nhận đủ lượng hóa chất của tỉnh hỗ trợ đồng thời huy động thêm nguồn lực để mua hóa chất, vôi bột, dụng cụ tổ chức thực hiện. Theo đó, vùng phải tiêu độc, khử trùng gồm toàn bộ khu vực có ổ dịch LMLM, tai xanh, cúm gia cầm cũ và các nơi có nguy cơ cao như nơi giết mổ, nơi buôn bán gia súc, gia cầm... Những cơ sở chăn nuôi tập trung cần phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét dọn, thu gom phân, rác để đốt hoặc chôn; tiêu độc bằng hóa chất, vôi bột toàn bộ chuồng trại, quanh khu vực chăn nuôi 1 lần/tuần. Ðối với chăn nuôi hộ gia đình, ngoài việc quét dọn chuồng nuôi, cần phải phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt và vùng phụ cận 2 lần/tuần hoặc sử dụng vôi bột để rắc 1 lần/tuần.

 

Như vậy, việc tiêm vắc xin và vệ sinh, tiêu độc, khử trùng diễn ra cùng một thời gian, do đó các địa phương cần nỗ lực hết mình và người dân phải nâng cao ý thức trách nhiệm thì mới có thể giảm nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm và bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm. Việc tiêm vắc xin có thể thực hiện theo hình thức cuốn chiếu từng thôn, xóm, hoặc tiêm đồng loạt; các loại vắc xin khi sử dụng phải được sự giám sát, kiểm tra và đồng ý của Chi cục Thú y. Ðối với vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, các đơn vị chức năng như phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trạm thú y, phòng y tế, phòng tài chính ở các huyện, thành phố huy động nguồn lực, nhân lực thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, người chăn nuôi, học sinh... để tổ chức thực hiện, tạo thành chiến dịch rầm rộ, rộng khắp.

            Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa